Đây là một trong những hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh bậc THCS, góp phần phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS trên địa bàn tỉnh.
Học sinh tham gia chương trình “Trải nghiệm ước mơ” năm 2022 tại Trường cao đẳng Công nghiệp Huế
Từ chủ trương đến hành động
Theo kế hoạch giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 của UBND tỉnh phê duyệt, phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp. Đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ thông qua nhiều hội nghị hằng năm. Ngành GD&ĐT tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường học; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, phối hợp chặt chẽ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) để triển khai các hoạt động hướng nghiệp đa dạng, sinh động đến cha mẹ học sinh và học sinh các khối lớp 8, 9.
Đi đầu là Phòng GD&ĐT TP. Huế đã ký kết Biên bản hợp tác toàn diện với Trường cao đẳng Công nghiệp Huế để triển khai mạnh mẽ công tác phân luồng sau tốt nghiệp THCS. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT cũng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra các cơ sở GDNN dạy song bằng trên địa bàn (song song giữa học trung cấp và THPT) để nâng cao chất lượng cũng như tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã chỉ đạo các cơ sở GDNN chú trọng nâng cao chất lượng, triển khai tốt công tác liên thông giữa các bậc học trung cấp, cao đẳng; gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp (DN) và cơ sở GDNN trong quá trình đào tạo nhằm giải quyết đầu ra cho sinh viên – học sinh; đa dạng hóa các hình thức ngoài giờ lên lớp với các hoạt động trải nghiệm, các hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ, thể dục thể thao phù hợp với tâm lý lứa tuổi của học sinh sau THCS.
Tỉnh đoàn cùng các cơ sở GDNN trên địa bàn cũng đã tích cực trong việc chủ động kết hợp với các trường THCS tuyên truyền, điều chỉnh công tác tư vấn hướng nghiệp phù hợp hơn. Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp quản lý đối với học sinh tốt nghiệp THCS học tập tại trường.
Một số kết quả bước đầu
Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC) là một trong những đơn vị tiên phong trong việc triển khai tuyển sinh, đào tạo học sinh tốt nghiệp THCS. Từ năm học 2017 - 2018, HueIC tuyển sinh và tổ chức đào tạo hệ song bằng theo mô hình 9+. Hiện có hơn 1.500 học sinh đang theo học tại trường. Chương trình đào tạo được thiết kế song song chương trình GDNN và trung học phổ thông. Có nghĩa, sau 2 năm học nghề, khi tốt nghiệp học sinh được cấp bằng trung cấp; sau 3 năm học văn hóa, khi tốt nghiệp các em được nhận bằng tốt nghiệp THPT do Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh cấp. Học sinh có thể học tiếp 1 năm để nhận bằng cao đẳng do Hiệu trưởng HueIC cấp. Sau khi có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp (2 năm) hoặc cao đẳng (4 năm), các em có thể đi làm hoặc có thể học liên thông lên bậc học cao hơn tùy theo năng lực và nhu cầu.
Hiện, các trường nghề đang đào tạo theo mô hình này chú trọng hợp tác DN trong và ngoài nước để giải quyết nhu cầu việc làm cho người học. Đơn cử như HueIC có mối quan hệ chặt chẽ với các tập đoàn, tổng công ty và nhiều DN uy tín tại Việt Nam, đồng thời hợp tác với Công ty cổ phần quốc tế Sao Kim để thành lập Trung tâm Du học và Việc làm ngoài nước HueIC – Sakico tại trường. Các hoạt động hợp tác với DN đã và đang được triển khai thực hiện tại trường rất đa dạng, xuyên suốt chu trình đào tạo. Từ những hoạt động này, nhà trường sẽ đảm bảo việc làm cho các em học sinh hệ 9+ cũng như các sinh viên hệ cao đẳng đang theo học tại trường.
Bên cạnh Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh như: Cao đẳng Du lịch Huế, Cao đẳng Sư phạm Huế, Trung cấp nghề số 10… cũng đang tích cực thực hiện công tác tuyển sinh, đào tạo học sinh tốt nghiệp THCS.
Theo đánh giá của Sở LĐTB&XH, việc triển khai thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau THCS tại tỉnh đã góp phần thay đổi nhận thức, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc điều chỉnh cơ cấu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, từng bước khắc phục tình trạng thừa “thầy”, thiếu “thợ”. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, xã hội hiện nay vẫn còn nặng tâm lý chuộng bằng cấp, phụ huynh học sinh vẫn còn e ngại khi cho con em mình sớm tham gia học tại các cơ sở GDNN. Vì vậy, công tác tuyên truyền về giá trị GDNN và chủ trương về công tác phân luồng sau tốt nghiệp THCS trên địa bàn tỉnh cần được các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể tiếp tục quan tâm và triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để góp phần thay đổi nhận thức về việc học nghề hiện nay.