Thành lập Sở Du lịch để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương
Ngày cập nhật 08/04/2016

Chiều ngày 07/4, tại kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ 2011-2016, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VI thông qua Nghị quyết thành lập Sở Du lịch Thừa Thiên Huế trên cơ sở tách chức năng quản lý nhà nước về du lịch từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tiềm năng phong phú

Là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Thừa Thiên Huế nằm trên trục giao thông quan trọng xuyên Bắc - Nam cả đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển; trục Hành lang kinh tế Đông - Tây nối Myanmar - Thái Lan - Lào - Việt Nam qua đường 9; có cảng nước sâu Chân Mây khả năng tiếp nhận tải trọng tàu trên 50.000 DWT, là một trong 46 cảng biển được Hiệp hội Du thuyền Châu Á (ACA) lựa chọn xây dựng điểm dừng chân cho các du thuyền ở khu vực Đông Nam Á; một trong những trung tâm văn hóa, trung tâm giáo dục đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ lớn của cả nước và là cực quan trọng về phát triển kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Thừa Thiên Huế là vùng đất giàu di sản, lịch sử đã để lại nơi đây một hệ thống di tích phong phú với gần 1.000 di tích, trong đó có 153 di tích được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh, hệ thống này bao gồm: 86 di tích cấp quốc gia, 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt quan trọng, di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng, di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, di tích kiến trúc tôn giáo..., đặc biệt Quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Thừa Thiên Huế còn là nơi hội tụ những giá trị văn hóa phi vật thể phong phú, trong đó Nhã nhạc Việt Nam - Âm nhạc cung đình triều Nguyễn được công nhận là Kiệt tác phi vật thể truyền khẩu đại diện của nhân loại; ca Huế được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trang phục, nếp sống, ẩm thực, ngành nghề thủ công truyền thống... là những giá trị vô cùng đặc sắc thể hiện những đặc trưng văn hóa Việt Nam. Vùng đất này còn là nơi bảo lưu một kho tàng lễ hội phong phú bao gồm: lễ hội cung đình, lễ hội dân gian truyền thống, lễ hội tôn giáo...

Thừa Thiên Huế có đầy đủ các dạng địa hình núi, gò đồi, đồng bằng, đầm phá và biển, có Vườn quốc gia Bạch Mã - một trong những Vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam, bờ biển dài 128 km và 86 km đường biên giới có nhiều cửa khẩu thông với Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào là điều kiện phát triển du lịch, diện tích đầm phá Thừa Thiên Huế rộng nhất khu vực Đông Nam Á (gồm phá Tam Giang, đầm Thủy Tú, đầm Cầu Hai, đầm An Cư chiếm 13% diện tích toàn tỉnh). Vịnh Lăng Cô được công nhận là một trong những Vịnh biển đẹp nhất thế giới.

Là ngành kinh tế mũi nhọn

Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Với lợi thế về mặt địa lý, được thiên nhiên ưu đãi và có một truyền thống văn hoá lâu đời, ngành du lịch của tỉnh có nhiều tiềm năng và thế mạnh để xây dựng thành một trung tâm du lịch lớn ở Việt Nam. Du lịch được xác định là ngành mũi nhọn, nên trong nhiều năm qua tỉnh đã đề ra nhiều chính sách phù hợp khuyến khích các ngành và các thành phần kinh tế tham gia phát triển ngành du lịch. Qua việc triển khai Năm du lịch Quốc gia Huế 2012, các kỳ Festival Huế, cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành du lịch đã tăng lên đáng kể. Nhiều khu du lịch, vui chơi giải trí đã được quy hoạch và xây dựng với nhiều sản phẩm và loại hình du lịch hấp dẫn thu hút du khách. Liên tục trong nhiều năm, du lịch Thừa Thiên Huế luôn được công nhận là một trong những điểm đến an toàn - thân thiện - hấp dẫn của du lịch Việt Nam.

Khánh du lịch tàu biển cập cảng Chân Mây

Trong 05 năm (từ năm 2010 - 2015), lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế tăng với tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 13%. Năm 2010, tổng lượt khách tham quan, du lịch đạt 1,74 triệu lượt khách, đến năm 2015 đạt 3,126 triệu lượt khách. Du lịch đường biển đã có sự tăng trưởng đáng kể, năm 2010 chỉ đón 17 chuyến tàu với 16.997 lượt khách, năm 2015 đã đón 52 chuyến tàu với 75.520 lượt khách, tăng hơn 3 lần.

Doanh thu du lịch trong 05 năm qua tăng với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 12% đóng góp vào GRDP. Năm 2010, tổng doanh thu du lịch đạt 1.338 tỷ đồng, đến năm 2015 đạt 3.000 tỷ đồng. Trong 05 năm (từ năm 2010 - 2015), lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế tăng với tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 13%. Năm 2010, tổng lượt khách tham quan, du lịch đạt 1,74 triệu lượt khách, đến năm 2015 đạt 3,126 triệu lượt khách. Du lịch đường biển đã có sự tăng trưởng đáng kể, năm 2010 chỉ đón 17 chuyến tàu với 16.997 lượt khách, năm 2015 đã đón 52 chuyến tàu với 75.520 lượt khách, tăng hơn 3 lần.

Hiện nay, toàn tỉnh có 543 cơ sở lưu trú với 12.000 phòng, trong đó có 204 khách sạn, với tổng số 7.508 phòng lưu trú, trong đó khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao: 27 khách sạn, với 3.177 phòng; khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1-2 sao: 128 khách sạn, với 3.036 phòng. Có 80 đơn vị kinh doanh lữ hành trên địa bàn tỉnh (trong đó có 38 đơn vị quốc tế, 42 đơn vị nội địa).

Thành lập để nâng tầm du lịch

Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, có vai trò quan trọng đối với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết lao động ở địa phương. Thừa Thiên Huế đang tập tập trung triển du lịch để khẳng định vai trò, vị trí là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước với tốc độ tăng trưởng ổn định, bền vững, quy mô hoạt động ngày càng lớn. Mục tiêu được xác đinh là xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành điểm đến an toàn và thân thiện đối với du khách ở trong và ngoài nước. Năm 2016 phấn đấu đón khoảng 3,2 đến 3,5 triệu khách du lịch, trong đó có 1,1-1,3 triệu khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt 3.200 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2020 đón 5,7 triệu lượt khách, trong đó có 2 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt 6.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân là 12-15% (giai đoạn 2016 - 2020), thu nhập xã hội từ du lịch đạt 16.500 tỷ đồng. Năm 2020 trên địa bàn đạt khoảng 22.000 lao động trong lĩnh vực du lịch.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh: Với lợi thế về mặt địa lý, được thiên nhiên ưu đãi và truyền thống văn hoá lâu đời, ngành du lịch của tỉnh có nhiều tiềm năng và thế mạnh để xây dựng thành một trung tâm du lịch lớn ở Việt Nam. Việc thành lập Sở Du lịch nhằm đáp ứng công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực du lịch đang phát triển mạnh mẽ và là ngành kinh tế mũi nhọn của Thừa Thiên Huế, đồng thời phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt.

Biểu quyết thông qua nghị quyết thành lập Sở Du lịch

Với yêu cầu thực tiễn của tỉnh Thừa Thiên Huế và phù hợp với các quy định của Chính phủ, cần thiết thành lập sở Du lịch để khai thát triệt để tiềm năng, phát huy lợi thế và nâng tầm du lịch Thừa Thiên Huế, các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 12 – HĐND tỉnh khóa VI đã biểu quyết thông qua nghị quyết thành lập Sở Du lịch trên cơ sở tách chức năng quản lý nhà nước về du lịch từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; kiện toàn Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thành lập Sở Văn hóa và Thể thao. Về nhân sự bộ máy, Sở Du lịch có Giám đốc và không quá 03 Phó Giám đốc; 5 phòng tham mưu tổng hợp và chuyên môn, nghiệp vụ ( Văn phòng Sở; Thanh tra Sở; Phòng Quản lý cơ sở lưu trú; Phòng Quản lý lữ hành; Phòng Nghiên cứu Phát triển du lịch ) và 1 đơn vị sự nghiệp là Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch.

Theo: thuathienhue.gov.vn
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 8.551.095
Truy cập hiện tại 1.216