Ước mơ của cậu học trò nghèo giỏi văn
Ngày cập nhật 21/08/2010

Đoạt HCV môn Văn cuộc  thi Olympic 30.4, thế nhưng cậu học trò nghèo Nguyễn Phan Như Vũ (lớp 11B6, trường THPT Hai Bà Trưng, TP Huế) đang lo và không biết rồi đây ước mơ của mình sẽ ra sao bởi hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.

Đừng coi môn Văn là môn học... buồn ngủ

Ngay từ nhỏ, cậu bé Nguyễn Phan Như Vũ đã có năng khiếu với môn Văn. Nhưng phải đến khi được gặp rồi học Văn với cô giáo Ngọc Diệp, Vũ mới thực sự "say" môn học được cho là nhiều chữ này.

"Chính phương pháp dạy của cô Diệp đã khiến em có thêm những cách tiếp nhận mới về kiến thức văn học. Cô đã bày cho em cách tổ chức một bài văn, phương pháp giải một đề văn thế nào cho khoa học và dễ nhớ, dễ hiểu, chứ trước đó, em chỉ có năng khiếu thôi chứ chưa biết cách để tổ chức bài viết thế nào cho khoa học", Như Vũ cho hay.

Càng khám phá thế giới đầy bí ẩn và kỳ diệu của những tác phẩm văn học, Vũ càng thấy mình gắn bó với môn học này hơn. Khi được đề nghị sẽ nói một điều gì đó về chuyện học văn của các bạn học sinh hiện nay, Như Vũ chia sẻ: "Không nên coi môn Văn là môn học đối phó, buồn ngủ. Chỉ cần có sự đam mê và một chút tập trung, các bạn sẽ cảm nhận được môn Văn là một môn học rất thú vị không kém gì các môn học khác".

Có lẽ, kỷ niệm sẽ gắn mãi với Vũ và mọi người trong gia đình em qua hai tài sản có giá trị sau khi đoạt HCV môn Văn cuộc thi Olympic 30.4: chiếc xe đạp điện và chiếc quạt điện.

"Ông chủ của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Duy Trí (46 Nguyễn Huệ, TP Huế) đã tặng em chiếc xe này để đi học. Em sẽ chờ đến ngày nhập học đầu năm mới đi chiếc xe này", Như Vũ hồ hởi nói.

Xa lắm cánh cửa đại học

Dáng người gầy nhỏ, thoạt trông ít ai ngờ rằng Nguyễn Phan Như Vũ sắp là học sinh cuối cấp. Song, khác với vẻ bề ngoài ấy, Vũ suy nghĩ khá chín chắn. Có lẽ, những khó khăn của gia đình, những tiếng thở dài trong những câu chuyện của ba mẹ đã khiến em để ý, rồi dần dần hình thành cho mình một tính cách của người lớn. Cũng chính vì thế mà Vũ rất tâm đắc với câu nói của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm trong quyển nhật ký của cô: "Đời phải trải qua giông tố nhưng chớ cúi đầu trước giông tố".

Là con thứ ba trong gia đình có năm anh em, có lẽ Vũ đang là người may mắn nhất của gia đình vì đã học hết lớp 11. Hai anh trai đầu của Vũ, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cả hai đã chấp nhận nghỉ học để cho ước mơ của cậu em trai có cơ may trở thành hiện thực. Vũ và hai em út được may mắn đến trường trong sự cố gắng của ba mẹ và hai anh nên với Vũ, học tập là trách nhiệm không chỉ cho tương lai mà là sự trả ơn cho những người thân của mình.

Ông Nguyễn Như Huế (bố Vũ) tâm sự: "Dù gia đình có khó khăn thế nào đi nữa, chúng tôi cũng sẽ tìm mọi cách để Vũ đến được với giảng đường đại học. Bởi, đó không chỉ là ước mơ của riêng Vũ, mà ước mơ đó còn là của mọi thành viên trong gia đình".

Dù chưa qua một lớp học vẽ nào nhưng Vũ lại rất khéo tay và có năng khiếu vẽ. Chính vì thế, Vũ mơ ước sẽ trở thành một sinh viên ngành mỹ thuật ứng dụng. Thế nhưng, trong câu chuyện Vũ nói về ước mơ của mình trong tương lai, em đã không ít lần ngập ngừng, đăm chiêu suy nghĩ.

Vũ tâm sự: "Ước mơ đôi khi chỉ là mơ ước thôi chị à. Bởi ngẫm ra, với điều kiện gia đình hiện tại, thì đường đến với giảng đường đại học của em còn xa lắm. Em không muốn mình trở thành một người con bất hiếu khi nhìn sức khỏe của bố mẹ ngày càng yếu đi vì phải lao động nặng nhọc để lo cho mình".

Trở về Huế sau bao nhiêu năm bươn chải trên mảnh đất quê người ở Gia Lai với mong muốn sẽ xây dựng được một cuộc sống sung túc hơn. Thế nhưng, sau 10 năm trở về ấy, cuộc sống của gia đình Vũ vẫn không khấm khá lên chút nào.

Những tai nạn giao thông lần lượt ập đến với người mẹ của Vũ khiến gia đình rơi vào cảnh khó khăn hơn. Sức khỏe bà Phan Thị Cam (mẹ Vũ) ngày một yếu nhưng vì các con, ngoài việc đồng áng, bà vẫn cố tranh thủ những buổi chợ với mớ rau, ít quả... góp từng đồng tiền lẻ để có tiền cho Vũ đóng học phí. Đã vậy, công việc phụ hồ của bố Vũ cũng "ngày làm ngày nghỉ" nên không đem lại cho gia đình một nguồn thu nhập ổn định.

"Trừ cơm nước rồi, may lắm tui còn được khoảng 25.000 đồng cho một ngày công phụ hồ. Ngày nắng còn đỡ, chứ ngày mưa thì chịu luôn. Nhiều đêm nằm nghĩ, ông bà răng không cho mình trúng vài tờ vé số độc đắc như người ta để cho cuộc sống gia đình đỡ khó khăn hơn, để cánh cửa đại học không còn xa với tụi nhỏ nữa", ông Phan Như Huế chân thành.

Quốc Vũ (Theo: TNO)
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 8.650.844
Truy cập hiện tại 312