Sự kiện
07/4: Khai mạc Tuần lễ Văn hóa - Thể thao Thanh thiếu nhi tỉnh TT-Huế, lần thứ XX     *     07/4: Ngày hội các CLB, Đội, Nhóm tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VI     *     07/4: Ngày hội Thanh niên với Văn hóa Giao thông     *     10/4: Ngày hội Chiến sỹ nhỏ Điện Biên làm theo lời Bác dạy năm 2024     *     20 - 21/4: Chương trình truyền thông tư vấn hướng nghiệp và định hướng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

 

Tìm kiếm tin tức

Câu hỏi 1000 năm Thăng Long
Ngày cập nhật 03/06/2010

Câu hỏi 1: Không gian địa lý nằm trong giới hạn nào?
Trả lời: Hà Nội nằm ở trung tâm Bắc Bộ, từ kinh độ 105 độ 44 phút đến 106 độ 2 phút kinh độ đông và từ vĩ độ 20 độ 53 phút đến 21 độ 23 phút vĩ độ bắc. Từ đông sang tây là 75,8km và từ bắc xuống nam là 57,7km.

Câu hỏi 2: Người Hà Nội xem truyền hình trực tiếp của VTV3 giải bóng đá ngoại hạng Anh bắt đầu sớm nhất từ 21 giờ, muộn nhất từ 23 giờ. Có phải người Anh đá bóng về đêm không?
Trả lời: Không phải người Anh đá bóng về đêm mà là do chênh lệch về múi giờ (giờ Hà Nội chênh khoảng 7 giờ so với giờ GMT, tức là múi giờ qua Greenwich, gần London, Vương quốc Anh). Khi ở Anh là 0 giờ thì ở Việt Nam đã là 7 giờ và vì thế những trận thi đấu ngoại hạng Anh mà VTV3 Đài truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp lúc 21 giờ và 23 giờ (giờ Hà Nội) thì ở Anh là 14 giờ và 16 giờ.
Câu hỏi 3: Khi chuông đồng hồ ở Bưu điện Bờ hồ (Hà Nội) điểm 12 giờ trưa, những nơi nào trên thế giới lúc đó là 6 giờ tối, là 12 giờ đêm, là 6 giờ sáng?
Trả lời: Hà Nội ở vào khoảng 105 – 106 kinh độ đông, vì thế những nơi chênh lệch với Hà Nội 6 tiếng là 15 độ kinh độ đông, 165 độ kinh độ tây và nơi chênh lệch với Hà Nội 12 tiếng 75 độ kinh độ tây.
Đó là các vị trí:
Cực đông Alaska của Mỹ (6 giờ chiều, kinh độ 165 độ kinh độ tây).
Thành phố Philadenphia của Mỹ (12 giờ đêm, kinh độ 75 độ kinh độ tây).
Thành phố Berlin của Đức (6 giờ sáng, kinh độ 15 độ kinh độ đông).
Câu hỏi 4: Chương trình dự báo thời tiết của Đài truyền hình Việt Nam chia Bắc Bộ thành hai vùng: phía Tây Bắc Bộ và phía Đông Bắc Bộ. Khu vực Hà Nội thuộc vùng nào?
Trả lời: Khu vực Hà Nội thuộc vùng phía đông Bắc Bộ.
Lãnh thổ Việt Nam được chia làm ba vùng Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Việc chia Bắc Bộ thành vùng phía đông và vùng phía tây cũng mang tính tương đối, đặc biệt nếu căn cứ theo địa giới tỉnh. Hà Nội thuộc khu vực châu thổ và trung du phía đông Bắc Bộ.
Câu hỏi 5: Hà Nội hiện nay tiếp giáp với bao nhiên tỉnh, là những tỉnh nào?
Trả lời: Hà Nội hiện nay Tiếp giáp với 8 tỉnh. Đó là các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên (phía đông), Thái Nguyên, Bắc Giang (phía bắc), Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Phú Thọ (phía tây), Hà Nam (phía nam).
Câu hỏi 6: Ở Hà Nội có bao nhiêu nơi trong khoảnh khắc có thể đến được hai tỉnh?
Trả lời: Trong khoảnh khắc từ một điạ điểm của Hà Nội có thể đến được hai tỉnh bạn là những nơi ngã ba địa giới giữa Hà Nội với hai tỉnh đó. Hà Nội có 6 địa điểm như thế. Đó là các vị trí:
Nơi ngã ba giữa Hà Nội, Hưng Yên, Hà Tây (huyện Thanh Trì).
Nơi ngã ba giữa Hà Nội, Hà Tây và Vĩnh Phúc (huyện Đông Anh).
Ngã ba giữa Hà Nội, Vĩnh Phúc và Thái Nguyên (huyện Sóc Sơn).
Ngã ba giữa Hà Nội, Thái Nguyên và Bắc Giang (huyện Sóc Sơn).
Ngã ba giữa Hà Nội, Bắc Giang và Bắc Ninh (huyện Sóc Sơn).
Ngã ba giữa Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên (huyện Gia Lâm).
Câu hỏi 7: Tỉnh nào, như lời một bài hát, được coi là “cửa ngõ thủ đô, áo giáp che chở ngàn năm bền vững” cho Thăng Long – Hà Nội?
Trả lời: Đó là tỉnh Hà Tây, nằm ở phía nam và tây nam Hà Nội. Không phải đến bây giờ, mà trong lịch sử, vùng đất này – xứ Xoài – luôn là phên giậu quan trọng của Kinh đô Thăng Long.
Câu hỏi 8: Bằng xe đạp người tỉnh nào có thể đến trung tâm thành phố Hà Nội nhanh nhất?
Trả lời: Hà Nội là Thủ đô, là trái tim của Tổ quốc, vì thế, được về Hà Nội, được đến thăm Hà Nội, là mong ước của mỗi người Việt Nam. Đương nhiên, về đại thể, thì đồng bào các tỉnh xung quanh Hà Nội đến trung tâm thành phố là gần hơn cả, nhưng gần nhất là đồng bào tỉnh Hà Tây. Từ thị xã Hà Đông đến trung tâm Hà Nội (Bưu điện Bờ Hồ) chỉ có 11km, nơi gần nhất chỉ cách 9.5km.
Câu hỏi 9: Trên Quốc lộ 5 từ Hải Phòng về Hà Nội, biển báo địa phận Hà Nội thuộc địa phận huyện nào?
Trả lời: Đó là huyện Gia Lâm.
Gia Lâm là huyện nằm ở phía đông bắc thành phố Hà Nội, tiếp giáp với tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh. Quốc lộ 5, con đường huyết mạch nối Thủ đô với các tỉnh vùng đông bắc, chạy qua địa phận huyện Gia Lâm. Từ Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên lên Hà Nội, địa điểm đầu tiên của Thủ đô mà ta đặt chân tới là huyện Gia Lâm.
Câu hỏi 10: Từ Nam ra, theo Quốc lộ 1, biển báo Hà Nội kính chào quý khách thuộc địa phận huyện nào?
Trả lời: Đó là huyện Thanh Trì.
Thanh Trì là huyện phía nam của Hà Nội, được coi là cửa ngõ, là phên giậu phía nam của Kinh thành Thăng Long. Từ các tỉnh phía nam ra Hà Nội chủ yếu bằng Quốc lộ 1 chạy qua huyện Thanh Trì.
Câu 11: Từ cửa khẩu Hữu Nghị theo Quốc lộ 1 về Hà Nội, sẽ đến địa phận huyện nào của Thủ đô trước tiên?
Trả lời: Đó là huyện Gia Lâm.
Gia Lâm là huyện phía đông của Hà Nội. Quốc lộ 1 từ Lạng Sơn, qua Bắc Giang, Bắc Ninh về Hà Nội. trước khi về đến nội thành, Quốc lộ 1 đi qua huyện Gia Lâm.
Câu 12: Huyện Sóc Sơn là nơi đầu tiên đón đồng bào vùng nào xuống thăm Thủ đô?
Trả lời: Sóc Sơn là huyện phía bắc của Hà Nội. Quốc lộ 3 từ Hà Nội lên Việt Bắc đi qua huyện Sóc Sơn. Đồng bào vùng núi rừng Việt Bắc từ Cao Bằng, Bắc Cạn về Hà Nội đi bằng đường này, nơi đặt chân đầu tiên lên đất Thủ đô là huyện Sóc Sơn.
Câu 13: Từ Hà Giang, Tuyên Quang về Hà Nội thường đi bằng đường nào?
Trả lời: Đó là Quốc lộ 2 từ Hà Giang, qua Tuyên Quang về Hà Nội. trên địa bàn Hà Nội, Quốc lộ 2 qua phía bắc huyện Đông Anh, vì thế Đông Anh là huyện đầu tiên đồng bào Hà Giang, Tuyên Quang đặt chân lên khi về thăm Thủ đô Hà Nội.
Câu 14: Từ thị xã Sơn Tây theo đường 32 về Hà Nội, nơi đặt chân đầu tiên là huyện nào?
Trả lời: Đó là huyện Từ Liêm.
Từ Liêm là huyện phía tây nam của Hà Nội. Đồng bào các tỉnh phía Tây Bắc theo đường 11A từ Mù Cang Chải, Nghĩa Lộ, Phú Thọ đến Sơn Tây, rồi theo đường 32 về Hà Nội. Nơi đầu tiên của Hà Nội mà đồng bào đặt chân lên là huyện Từ Liêm.
Câu 15: Từ Hà Nội chỉ bằng Quốc lộ 1 có thể đến được địa phận nào của bao nhiêu tỉnh, thành, gồm những tỉnh, thành nào?
Trả lời: Theo Quốc lộ 1A ta có thể đến được 28 tỉnh, thành.
Lên phía bắc có thể đến được các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn.
Vào phía nam ta có thể đến được các tỉnh, thành: Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tỉnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẳng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
Câu 16: Trên đất nước Việt Nam tỉnh nào xa Hà Nội nhất?
Trả lời: Trong các tỉnh, thành của Việt Nam thì Cà Mau là tỉnh nằm xa Thủ đô hà Nội nhất.
Câu 17: Trên đất nước Việt Nam, huyện nào xa Hà Nội nhất?
Trả lời: Đó là huyện Nam Căn thuộc tỉnh Cà Mau.
Câu 18: Cước điện thoại đường dài Hà Nội đến vùng nào hết nhiều tiền nhất, đến nơi nào hết ít tiền nhất?
Trả lời: Theo giá hiện nay (năm 2000) vùng có mức cước phí điện thoại đường dài nhiều tiền nhất (5.302đ/ phút đầu gọi tự động) gồm các tỉnh: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Phước, Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tây Ninh, Vĩnh Long.
Cước điện thoại thấp nhất là gọi đến tỉnh Hà Tây (704đ/ phút đầu gọi tự động).
Câu 19: Trên địa bàn Hà Nội đã từng và hiện có mấy sân bay? Đó là những sân bay nào?
Trả lời: Trên địa bàn Hà Nội từng có 3 sân bay là: Bạch Mai, Gia Lâm và Nội Bài. Hiện nay (năm 2000) chỉ còn 2 sân bay: Nội Bài, Gia Lâm.
Câu 20: Từ Hà Nội, nơi xa nhất có thể đến bằng máy bay của hãng Hàng không dân dụng Việt Nam là nơi nào?
Trả lời: Đó là:
- Berlin (Đức).
- Paris (Pháp).
Câu 21: Từ “ra Hà Nội” hay “thăm Thủ đô” phổ biến ở miền nào?
Trả lời: “Ra Hà Nội”, “thăm Thủ đô” là những từ quen thuộc của đồng bào từ miền Trung trở vào nam khi có dịp nhắc tới Thủ đô.
Ta hãy thử hát “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác….”. hay như tên của một truyện nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Minh Châu “Khách ở quê ra”, là viết vế ông Khắng từ làng quê xứ Nghệ ra thăm Hà Nội. Vô tuyến truyền hình thỉnh thoảng vẫn đưa tin các đoàn đại biểu, các bà mẹ Việt Nam anh hùng các tỉnh phía Nam ra thăm Hà Nội,….
Câu 22: Dân vùng nào nói “xuống Hà Nội”, “xuống Thủ đô”?
Trả lời: “Xuống Hà Nội”, “xuống Thủ đô” là cách nói của đồng bào các tỉnh khu vực phía bắc Hà Nội. Đây là một cách nói xuất phát từ thói quen xác định vị trí của người Việt Nam: Xuống thấp, lên cao “Ai lên xứ Lạng cùng anh”, “xuống Đông, lên Đoài”, “Từ Hà Nội xuống Hải Phòng, lên Lào Cai”,…
Câu 23: Người vùng nào nói “lên Hà Nội”, “lên Thủ đô”?
Trả lời: Thông thường thì đồng bào các tỉnh, như Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên thường nói “ lên Hà Nội”, “lên Thủ đô”. Cũng vẫn là cách xác định vị trí quen thuộc của người Việt Nam.
Câu 24: “Về Thủ đô”, “về Hà Nội” là dân vùng nào nói?
Trả lời: Trong khi nhiều vùng, tùy theo địa hình- hướng của địa phương mình với Hà Nội- dùng những từ “ra”, “lên”, “xuống” Thủ đô, thì có một cách nói có thể dùng chung cho các vùng, đó là “về Thủ đô”. “Về quê”, “về Hà Nội” là cách nói thân thương.
Câu 25: Thuật ngữ địa chất: “trũng Hà Nội” hay “võng Hà Nội”là để chỉ hiện tượng gì?
Trả lời: Các nhà địa chất dùng thuật ngữ “trũng Hà Nội” hay “võng Hà Nội” để chỉ thực tế địa hình miền trũng tam giác châu thổ sông Hồng, trong đó có vùng đất Hà Nội. Tuy nhiên dạng “võng” này không chỉ là định dạng trên bề mặt đồng bằng mà thực sự phản ánh cấu trúc móng tận 30- 40 km dưới sâu. Dưới độ sâu 30- 35 km trong lòng đất Hà Nội là những dải khổng lồ dáng thon thon, hơi kéo dài và nhô cao với những khúc uốn cong mềm mại trông giống như những con rồng. Nói một cách ví von là rồng đất trong lòng đất Hà Nội.
Câu 26: Rồng vàng bay lên tượng trưng cho sự vươn lên của Thăng Long- Hà Nội, còn rồng đất quẫy mình thì sao?
Trả lời: Về mặt cấu tạo địa chất khu vực Hà Nội là một vùng xung yếu của vỏ trái đất. Vỏ trái đất ở đây vừa mỏng, vừa bị đứt gẫy sâu, vì thế đây là vùng có cường độ chuyển động lớn của vỏ trái đất. Động đất xảy ra ở Hà Nội là vì thế. Có thể nói một cách hình ảnh ấy là những con “rồng đất” ở độ sâu 30- 35 km “vẫy mình”. Trong lịch sử và ở thế kỉ XX Thăng Long-Hà Nội đã từng xảy ra không ít trận động đất.
Câu 27: Dưới độ sâu 40- 50 m trong lòng đất Hà Nội, các nhà địa chất gặp gì?
Trả lời: các nhà địa chất cho biết cách ngày nay khoảng vài triệu năm, toàn vùng Hà Nội được nâng lên thành một vùng rộng lớn, có xâm thực và bóc mòn, đồng thời có bồi đắp do tác dụng trầm tích của sông suối hồi đó. Từ đây hình thành một đồng bằng phủ đầy cây cối rậm rạp với một phần thể nhiệt đới phong phú như voi răng kiếm, gấu mèo lớn….
Câu 28: Đất trên bề mặt Hà Nội hiện nay được mang từ đâu tới, bằng cách nào và từ bao giờ?
Trả lời: Cách ngày nay khoảng một hai vạn năm là một thời kì biển tiến. Gần một nửa lục địa Đông Nam Á bị nhấn chìm xuống dưới mực nước biển, vịnh Bắc Bộ ăn sâu vào đồng bằng, tới vùng thấp trũng phía nam Hà Nội. Phần còn lại của đất đai Hà Nội bị nhiễm mặn.
Cách ngày nay khoảng 4000 năm bắt đầu một thời kì biển lùi. Vùng đất Hà Nội từ vũng biển hay vũng đọng được phù sa các sông bồi lắp dần thành miền rừng rậm, đầm lầy.
Qua hàng ngàn năm ông cha ta lao động vất vả, khai phá và cải tạo thành đồng bằng Hà Nội ngày nay.
Câu 29: Địa hình Hà Nội có đặc điểm nổi bật gì?
Trả lời: Địa hình Hà Nội thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông. Điều này được phản ánh rõ nét qua các dòng chảy tự nhiên của các dòng sông chính chảy qua Hà Nội (như sông Cầu, sông Cà Lồ, sông Đuống, sông Hồng, sông Nhuệ).
Dạng địa hình chủ yếu của Hà Nội là địa hình đồng bằng, được đắp bồi do các dòng sông với các bãi bồi hiện đại và các bãi bồi cao, còn các vùng trũng với các hồ đầm. Các bậc thềm sông chỉ có ở huyện Sóc Sơn và phía Bắc huyện Đông Anh. Ngoài ra, Hà Nội còn có dạng địa hình núi và đồi xâm thực tập trung ở khu vực đồi núi Sóc Sơn.
Câu 30: So với mực nước biển, Hà Nội cao hơn bao nhiêu mét?
Trả lời: Các nhà địa chất lấy mực nước biển làm chuẩn để xác định độ cao của từng vùng, từng địa điểm trên lục địa. Vùng đất Hà Nội ngày nay có độ cao 5- 20m trên mực nước biển. Điều đó có nghĩa là nước Biển Đông cần phải dâng cao trên 5m thì mới vào đến Hà Nội.


Tập tin đính kèm:
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 8.582.532
Truy cập hiện tại 246