1. Biết giữ im lặng khi cha mẹ tiếp khách
Khoảng 3-4 tuổi trở lên, bé đã biết ngồi ngoan trong khi cha mẹ trò chuyện. Muốn nói gì, bé biết cách ra dấu hoặc nói nhỏ với mẹ mà không cắt ngang. Tuy nhiên, nếu bạn cứ xem như con còn “nhỏ mà”, không hướng dẫn thì bé sẽ không tự làm được. Bởi lẽ, bé chưa hề ý thức được việc cắt ngang người lớn hay quấy quả trong lúc bố mẹ đang nói chuyện là… hư!
>> Bạn nên:
Thỏa thuận một ký hiệu với con và hướng dẫn con ra dấu với mẹ trước khi muốn nói điều gì. Cho con “thực tập” bằng cách tham gia bữa cơm của gia đình, tham gia những buổi bố mẹ đang ngồi nói chuyện. Hãy cho con biết khi nào con nên ngoan ngoãn chơi yên lặng, không quấy khi nhà đang có khách. Có thể ban đầu việc này khá khó khăn, nhưng nếu bạn kết hợp thêm với cô giáo ở trường để rèn cho bé, bé sẽ ý thức được lúc nào nên giữ im lặng đấy.
2. Dạy con cách cảm ơn
Bé sẽ được cho quà bánh, lì xì những lúc đến nhà người khác chúc Tết. Đừng đợi đến lúc ấy bạn mới hối hả giục con: “Cảm ơn đi con!”, “Chúc Tết đi con!”. Nên nhớ, trẻ nhỏ chỉ có thể làm tốt những việc này nếu bạn thật sự xem đó là một kỹ năng và rèn luyện nghiêm túc cho trẻ đến lúc trẻ thật sự thân thuộc.
>> Bạn nên:
Dạy con một số câu chúc Tết cũng như cách cảm ơn khi được người lớn cho thứ gì. Hãy thử ứng dụng thành trò chơi cho bé chơi hàng ngày. Ví dụ như chơi cảm ơn. Bé đưa cho bạn cái gì, bạn sẽ cầm và nói: “Mẹ cảm ơn con!”, sau đó thử làm ngược lại với bé. Nên tạo cho con thành thói quen, luôn nhận đồ vật bằng hai tay, luôn biết cảm ơn lúc ở nhà. Bằng cách ấy, bé sẽ không ngỡ ngàng khi sang nhà người khác.
3. Dạy con không xem ngay bao lì xì
Rất khó xử khi người lớn vừa lì xì mừng tuổi xong, bé đã vội vàng… mở phong bao, lôi tờ tiền ra và ríu rít: “Mẹ ơi, tiền này… Mẹ cất dùm con!”, hoặc tệ hơn: “Trời ơi, sao có ít tiền thôi vậy! Tiền này không mua được đồ chơi. Tiền của mẹ màu xanh mới mua được đồ chơi!”. Đã có những trường hợp, cả chủ lẫn khách đều ngượng đỏ mặt với những “tình huống” tréo ngoe như thế đấy!
>> Bạn nên:
Giải thích với con phong bì lì xì là để chúc con may mắn, hay ăn chóng lớn. Con không nên mở ra xem ngay lúc ấy, cũng không nên đưa ra lời khen chê nhiều ít gì cả. Cách tốt nhất là con chúc Tết mọi người, cảm ơn và cất bao lì xì vào túi rồi chơi ngoan. Để thuận tiện cho con, bạn có thể tặng cho bé gái một chiếc ví xinh xắn hoặc cho bé mặc áo có túi để cất bao lì xì của riêng mình vào.
4. Dạy con chúc Tết mọi người
Chúc Tết là một trong những phong tục tập quán, một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Trong những ngày lễ Tết, khi gặp mọi người hoặc đến nhà anh em, họ hàng… người ta thường trao nhau những câu chúc mừng Xuân mới, chúc sức khỏe, hạnh phúc và may mắn…. Những lời chúc tụng là sự bày tỏ lòng hiếu thảo, tình thương yêu, “uống nước nhớ nguồn” của mọi người trong gia đình, với niềm mong ước và cầu chúc một năm mới an vui, may mắn và hạnh phúc đến với tất cả chúng ta.
Tuy nhiên, không phải bạn nhỏ nào cũng hiểu và biết cách chúc Tết. Nhiều trẻ khi đi chúc Tết cùng ba mẹ chỉ biết chào và không biết cách chúc Tết sao cho lịch sự mà vẫn ấm áp yêu thương. Cho nên, trước thềm năm mới, ba mẹ hãy “note” ngay việc trang bị kỹ năng sống – dạy con chúc Tết. Hãy từ từ hướng dẫn con để con dần quen với phản xạ giao tiếp khi gặp người lớn và biết cách nói lời chúc Tết. Hãy cho trẻ biết những lời chúc tuy chỉ đơn giản và ngắn gọn của trẻ nhưng lại như “một món quà yêu thương” đối với người nhận nó. Người lớn thường chú ý và cảm thấy vui mừng, hạnh phúc khi nhận được những lời chúc từ cô bé, cậu bé trong sáng, ngây thơ.
Một số kỹ năng mềm khi chúc Tết mọi người ba mẹ nên chỉ như bé như:
Với ông bà thì chúc “khỏe mạnh, sống lâu trăm tuổi”. Một số câu chúc như: “Năm mới, con chúc ông/bà thật mạnh khỏe, vui tươi và hạnh phúc ạ!”, “Năm mới, con chúc ông bà sức khỏe dồi dào, sống lâu trăm tuổi ạ!”
Với người lớn thì chúc “sức khỏe dồi dào, làm ăn phát tài”, với anh/chị thì chúc “hạnh phúc, may mắn!”…
Những lời chúc ba mẹ dạy con con cần ngắn gọn, dễ hiểu để trẻ dễ dàng ghi nhớ và phản xạ tự nhiên. Đặc biệt, khi hướng dẫn con chúc Tết, ba mẹ cũng cần dặn dò con về cách cư xử lịch sự, nhã nhặn như:
Tươi cười, niềm nở khi chúc Tết mọi người
Tuân theo những quy tắc của nhà người khác, không quậy phá, nghịch ngợm, không đạp lên tường và đồ đạc, không chạy nhảy trong nhà, làm ảnh hưởng tới mọi người xung quanh, không chạm vào các vật dễ vỡ, đặc biệt là khi đã được người lớn nhắc nhở.
Hiểu và tuân theo tín hiệu không lời để ngừng làm việc gì đó
5. Không tự ý sử dụng đồ của người khác khi chưa xin phép
Dạy trẻ không được phép tự ý sử dụng đồ của người khác khi chưa được phép. Hãy nói với trẻ rằng việc tùy tiện sử dụng đồ mà chưa nhận được sự đồng ý của chủ nhân là một hành động bất lịch sự, và có thể gây hiểu nhầm là trộm đồ. Nếu con muốn sử dụng hoặc tò mò về bất cứ thứ gì của ai đó, con cần phải xin phép.
6. Nhường nhịn các bạn khác
Khi trẻ sang nhà người khác chơi, nhà khách có em bé nhỏ. Bạn để hai đứa trẻ cùng chơi với nhau, song chỉ một lát là chúng… chí chóe, tranh giành đồ chơi, kéo nhau ra “méc mẹ”. Thậm chí, có lúc người lớn trở nên mất vui và khó xử khi mấy nhóc tì khóc nhè, đánh nhau nữa chứ!
>> Bạn nên:
Chuyện này sẽ không xảy ra nếu bạn có thể “huấn luyện” con biết nhường nhịn bạn khác. Bạn có thể kể cho con nghe những câu chuyện ngụ ngôn như “Hai con dê cùng qua một chiếc cầu”, đưa ra những tình huống để bé suy nghĩ và học được cách “nhường”. Khi có bạn muốn giành một món đồ chơi, hãy gợi ý cho trẻ chơi sang món khác, hoặc nói với bạn là: “Chúng mình chơi cùng nhau nhé!”. Sẽ khá khó lúc ban đầu, nhất là với các bé còn nhỏ, song nếu bạn tìm cách giám sát trẻ lúc chơi, khéo léo can thiệp đúng lúc cũng như tập cho con: “Nhường cái này cho anh nhé!” quen nhiều lần thì tình trạng khó xử kia sẽ không còn nữa.