– Lều có nhiều hình dáng và kích thước khác nhau. Cách dựng cũng đa dạng tùy thời gian và tính chất sử dụng, tạm chia thành hai dạng sau đây :
+ Lều đặc dụng: gồm có các loại lều dùng cho chữ thập đỏ, cho các đoàn thám hiểm, các đoàn khảo sát địa chất các loại lều này cách dụng của nó phải theo qui trình của người thiết kế.
+ Lều bạt: thường có 2 mái, 2 cửa ra vào, thời gian sử dụng ít ngày, là nơi trú tạm cho nên cần phải thực hiện nhanh, mang vác gọn nhẹ, dễ tháo gỡ.
II/ CÁC VẬT DỤNG CẦN THIẾT CỦA LỀU BẠT VÀ CÔNG DỤNG CỦA NÓ:
1/ Tấm lều :
– Chất liệu : thường là tấm nhựa, vải, ny-lon.
– Hình dáng : hình chữ nhật hoặc hình vuông.
– Kích thước : lớn hay nhỏ lệ thuộc vào số người ở trong đó. Thí dụ: 3m x 4m có thể ở từ 5-7 người, 4m x 6m có thể ở 8-10 người.
– Công dụng : tạo thành hai mái che cho lều để che nắng, gió, mưa …
2/ Tấm trải (tấm bạt):
– Chất liệu : nhựa, vải, nylon, chiếu, đệm, giấy.
– Hình dáng : tương đương với tấm lều.
– Công dụng : dùng để trải dưới tấm lều.
3/ Cột chính :
– Vật liệu : có thể bằng sắt, nhôm, thép… nhưng để tiện cho việc di chuyển nên thường sử dụng bằng tầm vông vừa nhẹ vừa bền. Mỗi lều bạt phải có từ 2 cột chính trở lên. Nếu vùng đất trại có nhiều cây thì ta có thể tận dụng cây rừng ở đó thay cho cột lều cũng được.
– Kích thước : chiều cao của cột lệ thuộc vào kích thước của tấm lều, nếu tấm lều là 3m x 4m thì chiều cao của cột phải từ 1,6m -1,8m; nếu tấm lều là 4m x 6m thì cột phải 1,8m-2,0m.
– Công dụng : cùng với tấm lều tạo không gian cần thiết cho việc trú ngụ và sinh hoạt trong lều.
4/ Cọc phụ :
– Vật liệu : sắt, thép, nhôm, gỗ… Lệ thuộc vào địa hình nơi dựng lều. Cũng có thể là một gốc cây, 1 cục đá, 1 rễ cây… mỗi lều bạt phải có từ 6-8 cọc.
– Hình dáng và kích thước : có một đầu nhọn để đóng xuống đất, 1 đầu bằng để làm điểm tựa cho búa đóng, nếu đất có độ rắn cao thì mỗi cọc phải từ 20 – 30cm, nếu độ rắn ít thì 30 – 40cm, nếu là nền xi-măng thì có thể dùng cọc bằng đinh 10- 15cm, nếu là nơi bãi biển thì nên dùng cọc gỗ dài hơn 40cm hoặc có thể sử dụng cọc chùm.
– Công dụng : giữ cho lều được cố định mái, trên các đầu cột chính thông qua các dây lều.
5/ Dây cột lều :
– Vật liệu : dây nylon, nhựa, bố thông thường hay sử dụng dây dù, nhưng dây phải có đủ độ bền, độ chịu lực cần thiết trong suốt thời gian sử dụng lều. Nên chọn những loại dây mềm, dễ thao tác, tương xứng với kích cỡ và màu sắc của lều như: Dây dù dẹp, dây dù tròn, dây thừng nylon… tuyệt đối không dùng dây kẽm hay dây loại nhỏ khó nhìn thấy, trại sinh rất dễ vấp ngã, gây tai nạn, thương tích.
– Số lượng dây bằng số lượng cọc. Dây chính dài khoảng 14m, dây phụ dài khoảng 1,8m – 2m.
6/ Búa đóng cọc :
– Vât liệu: có thể dung búa gỗ nhưng nên dung búa sắt có 1 đầu bằng để đóng, 1 đầu bền dùng để chặt, phát quang, tạo cọc…
7/ Cuốc, xẻng :
– Rất thiết thực khi đi trại như dọn đất trại, đào hố xí, hố nước, rãnh thoát nước, đắp nền trại… nên sử dụng cuốc đa dụng.
III/ TRÌNH TỰ DỰNG VÀ THÁO LỀU :
Để dựng được lều nhanh, gọn các bạn nên tuân thủ các bước sau đây:
1/ Chọn đất:
– Nếu đất trại do ban tổ chức qui định thì phải tự khắc phục những hạn chế đã có như: vệ sinh, phát quang, nhặt sỏi đá trước khi dựng lều.
– Nếu đất trại do tự chọn thì nên chọn đất có các điều kiện sau:
+ Bằng phẳng, cao ráo.
+ Không kiến, sỏi, mảnh vụn.
+ Không quá gần cây cao.
+ Phải thoáng gió nếu mùa hè và kín gió nếu mùa đông.
+ Gần nguồn nước sạch (tiện nấu ăn và sinh hoạt khác).
+ Gần lều ban tổ chức, các lều bạn, sân sinh hoạt.
+ Phải có nơi tiện lợi cho bố trí hố xí, hố rác, nhà bếp…
2/ Chọn hướng lều :
– Mỗi lều bạt có 2 cửa, tuần tự hướng lều phải bố trí theo các hướng dẫn sau đây:
+ Hướng do ban tổ chức quy định.
+ Hướng về cột cờ trại (nếu có).
+ Hướng về lều ở của ban tổ chức.
+ Hướng về sân tập trung, sinh hoạt.
– Nếu ban tổ chức không qui định, cho tự chọn thì nên:
+ Nên tránh gió ( nếu mùa lạnh) , đón gió ( nếu mùa hè).
+ Nên tránh nắng ( nếu mùa nóng), đón nắng ( nếu mùa lạnh)
3/ Dựng lều :
Trải bạt -> trải lều -> sắp xếp cột chính -> cọc phụ -> dây cột -> đóng cọc.
-
Với đội hình 8 người :
– Trải tấm bạt.
– Căng dây chính thẳng theo hướng đã chọn.
– Trải tấm lều.
– Đặt 2 cột chính trùng dây chính, vị trí 1 và 2 cột cứng bằng nút thuyền chài vào đầu gậy chính; bốn vị trí B1, B2, B3, B4 đồng thời cột nút thuyền chài vào bốn góc lều và làm nút tăng đưa.
– Vị trí 1, 2, A1, A2 cùng với bốn vị trí B1, B2, B3, B4 đánh dấu và đóng cọc. A1 và A2 phải thẳng hàng nhau. (như hình 4)
– Vị trí 1 và 2 dựng gậy chính thẳng góc với mặt đất, Vị trí A1, A2 kéo căng dây chính sao cho lều thẳng sau đó khoá lại.
– Bốn vị trí B1, B2, B3, B4 kéo căng dây. Vị trí 1 và 2 canh chỉnh lều cho cân đối không bị chùng, sau đó tất cả các vị trí khóa lại.
– Đào rãnh thoát nước
– Trang trí.
-
Với đội hình 2 người :
Với hai trại sinh X và Y, chúng ta lần lượt thao tác:
– Trại sinh X phải giữ thật chặt và thẳng cột lều số 1.
– Trại sinh Y đóng cọc A1 và kéo dây chính buộc vào.
– Trại sinh Y lần lượt đóng các cọc B1, B2 (hai bên cột số 1) và kéo dây buộc vào.
– Trại sinh X rời vị trí, qua giữ cột lều số 2.
– Trại sinh Y đóng cọc A2 và kéo dây chính buộc vào.
– Trại sinh Y lần lượt đóng các cọc góc B3, B4 (hai bên cột số 2) và kéo dây góc lều buộc vào.
– Trại sinh X và Y rời vị trí, đến đóng các cọc còn lại và điều chỉnh mái lều.
Nếu làm quen với hai người, chúng ta có thể dựng một cái lều trong vòng 10 phút.
* Lưu ý:
– Các cọc phải đóng nghiêng 450 so với mặt đất và phải hướng vào tâm lều. Nếu gặp cọc lớn, ngắn và gặp đất cứng, ta có thể đóng vuông góc với mặt đất. Nếu đất quá mềm ta có thể đóng thêm cọc phụ để khóa lại.
– Các cọc phải được đóng sát đất và lấp lại (nếu cọc sắt) để tránh thương tích.
– Vị trí A1, A2, 1, 2 phải thẳng hàng với nhau.
– Các cọc B1, B2, B3, B4 tạo thành hình chữ nhật quanh lều.
– Hai cột lều phải thẳng góc với mặt đất.
– Nên để thừa khoảng 1/3 dây so với dự kiến khi dưng lều xong vì lúc này chỉ mới cột dây tạm.
– Chỉ dùng dây phụ và cọc phụ chỉnh cho đứng cột chính.
– Khi lều thẳng xong thì các cọc phụ phải đóng sâu xuống đất (tránh va vấp), các dây cột xong phải thâu lại cho gọn đẹp.
*Tiêu chuẩn của một cái lều :
– Thao tác nhanh chóng; dễ dựng, dễ sửa, dễ dọn.
– Buộc đúng nút dây.
– Có mỗi dây căng cho một cọc lều.
– Mái lều căng thẳng, không bị chùng, không nếp nhăn.
– Các vị trí cọc phải ngay hàng thẳng lối.
– Cân đối, đẹp mắt.
– Có rãnh thoát nước.
4/ Đào rãnh thoát nước, vệ sinh, trang trí lều :
– Khi đã dựng lều xong, chúng ta phải đào mương thoát nước ngay, và xin đừng làm lấy có mà phải đào thành một con mương đàng hoàng, sâu khoảng 10 – 15cm, rộng 20cm.
+ Tâm của con mương ngay dưới mép lều (chỗ giọt nước nhỏ xuống). Bao nhiêu đất đào lên, nên đắp thành một con đê chắn phía bên trong lều.
+ Mương và đê nên đào và đắp thật thẳng để tăng thêm phần thẩm mỹ của lều.
+ Nếu đất bằng phẳng, thì chúng ta phải đào mương đủ bốn phía của lều và ít nhất là một mương tháo, dẫn nước ra xa lều. Cuối mương tháo là một hố chứa nước.
+ Nếu đất dốc, thì chỉ cần đào 3 phía của lều. Phía trên dốc đào hơi sâu hơn, phía hai bên hông thì đào dài ra khỏi lều một tí.
* Lưu ý : Đừng bao giờ thấy trời đang nắng mà không đào mương, vì nếu trời đổ mưa bất ngờ (nhất là về đêm) thì không thể nào trở tay kịp.
– Vệ sinh: cần phải làm vệ sinh trong và ngoài lều khi dựng lều xong, phát quang cây cỏ xung quanh lều tránh rắn, rết, chặt bỏ các cành cây thòng xuống mái lều để tránh rắn vào ban đêm, tránh sét…
– Trang trí: ngoài dựng lều, phần thủ công trại còn tính đến việc trang trí trại như: phải làm cổng vào, vòng rào, bếp trại và các vật dụng khác… nó có nhiều tác dụng vừa thể hiện sự khéo léo của tập thể đồng thời cũng phân định nơi ở, tránh người lạ tự ý vào…
5/ Tháo và xếp lều :
Cũng giống như khi dựng lều, khi gấp lều chúng ta cũng phải thao tác theo thứ tự để được nhanh chóng và gọn gàng.
+ Dọn sạch sẽ đồ đạc trong lều và chung quanh.
+ Tháo dây và nhổ hết cọc hai bên hông lều (không nhổ hai cọc ở hai đầu lều)
+ Đóng cửa lều (nếu lều có cửa)
+ Chập hai mái lều lại và cho nghiêng về một bên.
+ Tháo dây chính và nhổ hai cọc đầu lều.
+ Xếp hai cửa lều vào giữa, gấp các riềm vào trong.
+ Xếp gọn lại sao cho vừa túi đựng lều (nếu có).
+ Dùng dây bó chặt lều lại.