Sự kiện
01-03/10: Tham dự Quốc khánh nước Đại hàn Dân quốc     *     Thường trực Tỉnh Đoàn làm việc với Trung tâm    *    15/10: Làm việc với JICA     *     30/10: Lễ bàn giao trang thiết bị do KOICA hỗ trợ

 

Tìm kiếm tin tức

Tương lai theo nước biển bấp bênh
Ngày cập nhật 28/06/2010

Thay vì đến trường, mỗi ngày có hàng trăm chuyến ra khơi của những đứa trẻ ở miền Trung theo cha mẹ đi biển kiếm miếng ăn đắp đổi qua ngày. Nguy hiểm, nghèo đói, thất học…, tương lai các em đang "gửi" cho nước biển bấp bênh.

Mang con thơ đi biển

 

 

Thôn Tân Lập và Tân Bình, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) còn gần 30 hộ gia đình vạn đò sống lênh đênh trên những chiếc thuyền tạm bợ. Lập gia đình, sinh con đều ở trên thuyền... Đời con nối nghiệp đời cha, gắn mình với lưới chài trên đầm phá Tam Giang.

Chúng tôi xuống thuyền của gia đình anh Nguyễn Văn Bình và chị Trần Thị Diếc (thôn Tân Lập) khi chiếc thuyền của vợ chồng anh mới ra khơi về. Trên chiếc thuyền nhỏ bố trí đầy đủ vật dụng gia đình. Chị Diếc một tay cho đứa lớn ăn cơm, tay còn lại khẽ ru hai đứa nhỏ ngủ. Ở mui thuyền, anh Bình đang phân loại mớ cá sau một đêm thả lưới: "Chừng này được mươi ngàn thôi. Hôm nay trời động, không dám cho thuyền ra xa vì vướng tụi nhỏ".

Chị Diếc bảo cho con đi biển vừa nguy hiểm vừa vướng chân, có khi đang ra khơi nhưng tụi nhỏ quấy hoặc có triệu chứng đau ốm là phải cho thuyền vào bờ. Mang con theo, các hộ vạn đò nơi đây phải căng lưới hoặc đan phên khép kín hai đầu khoang thuyền, khi đi đánh cá ở xa thì để con trong khoang rồi kéo lưới, phên buộc chặt lại. Nhiều khi con khóc la cũng đành... mặc kệ.

Sao không cho tụi nhỏ đi nhà trẻ? Chị Diếc im lặng. Ngồi trên chiếc thuyền cũ của gia đình anh chị, thấy nó rung lên bần bật mỗi khi có sóng vỗ vào, tôi biết mình đã hỏi một câu vô duyên.

Tuy nhiên, không phải khi nào những mảnh lưới tạm bợ kia cũng đảm bảo an toàn cho những đứa trẻ hiếu động, chưa kể những lúc sóng to gió lớn.

Hơn một năm trôi qua nhưng anh Phan Văn Thuận, 27 tuổi, xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết của hai đứa con trai. Đứa lớn 4 tuổi, đứa bé vừa mới lên 2. "Hôm đó vợ chồng tui để hai đứa nhỏ trên thuyền, buộc lưới chắn cẩn thận rồi chèo ghe đi bủa lưới, hơn một giờ sau trở về thì không thấy con đâu cả. Nháo nhác đi tìm mà linh tính biết có chuyện chẳng lành. Một hồi sau thấy thi thể con nổi trên mặt nước" - giọng anh Thuận nghẹn lại.

Gieo neo con chữ

 

Bỏ học nhưng cũng chẳng thích đi biển, nhiều đứa trẻ bỏ học chỉ để ở nhà… đi chơi. Nguyễn Văn Bình, học sinh Trường THCS Thuận An (thị trấn Thuận An), ngày trước học vào dạng khá nhưng do mải chơi, thỉnh thoảng lại cùng mấy đứa bạn đi biển nên học lực giảm sút. Tự thấy xấu hổ với bạn bè nên Bình bỏ học hẳn.

Bình bảo đi biển thì say sóng, muốn vào miền Nam làm kiếm tiền nhưng phần vì gia đình không cho, phần vì sợ khổ.

 

Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa có thống kê sơ bộ con số bỏ học của học sinh trong tỉnh với 1.287 học sinh các cấp bỏ học. Cụ thể, số học sinh tiểu học có 67 em, 690 em học sinh THCS và 630 em học sinh THPT.

Tình trạng các em bỏ học tập trung rải rác vùng dân ven biển. Vì mưu sinh, các bậc phụ huynh phải bám biển cả tháng trời nên con cái họ ở nhà phó thác cho ông bà trông nom, học sao cũng được, muốn học thì học, muốn bỏ thì bỏ. Có gia đình còn vui khi thấy con cái bỏ học vì có thêm nhân lực để đi biển (!)

Nhà chị Trần Thị Ngò, 43 tuổi, thôn Tân Lập, có bốn đứa con thì ba đứa lớn đều đã nghỉ học ngang lớp 6 theo cha mưu sinh trên biển. "Tụi nhỏ bảo giờ đi học không vô. Cho tụi nó đi học đến ngang đó cũng biết cái chữ rồi" - chị Ngò nói.

Rồi chị tặc lưỡi nói nghe đau lòng: "Tụi nó ưng nghỉ học thì nghỉ chứ mình có đi học thay cho tụi nó được mô mà nói làm chi cho mệt!". Em Nguyễn Văn Hợi, 16 tuổi, con trai chị Ngò, nói mà nghe như đùa: "Em bỏ học mấy bữa đi làm cá mà ba mẹ cũng chẳng nói gì nên em nghỉ học luôn. Đi làm vừa có tiền vừa không phải học bài!”.

Không riêng gì ở Huế, quận Sơn Trà (thành phố Đà Nẵng) cũng đang là địa phương có nhiều trẻ em bỏ học theo cha mẹ đi biển đánh bắt xa bờ.

Ông Lê Văn Tâm, 65 tuổi, tổ 2, phường Nại Hiên Đông, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng), người cả đời gắn với nghề đi biển, đưa mắt nhìn ra những con sóng dập dềnh bảo: "Nhà ai cũng nghèo, dân lao động gắng lắm cũng chỉ cho con học hết cấp I thôi! Riêng cái làng Kè này (vùng ven biển thuộc phường Nại Hiên Đông) có đến 30% tụi nhỏ bỏ học theo cha mẹ đi biển kiếm sống rồi".

 

 

 

 

Gia đình anh Trần Văn Tuấn, 30 tuổi, thôn Tân Lập, có hai con một trai, một gái. Đứa lớn Trần Văn Lợi năm nay tròn 5 tuổi, đang theo học trường mẫu giáo trên thị trấn. Cho cu Lợi đi nhà trẻ nhưng không có người chơi với đứa nhỏ nên anh chị đang tính cho con nghỉ học. Vợ chồng anh chị đều là dân vạn đò, sớm theo cha mẹ lênh đênh trên biển, ngày cưới lên xã đăng ký kết hôn cũng phải nhờ người ta ký giúp chứ hai vợ chồng không biết một chữ bẻ đôi.

"Những ngày theo cha lênh đênh trên biển, buồn và nhớ nhà lắm nhưng đi nhiều thành quen, giờ em lại thích đi biển hơn đi học. Lúc buồn thì đánh bài, hút thuốc. Khi nào về có tiền thì đi hát karaoke, uống cà phê bù lại!” - em Lê Minh Khánh, 16 tuổi, tổ 16, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà (Đà Nẵng) hồn nhiên kể. 

Cái nghèo đeo đẳng nên nhiều đứa trẻ nơi đây không được đến trường, trên 30% số trẻ em trong thôn nghỉ học theo cha mẹ đi biển. Đời cha mẹ mù chữ, nay những đứa con cũng đang đứng trước nguy cơ thất học.

Mùa hè này lại có thêm hàng trăm em nhỏ theo cha mẹ ra khơi…

 

 

 

Hiếm có người 25 tuổi trở lên biết chữ!

Ông Huỳnh Văn Ngợi, trưởng thôn Tân Lập, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế), cho biết toàn thôn có 146 hộ với 864 nhân khẩu thì đến 90% làm nghề đánh bắt cá. Cũng theo ông Ngợi, những người trong thôn từ 25 tuổi trở lên hiếm có người nào biết chữ, mỗi lần làm giấy tờ đều phải điểm chỉ. Thậm chí nhiều người còn không nhớ nổi tên tuổi con mình.

Trăn trở về tình trạng học sinh bỏ học theo cha mẹ đi biển nhưng lãnh đạo địa phương dường như bất lực. Ông Nguyễn Xuân Hải, chủ tịch UBND thị trấn Thuận An, giãi bày: “Mấy năm qua lãnh đạo thị trấn luôn động viên các gia đình cho con em đến trường thay vì đi biển, nhưng nhiều gia đình do hoàn cảnh quá khó khăn nên buộc phải cho con nghỉ học. Một bộ phận nữa là các em đi học nhưng không học được nên cũng bỏ về! Đặc biệt là kỳ nghỉ hè, nhiều em đi biển rồi bỏ học".

 

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 9.973.316
Truy cập hiện tại 377