NGHỊ QUYẾT
Phát triển dạy nghề tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011 - 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
KHOÁ V, KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ LẦN THỨ 8
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 70/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ qui định trách nhiệm quản lý nhà nước về dạy nghề;
Căn cứ Quyết định số 86/2009/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2009 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”;
Căn cứ Nghị quyết số 6g/2008/NQCĐ-HĐND ngày 04 tháng 4 năm 2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020;
Sau khi xem xét Tờ trình số 2125/TTr-UBND ngày 22 tháng 5 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua Đề án phát triển dạy nghề tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011 - 2020; báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Tán thành và thông qua Đề án phát triển dạy nghề tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011 - 2020 với các nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu:
a) Mục tiêu tổng quát:
Phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng; mở rộng quy mô, bảo đảm sự phù hợp về cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo; nâng cao hiệu quả dạy nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật trực tiếp sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, đặc biệt là đội ngũ lao động có kỹ năng nghề nghiệp cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Giai đoạn 2011 - 2015: Đào tạo nghề cho 124.620 lao động, trong đó: cao đẳng nghề 13.710 người (chiếm 11%), trung cấp nghề 24.300 người (chiếm 19,5%), sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 86.610 người (chiếm 69,5%).
- Giai đoạn 2016 - 2020: Đào tạo nghề cho 81.300 lao động, trong đó: cao đẳng nghề 13.800 người (chiếm 17%), trung cấp nghề 30.900 người (chiếm 38%), sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 36.600 người (chiếm 45%).
- Đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 60% vào năm 2015 và đạt 70% vào năm 2020, trong đó, phấn đấu đến năm 2015 có 30% lao động nông thôn qua đào tạo nghề và trên 50% vào năm 2020.
2. Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:
a) Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về vai trò của công tác dạy nghề; tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đào tạo nghề, về vai trò, vị trí của đào tạo nghề đối với phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, đặc biệt là thanh niên, học sinh tham gia học nghề.
b) Phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề:
- Giai đoạn 2011- 2015: Phát triển hệ thống cơ sở dạy nghề, tạo điều kiện xây dựng và nâng cấp 5 trường cao đẳng nghề, 7 trường trung cấp nghề (trong đó có 4 trường ngoài công lập), 5 trung tâm dạy nghề cấp huyện.
- Giai đoạn 2016 - 2020: Tiếp tục phát triển hệ thống dạy nghề theo hướng tập trung đầu tư chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đào tạo và đào tạo chuyên sâu, phấn đấu đưa từ 01 đến 03 trường trở thành trường trọng điểm quốc gia; nâng cấp 01 trường trung cấp nghề thành trường cao đẳng nghề.
c) Phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý:
Bổ sung giáo viên cơ hữu và cán bộ quản lý, đảm bảo đủ định biên cho các đơn vị dạy nghề công lập; có kế hoạch đào tạo, tuyển dụng giáo viên và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng và cơ cấu nghề đào tạo.
d) Tiếp tục xây dựng, đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình dạy nghề theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề phù hợp với tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, tiếp cận với trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới để nâng cao chất lượng dạy nghề.
e) Bố trí ngân sách, lồng ghép các chương trình, dự án và huy động các nguồn vốn xã hội đầu tư cho công tác dạy nghề để đảm bảo thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án. Trong đó, tập trung đầu tư chuẩn hóa một số trường trọng điểm, đào tạo chất lượng cao phục vụ cho các ngành kinh tế mũi nhọn, các khu kinh tế, khu công nghiệp của tỉnh.
f) Đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở dạy nghề và huy động nguồn lực đầu tư cho công tác dạy nghề.
g) Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quản lý dạy nghề; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng cấp huyện, UBND các xã, phường, thị trấn; tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm định chất lượng dạy nghề.
Điều 2. Tổ chức thực hiện:
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết. Quá trình thực hiện nếu cần điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Đề án khi cần thiết thì Uỷ ban nhân dân tỉnh thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, nhưng phải đảm bảo theo đúng mục tiêu của Đề án và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.
2. Giao Thường trực, các Ban và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tiến hành kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết theo nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế khóa V, kỳ họp chuyên đề lần thứ 8 thông qua./.
Nơi nhận: CHỦ TỊCH
-UBTV Quốc hội;
-VP: Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ; (đã ký)
-Bộ Lao động-TB và XH; Nguyễn Ngọc Thiện
-Cục Kiểm tra VBQPPL Bộ Tư pháp;
-Thường vụ Tỉnh ủy;
-UBND tỉnh;
-Các vị ĐBQH tỉnh;
-Các vị đại biểu HĐND tỉnh;
-Các sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh;
-Các cơ quan Trung ương trên địa bàn;
-TT.HĐND, UBND các huyện, thị xã,TP.
-VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh: LĐ, CV;
-Trung tâm Công báo tỉnh;
-Lưu: VT.LT.