Những ngày “luyện thép”...
Cơn mưa chiều những ngày tháng 8 không làm gián đoạn buổi tập võ của 32 “chiến sĩ” trong chương trình “học kỳ trong quân đội”. Mồ hôi ướt đẫm lưng áo, các “chiến sĩ” vẫn say sưa tập luyện, răm rắp tuân theo chỉ dẫn của người quản lý...
Sau giờ tập, các chiến sĩ về phòng thực hành môn học, xếp nội vụ (chăn, màn...). Tôi quan sát từng động tác của chiến sĩ Đặng Đình Cao Nhân (10 tuổi) khi ngồi gấp nếp chiếc chăn. Vất vả lắm em mới xếp thật vuông chiếc chăn như “hộp diêm” đặt trên đầu giường. Cao Nhân giải thích: “Gấp vừa gọn vừa vuông lại đẹp thật khó quá. Để làm được như thế này em phải tập làm đi làm lại rất nhiều lần. Mấy bữa đầu, em và nhiều anh chị khác dậy từ sớm để làm công việc đầu tiên này”.
Đêm đầu tiên, nhiều chiến sĩ không ngủ được. Sáng ra, vừa gặp nhau các em đã xôn xao chuyện “cái giường thì cứng”, “chiếc chăn thì mỏng”, “lạ nhà, khó ngủ”... Ngày thứ hai bắt đầu từ năm giờ sáng. Nhiều “chiến sĩ” lần đầu “tiếp cận” với bữa ăn sáng, tập thể không giấu được cảm xúc lạ. “Buổi sáng cũng ăn cơm nữa hả?”. Nhiều chiến sĩ bứt rứt vì không được chơi game, không được nhắn tin cho bạn bè. Những ngày đầu, các em lóng ngóng tự giặt quần áo, quét dọn phòng, khó nhất là tập gấp chăn màn “vuông như hộp diêm” rồi những hoạt động tăng gia sản xuất như nhổ cỏ, trồng rau, quét dọn sân vườn....
Chiến sĩ Nguyễn Quốc Anh Duy khoe: “Lần đầu tự mình giặt áo quần không biết phải làm như thế nào. Rứa mà được hướng dẫn, được học các từ các anh chị, giờ em đã biết giặt quần áo. Nhưng mà, giặt không sạch bằng mẹ ở nhà”. Nhưng mọi sự băn khoăn, bỡ ngỡ đã biến mất trong ngày thứ hai khi được người chỉ huy giải thích những điều kiện bắt buộc của quân đội: “Kỷ luật “thép” trong quân đội là thế. Các em cứ chịu khó đi, rồi các em sẽ hiểu vì sao quân đội lại khắt khe và nghiêm khắc đến như vậy”. Những ngày đầu thử thách nhanh chóng qua mau...
Trên thao trường, trong thời tiết nắng, mưa thất thường ở Huế, các chiến sĩ nhí thật sự nghiêm túc với đời sống "tân binh". Lần đầu tiên được cầm súng tiểu liên AK nhiều bạn tỏ ra thích thú. Qua bài giảng, qua thao tác của người hướng dẫn, các bạn biết súng được cấu tạo như thế nào. Thế nào là đường ngắm trúng, vì sao súng lại bắn được. Chỉ sau mấy ngày, gặp lại các “chiến sĩ”, tôi thấy các em đã chững chạc lên rất nhiều.
Đêm. Bên ánh lửa trại, các chiến sĩ đã lắng đọng để chia sẻ, để nhìn lại bản thân mình. Có bạn xin lỗi người bạn của mình, có người thẳng thắn kể câu chuyện mình đã nói dối cha mẹ... tất cả chỉ để các bạn dũng cảm tập làm người trung thực. Những giọt nước mắt tự đáy lòng của những đứa con quen được cha mẹ bao bọc có dịp bộc lộ. “Ở nhà em hay chọc ghẹo em khóc, làm ba mẹ bực mình. Nhưng giờ xa ba mẹ và em, em thấy mình thật buồn, thật có lỗi. Đọc được thư mẹ gửi, em hiểu hơn tình cảm của mẹ, của ba và em” - chiến sĩ Nguyễn Anh Quốc Duy không giấu được niềm xúc động.
Trung úy Hồ Quốc Vương, Đại đội trưởng khung chương trình “học kỳ trong quân đội” cho biết: "Ban đầu tưởng chừng các chiến sĩ sẽ khó vượt qua những vất vả, tính kỷ luật về giờ giấc quân đội. Nhưng chỉ qua ngày đầu tiên, các chiến sĩ đã thích ứng dần. Kỳ vọng, sau khóa học này trở về nhà, các em sẽ duy trì tinh thần của một chiến sĩ thực thụ”.
Con là “chiến sĩ”
Trong những trang nhật ký của các tân binh, nhiều nhất vẫn là những lời tâm sự vượt qua những vất vả, gian khó mà trong cuộc sống thường ngày chưa một lần trải nghiệm. Những lá thư ba mẹ viết cho con là những dòng tâm sự, những lời hỏi thăm, động viên các em vượt lên khó khăn của cuộc hành trình mà các em đang trải nghiệm.
Các em đang tự mình gấp chăn màn
Tôi đã đọc những lời nhắn nhủ của mẹ chiến sĩ Cao Võ Nhật Huy rất cảm động: “Tối qua Sơri cứ nhắc đến con, em hỏi tại sao con lâu về thế, “không có anh con không ngủ được”. “Không phải anh Bin hay chọc con khóc nên con ghét anh à?” – “ Không, con nhớ anh lắm, anh em thì phải thương yêu nhau chứ!”. Con biết không, cả ba, mẹ, Sơri rất yêu và nhớ con. Vắng con, mẹ nhớ con nhiều lắm, từ bé đến giờ con chỉ quen nằm nệm không biết con trai của mẹ có ngủ được trên chiếc giường cứng không? Ban đêm có nghiến răng không? Có bị rớt xuống giường không? Con kén ăn nhưng hãy cố gắng con trai nhé, hãy ăn nhiều để lấy sức mà tham gia các hoạt động”.
"Sau khóa học này, về nhà chắc chắn em sẽ duy trì sinh hoạt dậy sớm tập thể dục; đi học sẽ không cần đồng hồ báo nữa. Những ngày ở trong môi trường quân đội em đã học được những điều mới". Trong nhật ký, chiến sĩ Phùng Diệu Linh cũng cho biết, là người ghét chốn đông người, ngủ phải có gối ôm, gấu bông… nhưng chỉ qua vài đêm trong sinh hoạt quân đội, Linh tự nhận đã thay đổi.
Tôi còn nhớ, nụ cười hồn nhiên của các “chiến sĩ” vì vui mừng khi nhận được thư của ba mẹ, của người thân. Cười đó, nhưng khóc cũng đó. Lần đầu tiên các em khóc vì nhớ nhà, khóc vì những lời tâm sự, lời nhắn nhủ và niềm kỳ vọng từ tận đáy lòng của ba mẹ đối với con cái.
Và tôi đã đọc được những dòng gửi gắm thật cảm động: “Một ngày không có sự hiện diện của con ở nhà, nhà mình buồn hẳn đi. Không còn nghe thấy tiếng í ới chọc nhau của 2 anh em, điều làm mẹ rất bực mình thường ngày, nhưng bây giờ mẹ lại thấy nhớ sự ồn ào đó. Mẹ cứ nghĩ mãi về con, không biết con trai mẹ có bắt nhịp được với kỷ luật “thép” của quân đội hay không? Nhưng mẹ tin rằng, con sẽ làm được vì con trai mẹ đang lớn lên mà. Những hoạt động bổ ích trong đợt huấn luyện này sẽ tạo cho con một nếp sống tốt, biết đến sự vất vả mà hàng ngày con không nếm trải, biết chia sẻ và thương yêu, biết chăm sóc bản thân khi không có mẹ, con sẽ học được nhiều điều bổ ích con trai ạ”.
“Chiến sĩ” Tôn Thất Anh đọc cho tôi nghe về những dòng nhật ký của mình gửi tới ba mẹ và em gái: “Cám ơn ba mẹ đã cho con được tiếp cận với môi trường quân đội. Ở đây con học được nhiều điều thú vị và bổ ích. Con thấy mình còn đôi lúc, đôi khi có lỗi với ba, với mẹ và em gái. Xa nhà con mới thấy mình nhớ ba, nhớ mẹ và em vô cùng. Tối mô ngồi viết nhận ký con cũng khóc vì nhớ, thương ba mẹ và em”. Sau 7 ngày ngắn ngủi, được “tôi luyện tinh thần thép” trong quân đội, Võ Thị Ngọc Tiên thấy mình lớn lên rất nhiều: "Không còn ích kỷ, vô tâm như trước mà phải sống đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ mọi người những lúc khó khăn, vất vả".
Thời gian trôi qua thật nhanh, ngày Cao Võ Nhật Huy trở về nhà, từ dáng dấp đến thái độ, cách cư xử khiến ai cũng bất ngờ. Mẹ của Nhật Huy chia sẻ: "Cháu mạnh đã dạn hơn, sống có trách nhiệm với mọi người, tự lập hơn trong cuộc sống. Điều đó thực sự khiến chúng tôi vô cùng cảm động và vui mừng". Ba của "chiến sĩ" Tôn Thất Anh không thể tin nổi những dòng chữ ông đọc được là do con trai mình viết. Ông cứ ngỡ đó là một "người lớn" nào đó đang trải lòng... Mẹ “chiến sĩ” Nguyễn Hoàng Anh kể: “Thay đổi lớn nhất ở nó là biết quan tâm, chăm sóc người khác. Trước đây, nó chỉ biết có mình thôi. Vậy mà tham gia khoá học về, nó tự đem em trai đi học, tự giặt giũ quần áo… Nó có ý thức và trách nhiệm với bản thân và tương lai hơn”.
“Vẫy chào thành phố tôi yêu, tôi bước đi trên con đường chiến thắng. Biết rằng, sẽ có những gian lao, sâu trong tim ta nguyện phía trước. Đường dài có lắm chông gai, quyết chí ta vượt qua. Lời dạy khắc ghi trong tim “Thép đã tôi thế đấy”. Và từng ngày viết thư về gia đình với lời hứa con sẽ trở về. Là một người thành công, biết quan tâm và chia sẻ. Trở thành niềm tự hào của cha mẹ suốt cuộc đời. Và con hứa sẽ trở thành một “chiến sĩ nhỏ” khi về nhà”... các chiến sĩ đã tự hứa với lòng mình như vậy đấy. Họ ôm lấy nhau, cảm động và ngậm ngùi hẹn gặp lại trong chương trình năm tới...
“Học kỳ trong quân đội” là mô hình mới, lần đầu tiên Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cùng phối hợp tổ chức. Đây là học kỳ giáo dục cho thế hệ trẻ kỹ năng sống; xây dựng ý thức kỷ luật, tính tự giác, ý thức về bản thân mình trong quân đội; huấn luyện quân sự - chính trị; kỹ năng sinh tồn và tính tự lập; kỹ năng lãnh đạo, sống có ý nghĩa; tham gia các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao cho các bạn từ 10 đến 18 tuổi. Theo Bí thư Tỉnh đoàn, anh Nguyễn Quang Tuấn, chương trình “Học kỳ trong quân đội” sẽ được duy trì vào các dịp hè hằng năm.
Tác giả: Anh Phong