Sự kiện
01-03/10: Tham dự Quốc khánh nước Đại hàn Dân quốc     *     Thường trực Tỉnh Đoàn làm việc với Trung tâm    *    15/10: Làm việc với JICA     *     30/10: Lễ bàn giao trang thiết bị do KOICA hỗ trợ

 

Tìm kiếm tin tức

Có những điều mà ta chưa biết
Ngày cập nhật 15/11/2010
(ảnh có minh hoạ)

Huế, thứ năm ngày 11 tháng 11 năm 2010, chúng tôi trong câu lạc bộ Phóng Viên Trẻ đã có mặt tại Ủy Ban Nhân Dân Phường An Đông để tìm hiểu về tình hình một vài người dân ở đây có những biểu hiện về sức khỏe được đưa vào diện nghi nhiễm chất độc da cam.

 

Đây là một chuyến đi thực tế để lấy thông tin về những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống cần được giúp đỡ. Một chuyến đi có nhiều ý nghĩa, mục đích của chúng tôi mong muốn mang những hoàn cảnh này đến được với nhiều nhà hảo tâm trên địa bàn Tỉnh nhà. Tại đây, chúng tôi được chị Lê Thị Út - Phó Chủ Tịch Mặt Trận Phường An Đông hướng dẫn và giúp đỡ rất tận tình trong mọi việc. Chị đưa chúng tôi đến từng gia đình có những hoàn cảnh khó khăn và có thành viên bị các bệnh về thần kinh, bị tê liệt thân thể… Hôm đó, thời tiết không được thụân lợi cho lắm, trời cứ mưa day dứt không thôi. Chị Út cùng chúng tôi đi đến những gia đình ở tận trong những con hẻm nhỏ và đường rất khó đi. Chúng tôi đến một vài gia đình nhưng có nhà thì chỉ gặp được người thân không gặp được nạn nhân, có nhà thì chỉ gặp được nạn nhân không gặp được người thân. Nhưng ở cả hai trường hợp trên thì chúng tôi sẽ không thực hiện được những gì mà mình muốn làm. Nếu chỉ gặp người thân thì chúng tôi không thể nào hình dung được hết những gì mà người bệnh mắc phải. Còn gặp chỉ mỗi người bệnh thì chúng tôi cũng chẳng biết phải làm thế nào nữa vì người bệnh có thể không nói chuyện được hoặc cũng không biết gì, chỉ cười cười với chúng tôi. Thuận lợi của chúng tôi trong chuyến đi hôm nay là có sự giúp đỡ của chị Út, hầu hết mọi người trong phường này đều quên biết chị ấy. Và mọi người đều rất thân thiện với chúng tôi khi chị ấy dẫn chúng tôi đến thăm gia đình. Nhờ có sự giới thiệu của chị ấy mà chúng tôi biết được rất nhiều thông tin từ gia đình của các nạn nhân một cách chính xác và trong không khí cởi mở, thân tình nhất. Ở đây, hầu hết những gia đình này, đều làm những công việc có thu nhập thấp chỉ đủ ăn và không ổn định. Các nghề phổ biến là bán những gánh bánh canh buổi sáng, trồng các cây lương thực ngắn ngày như khoai, sắn…Trước đây, họ sống trên những con đò ở sông An Cựu và một vài nơi khác không ổn định, sau này nhận được chính sách giúp đỡ của chính quyền địa phương đưa lên định cư trên đất liền thì họ tìm kiếm những công việc ổn định hơn nhưng cũng không khá hơn được bao nhiêu. Theo thông tin được các gia đình cung cấp thì các thành viên trong gia đình có những triệu chứng bị mắc bệnh từ lúc mới sinh ra hoặc là sau khi sinh ra một vài tháng rồi có một trận ốm nặng thì không chữa được. Một vài nạn nhân được gia đình đưa đến học tại các lớp học dành cho những người có các bệnh về thần kinh như bệnh đao, bại não,… do nhà nước hoặc chính quyền địa phương thành lập. Một vài địa chỉ được cung cấp là Trường Chuyên Biệt Tương Lai tại Trung Tâm Hoạt Động Thanh Thiếu nhi Tỉnh TT Huế, trường khuyết tật ở xã Thủy Biều… Nhưng chúng tôi biết được một địa chỉ rất đặc biệt và chúng tôi đã được chị Út đưa đến tận nơi.

     Sau 10 phút đi một đoạn đường khá vất vả chúng tôi đã đến nơi, tôi thật sự khâm phục tài điều khiển xe máy của chị Út, tôi ngồi sau lưng của chị ấy qua những đoạn đương nhỏ, hẹp đầy ổ gà, nước và vẫn an toàn tính mạng. Nơi chúng tôi đến là trường Tiểu học An Đông (Cơ Sở 2) một ngôi trường khang trang nằm trên khoảng đất rộng và nhiều cây. Lúc chúng tôi đến đang là giờ ra chơi, dù trời mưa những cũng rất vui nhộn bởi các trò chơi cuả các em học sinh đang diễn ra. Được sự giới thiệu của chị Út chúng tôi biết được ở ngôi trường này đang có một lớp học dành cho các bạn “ bán hòa nhập”. Một lớp học đặc biệt, sĩ số học sinh chỉ có 20 bạn nhưng có đến hai cô giáo là giáo viên chủ nhiệm cùng điều hành lớp. Những bạn này đều có những biểu hiện không phát triển về trí tuệ và sức khỏe như những bạn cùng trang lứa. Cùng học chung một lớp nhưng lại có nhiều chương trình học khác nhau giành riêng cho mỗi bạn và điều này buộc hai cô giáo phải kiêm rất nhiều môn. Không chỉ thế, ngoài việc giảng dạy, các cô phải lo giúp các em trong cả những việc sinh hoạt cá nhân dù chỉ là những việc đơn giản nhất là đại tiện và tiểu tiện vì các bạn nhiều lúc không có khả năng ý thức tự sinh hoạt được. Tuy nhiên, lớp học này rất giàu tính“ dân chủ”, tức là cô giáo đang giảng bài trên bảng và giao nhiệm vụ riêng cho mỗi bạn thì dưới này rất nhiều bạn làm việc riêng. Có bạn ngồi vẽ khi nhiệm vụ của mình là tập viết chữ…Tôi thực sự rất khâm phục hai cô giáo ở đây, họ thật sự rất vĩ đại. Cô hiểu hết về từng bạn trong lớp, từng căn bệnh, từng cá tính, sở thích…vì thế mà công tác hướng dẫn giảng dạy và chăm sóc các bạn phát triển khá tốt. Tuy nhiên, theo lời cô Lê Thị Thảo- Hiệu Trưởng trường Tiểu Học An Đông ( Cơ Sở 2) rằng: “ Lúc đầu mới thành lập lớp học này đã gặp rất nhiều khó khăn. Các em học sinh này lần đầu tiên đến trường thì ngay chính các giáo viên trong trường khi nhìn thấy cũng rất ngại tiếp xúc với các em và các em học sinh khác trong trường cũng tỏ ra sợ hãi và xa lánh.Nhưng sau một thời gian chúng tôi đã dần quen được với các em, các học sinh khác cũng bắt đầu vui chơi cùng các em này.” Cũng phải công nhận rằng trong lớp học này, có rất nhiều bạn nổi trội về tài năng. Bạn Quý là nạn nhân chất độc da cam, các ngón tay dính liền vào nhau và các ngón chân cũng thế, thân thể bề ngoài không phát triển binh thường nhưng bạn ấy viết chữ rất đẹp, đánh chữ ở máy vi tinh nhanh, lại ngoan hiền, thường được cô giáo khen. Bạn Ánh, bạn Duy làm toán rất tốt, giải các bài tập toán rất nhanh. Trong lớp, bạn Dung có vẻ là chị cả và cũng là cánh tay đắc lực của cô giáo trong việc giúp đỡ các bạn và bạn ấy cũng rất khéo tay, đan len rất thành thạo từng mũi đan.Các bạn ấy đều có vấn đề về thần kinh. Cô giáo chủ nhiệm đã rất thân thiện khi chúng tôi ghé thăm lớp, cô đã cho chúng tôi vào lớp ngồi cùng với các bạn. Đúng như dự đoán khi nhìn thấy chúng tôi một vài bạn tỏ ra sợ sệt và cũng có một số bạn rất tự nhiên gọi chúng tôi đến ngồi cùng. Nhưng sau một lúc, các bạn đền quay trở lại học bình thường không còn để ý đến chúng tôi nữa. Tâm sự cùng cô giáo chủ nhiệm của lớp chúng tôi được biết:  khi nhận làm chủ nhiệm lớp học đặc biệt này thực sự các cô phải học thêm nhiều thứ, phải biết ít nhất các cách sơ cứu đơn giản trong các trường hợp nguy cấp. Phải soạn cùng lúc nhiều giáo án cho từng buổi học, cùng với việc thiếu các trang thiết bị dạy học và vui chơi cho các em nên khó khăn lại chồng chất khó khăn. Tuy nhiên, qua việc dạy dỗ các em các cô cũng tìm thêm được nhiều niềm vui trong cuộc sống. Khi các em hoàn thành tốt một bài tập thì cô cũng rất vui. Có khi các em cũng rất nghịch phá, và có em lại thường xuyên để quên vở ở nhà nên cô giáo phải cho các em vở mới,và sĩ số thường xuyên không đầy đủ …đó là những khi thật sự vất vả. Ở các cô hội tụ đủ những đức tính của một nhà giáo: tận tâm, kiên nhẫn và bản lĩnh…Lớp học này tạo môi trường để các em học tập, vui chơi và hòa nhập với cộng đồng…để mọi người có cái nhìn khác về các em “ tàn mà không phế”, các em vẫn có thể làm được nhiều việc giúp ích cho bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Lúc chúng tôi chào tạm biệt cả lớp đế ra về thì các bạn nhìn chúng tôi với ánh mắt đầy sự nuối tiếc….
     Chúng tôi chào cô Hiệu trưởng và đi một vòng nữa quanh sân trường, các lớp đã vào tiết học sau giờ ra chơi. Chúng tôi đã có sự so sánh khi nhìn vào những lớp học đó với lớp học đặc biệt kia, chúng tôi thực sự chạnh lòng và cảm thấy nhói đau ở tim.Chúng tôi ra đến nhà xe của trường, trời vẫn mưa nhưng không lớn lắm. Chúng tôi tự đặt ra mục tiêu mới cho mình là không chỉ đưa các bạn đến với các tấm lòng hảo tâm trên địa bàn tỉnh mà chính chúng tôi cũng phải làm được một điêù gì đó thiết thực hơn cho cuộc sống tương lai của các bạn ấy.
Thanh Thuỷ (CLB Phóng viên trẻ - Trung tâm HĐ Thanh thiếu nhi)
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 10.067.500
Truy cập hiện tại 4.706