Sự kiện
01-03/10: Tham dự Quốc khánh nước Đại hàn Dân quốc     *     Thường trực Tỉnh Đoàn làm việc với Trung tâm    *    15/10: Làm việc với JICA     *     30/10: Lễ bàn giao trang thiết bị do KOICA hỗ trợ

 

Tìm kiếm tin tức

Học gì để lập nghiệp?
Ngày cập nhật 26/05/2011

Với nhiều học sinh, trượt đại học là vực thẳm, có người đã có những hành động tiêu cực. Họ không biết rằng vẫn còn nhiều con đường để vào đời. Câu chuyện về những người trẻ chọn nghề hợp lý và bước đầu thành công với nghề đã chứng minh điều đó.

 

Bỏ đại học, học nghề IT
Câu chuyện về Nguyễn Huy Nhật Linh (SN 1982), ở khu 6A, bán đảo Linh Đàm là câu chuyện gây sốc với nhiều người: Bỏ đại học để... học IT (công nghệ thông tin).
Năm 2000, khi học gần hết năm thứ nhất khoa Dầu khí (ĐH Mỏ - địa chất), Linh ghi tên vào học tại Trung tâm Đào tạo lập trình viên quốc tế FPT-Aptech. Đó cũng là lúc Nhật Linh khám phá ra khả năng tin học của mình và quyết tâm đi theo tiếng gọi của niềm đam mê. Linh bỏ đại học. "Học ở trường ĐH rất hay, ngành mình học thực sự là mơ ước của nhiều người thời đó. Tuy nhiên mình nghĩ rằng CNTT mới là ngành phù hợp, mình muốn dành toàn bộ thời gian cho nó", Linh giải thích.
Đổi một tấm bằng ĐH để học một chứng chỉ nghề là điều mà nhiều người cho là "không bình thường". Tuy nhiên, giờ đây Linh đã không phải ân hận vì quyết định táo bạo đó. Cậu đang làm việc tại Công ty Phần mềm FPT, lương tháng trên 3 triệu đồng đảm bảo cho cuộc sống và có cơ hội học tập tốt hơn. "Nếu mình học ĐH thì bây giờ đang cầm hồ sơ chạy khắp nơi xin việc", Linh nói.

TS Nguyễn Khắc Thành, Giám đốc Trung tâm Đào tạo lập trình viên quốc tế FPT - Aptech: “Nhân lực ngành CNTT trong vòng vài năm tới chắc chắn vẫn có nhu cầu tuyển dụng rất cao. Tuy nhiên đó phải là những chuyên gia thực thụ, làm được việc và có tác phong công nghiệp. Một lao động trong ngành công nghệ thông tin hiện nay ngoài chuyên môn giỏi còn cần phải có kỹ năng giao tiếp tốt, có khả năng làm việc nhóm, lập dự án, trình bày dự án... Đặc biệt là các nhà tuyển dụng nước ngoài rất chú ý đến điều này”.
Trong khi nhiều người học lấy chứng chỉ tin học như một thứ đồ trang sức làm đẹp hồ sơ thì những người trẻ giờ đây khôn ngoan hơn nhiều, họ hiểu rằng học chương trình phù hợp với thời cuộc mới là chìa khóa để thành công. Năm 2004, điểm thi vào ĐH Mỹ thuật công nghiệp còn thiếu vời vợi, Ngọc Diệu lập tức quyết định giã từ giấc mơ giảng đường để đăng ký học nghề tại Trung tâm Đào tạo mỹ thuật đa phương tiện FPT - Arena. Bên quán cà phê Wifi lách tách tiếng gõ bàn phím computer, Diệu đang hoàn thành chiếc logo cực kỳ ấn tượng mà một công ty lớn giao cô toàn quyền thiết kế. Diệu kể: "Từ nhỏ em đã mơ làm designer chuyên nghiệp, thi vào ĐH Mỹ thuật thấy thiếu nhiều điểm quá, ôn thi nữa thì tốn kém mà chắc gì đã đỗ. Thế là xác định học đồ họa".
Diệu đủ thông minh để nhận ra rằng trong thời buổi nguồn nhân lực cạnh tranh gay gắt này, chấp nhận "đắt xắt ra miếng" còn hơn mất thời gian học những nơi đào tạo không theo kịp nhu cầu thị trường. Với khoản học phí trên dưới 20 triệu đồng, Diệu tính toán với bố mẹ: "Học đại học cũng để có một cái nghề, bố mẹ cho con tiền, coi như học đại học".
Và cô chỉ phải sử dụng 1/2 số tiền đó, sau khi học được một năm, giờ đây Diệu làm chính thức về thiết kế, dàn trang cho một tờ báo có tiếng, cô gái nhỏ nhắn ấy đã có thể kiếm đủ tiền để đóng học phí theo kiểu trả góp cho nơi cô theo học.
Ngành công nghệ cao lao xao tuyển dụng
23h đêm, rời mỏ hàn trên tay, Nguyễn Văn Ban (22 tuổi ở Vĩnh An, Thạch Vĩnh, Thạch Hà, Hà Tĩnh) thở phào nhẹ nhõm khi công việc sửa chữa chiếc ti vi đã hoàn thành. Ban bảo: "Khách bây giờ yêu cầu cao lắm, phải nhanh, chất lượng và rẻ, mình không làm đúng thời gian họ yêu cầu là mất khách ngay, thời cạnh tranh mà". Trong một buổi tối, Ban có thể sửa 3 - 5 món đồ điện tử tùy loại bệnh. Từ đầu DVC, VCD đến ti vi màn hình phẳng, màn hình máy tính tinh thể lỏng... cậu đều có thể giải quyết.
Hiện giờ Ban là thợ sửa đồ điện tử có tiếng ở khu vực quận Thanh Xuân và cả thị xã Hà Đông, điện thoại lúc nào cũng nóng ran vì khách hàng gọi đi sửa. Làm nghề được hơn 2 năm, Ban mua được chiếc xe máy Dream Thái gần ba chục triệu đồng. Cậu bảo: "Tài sản lớn nhất của mình chính là tay nghề. Mình có tay nghề thì vứt đâu cũng sống được".
Thời người người sắm mobile, nhà nhà lắp điện thoại, ngành kinh doanh sửa chữa thiết bị này trở thành mốt. Cũng nhờ làn sóng mobile ấy mà không ít ông chủ trẻ giàu lên trông thấy.
Nguyễn Tiến Minh, SN 1982, hiện là chủ một cửa hàng điện thoại di động tại 87 phố Trần Duy Hưng. Ít người biết rằng ông chủ trẻ có tay nghề khá vững hôm nay là nhờ có hơn một năm trời làm không công tại cửa hàng điện thoại. Năm 1999, Minh học sửa xe máy, về mở cửa hàng được hơn một năm thấy cuộc sống hằng ngày lấm lem dầu mỡ mà thu nhập chẳng đáng là bao, cậu quyết định học thêm nghề sửa điện thoại di động. Học tại Trung tâm Dạy nghề Thanh Xuân (96 đường Khuất Duy Tiến) hơn 3 tháng ròng với học phí 1,8 triệu đồng. Ra trường đúng thời hoàng kim của ngành sửa điện thoại, có những khi thu nhập của cậu lên tới cả chục triệu đồng một tháng. Ông Nguyễn Đình Nhanh, bố Minh vui vẻ kể về cậu con trai: "Học hành không đỗ thì đi theo con đường này là thích hợp nhất. Nhàn cư vi bất thiện, dù sao giờ nó cũng có một cái nghề để lập thân. Tôi nghĩ cứ có nghề và giỏi nghề là sống tốt, tránh chơi bời lêu lổng, nghiện ngập".
Luyện đôi tay vàng để nắm cơ hội vàng
Học nghề nếu trượt ĐH - kế hoạch đã được "lập trình" trong đầu chàng trai 18 tuổi Bùi Đáng. Ngay khi biết điểm thi, Đáng lặng lẽ rời miền quê nghèo (xã Thái Hòa, Ba Vì, Hà Tây) xách ba lô cầm theo 200 ngàn đồng xuống Hà Nội. Đáng kể: "Mình cũng nghĩ đến nhiều nghề nhưng cuối cùng mình chọn sửa chữa ôtô vì nghĩ rằng ngành này sẽ phát triển rất mạnh trong tương lai".
Hành trình học việc của Đáng gian nan hơn nhiều người vì cậu không đủ tiền để học tại trung tâm dạy nghề mà phải theo con đường tự học. Đáng xin vào làm không công cho hãng taxi T.H. Hơn 2 tháng ròng không nhận một đồng lương, làm quần quật từ sáng đến tối chỉ để được quan sát. "Có những khi đưa cà lê, vam kẹp vào bánh xe, lóng ngóng nó bật ra làm cánh tay tóe máu", Đáng nhớ lại.
Vừa làm vừa học, ngày ngày ngoài việc xem các anh đi trước, Đáng lại đến chợ trời tìm tài liệu. Những sơ đồ mạch điện, cấu tạo máy ôtô, catalogue dòng xe mới nhất... trở thành cẩm nang cho chàng trai nghèo ham học. Đọc sách đến đâu thực hành đến đấy, tay nghề của Đáng nâng lên từng ngày.
Thực tế công việc đang đào tạo nên một chàng trai vững tay nghề và bùng cháy lửa đam mê. Hiện giờ đang làm tại gara Việt Nhật, lương tháng gần 2 triệu đồng, ăn trưa tại cơ quan, ngủ tại xưởng cho phép cậu tạm đủ sống nơi đô thành và hỗ trợ phần nào cho những đứa em ăn học.
Vì muốn kiếm một việc làm, hàng triệu thanh niên đổ xô ra thành phố, tuy nhiên, có những người lại đang tính con đường ngược lại. Phạm Văn Thắng ở An Xá, An Biên, Tiên Lữ, Hưng Yên thi ĐH Kinh tế quốc dân 2 năm không đỗ, cậu học trung cấp tài chính kế toán 2 năm đi làm và mức lương 700 ngàn đồng/tháng. Công việc thu nhập quá thấp mà không ổn định, Thắng quyết định nộp đơn xin nghỉ việc và đi học nghề điện tử với mong muốn trở về quê mở cửa hàng. Thắng bảo: “Lúc đầu chắc chắn sẽ khó khăn nhưng nếu mình có tay nghề vững và với phương pháp kinh doanh hợp lý, mình tin sẽ thành công".
Thanhnien.com.vn

 
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 9.971.019
Truy cập hiện tại 862