Để thực hiện được mục tiêu trên, Đề án đưa ra 3 nhóm chính sách (đối với người học, người dạy và cơ sở đào tạo), 5 nhóm giải pháp, 8 nhóm hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn và 4 nhóm hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã. Kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn 2009-2020 là 25.980 tỷ đồng (bình quân mỗi năm khoảng 2.363 tỷ đồng; giai đoạn 2009-2011 đã được bố trí khoảng 2.800 tỷ đồng).
Quan điểm cơ bản của Đề án 1956 là “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành và xã hội nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nhà nước tăng cường đầu tư và có chính sách bảo đảm thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với mọi lao động nông thôn, ưu tiên đào tạo nghề cho các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác…; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn”.
Năm 2010 là năm đầu tiên Đề án 1956 được triển khai trong bối cảnh Ban bí thư Trung ương Đảng đang chỉ đạo thí điểm mô hình xây dựng nông thôn mới ở 11 xã điểm và bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2020 theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ với yêu cầu đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thúc đẩy đưa công nghiệp vào nông thôn, giải quyết việc làm và chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nông thôn. Mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu trong năm 2010 là phổ biến, quán triệt và hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án; hình thành tổ chức bộ máy quản lý và triển khai thực hiện Đề án ở các cấp; tuyên truyền Đề án ở các cấp và đến người lao động; điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu dạy nghề; phê duyệt Đề án cấp tỉnh; nâng cao năng lực đào tạo nghề; thí điểm các mô hình dạy nghề và đặt hàng dạy nghề; thí điểm hình thức cấp thẻ học nghề nông nghiệp và xây dựng kế hoạch, kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn 2011-2015…
Sau một năm thực hiện Đề án 1956, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đôn đốc, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Đề án, các Bộ, cơ quan Trung ương, sự quyết tâm triển khai của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể, cơ sở dạy nghề, các cơ sở giáo dục đào tạo, các doanh nghiệp và các Hội nghề nghiệp đã thu được các kết quả ban đầu, về cơ bản hoàn thành mục tiêu năm 2010 và đang khẩn trương triển khai kế hoạch 2011.
|
Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Nguyễn Tiến Dũng: Hiện nay các Bộ, ngành, địa phương đang tập trung thực hiện nhiệm vụ năm 2011 của Đề án là thực hiện hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 500.000 lao động nông thôn
|
Đến nay, 100% các tỉnh thành và hầu hết các huyện, xã đã có Ban Chỉ đạo; việc ban hành văn bản hướng dẫn, đặt hàng dạy nghề, cũng như tăng cường các điều kiện để nâng cao năng lực đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được triển khai tích cực; năm 2010 đã dạy nghề cho khoảng 345.000 lao động nông thôn, tỷ lệ có việc làm và gắn với việc làm sau khi học nghề đạt khoảng 70%. Công tác thí điểm triển khai Đề án ở 11 tỉnh điểm và các huyện điểm, 11 xã điểm xây dựng nông thôn mới đã có hiệu quả. Một số Bộ, ngành, cơ quan, địa phương cơ sở dạy nghề đã có bài học thành công ban đầu về: Công tác tuyên truyền, điều tra nhu cầu người học gắn với việc làm; dạy nghề gắn với sản xuất, quản lý, kinh doanh, xuất khẩu; thanh toán dạy nghề qua thẻ; phát triển nghề ở vùng chuyên canh, làng nghề, doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình. Bước đầu khẳng định vai trò của dạy nghề cho LĐNT đối với phát triển nguồn nhân lực nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống, phát triển kinh tế- xã hội ở nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Một trong những yêu cầu của đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 là đào tạo nghề phải gắn với việc làm, đáp ứng nhu cầu của người học và nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Nói cách khác, dạy nghề phải xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội, nhu cầu sử dụng nhân lực. Để đạt được yêu cầu này, ngay sau khi có Quyết định 1956, tất cả các địa phương trong cả nước đã tổ chức điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn; nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; năng lực đào tạo của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn. Công tác điều tra được thực hiện từ các thôn, bản, xóm, ấp, tới từng hộ gia đình, trên cơ sở nhu cầu nghề nghiệp thực tiễn của người dân nông thôn.
Theo thống kê sơ bộ, hiện có khoảng 12-15% số lao động nông thôn có nhu cầu được đào tạo nghề với trên 600 nghề khác nhau, trong đó nhóm nghề nông nghiệp chiếm trên 48%. Đây là cơ sở rất quan trọng để các cơ sở dạy nghề trong cả nước tổ chức xây dựng chương trình và mở các khóa dạy nghề phù hợp. Do tính đặc thù của lao động nông thôn, nên việc dạy nghề cũng được tổ chức rất đa dạng, huy động sự tham gia của tất cả các cơ sở đào tạo trong cả nước, từ các trường đại học, các Viện nghiên cứu, đến các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng, các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp. Chương trình dạy nghề được thiết kế gọn nhẹ, theo hướng thực hành, với từng mô đun phù hợp để người học dễ dàng tiếp cận với các khóa học nghề, tùy theo điều kiện về thời gian và trình độ của mình.
Năm 2010 là năm đầu tiên triển khai đề án, nên bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản, các điều kiện cần thiết (như xây dựng chương trình, đào tạo đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý…), chủ yếu là các hoạt động thí điểm, như thí điểm các mô hình dạy nghề, thí điểm đặt hàng dạy nghề, thí điểm việc cấp thẻ học nghề nông nghiệp; đồng thời tập trung tổ chức các hoạt động đào tạo nghề ở 11 tỉnh điểm, các huyện điểm và 11 xã điểm xây dựng nông thôn mới. Một số mô hình dạy nghề bước đầu được đánh giá có hiệu quả là:
(i) Mô hình dạy nghề cho lao động ở các vùng trồng cây chuyên canh, nuôi chuyên con, nhằm đào tạo đội ngũ lao động nông thôn đáp ứng được yêu cầu của sản xuất hàng hóa hiện đại, nâng cao năng suất lao động và chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm;
(ii) Mô hình dạy nghề cho lao động trong các làng nghề truyền thống, nhằm đào tạo đội ngũ thợ trẻ để phục hồi, duy trì và phát triển nghề truyền thống, trong đó có cả việc “cấy nghề” để phát triển làng nghề mới;
(iii) Mô hình đặt hàng dạy nghề, nhằm dạy nghề cho LĐNT thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, LĐNT bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế và bố trí việc làm tại doanh nghiệp sau đào tạo….
Đến nay, trên 21 ngàn lao động nông thôn đã được đào tạo nghề theo các mô hình thí điểm này. Đối với đào tạo nghề cho lao động trồng cây chuyên canh, trong quá trình đào tạo, người học ngoài việc được dạy kỹ năng nghề, còn được cung cấp các kiến thức về bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường, các quy định quốc tế về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (GAP- Tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt). Qua thí điểm các mô hình trên cho thấy kết quả thực hiện khá tốt. Người lao động sau khi học nghề năng suất lao động và hiệu quả sản xuất tăng lên rõ rệt ( từ 1,5-2 lần- đối với các nghề chuyên canh) hoặc đáp ứng được nhu cầu sử dụng của một số doanh nghiệp (Tập đoàn Dệt May, Điện lực, Tổng công ty lắp máy, Tổng công ty thép...), được các doanh nghiệp này tiếp nhận lao động sau khi đào tạo vào làm việc. Các doanh nghiệp, các cơ sở dạy nghề tham gia dạy nghề cho nông dân và lao động nông thôn, không chỉ thuần túy là “dạy nghề” mà còn tư vấn, hướng dẫn bà con cách thức tổ chức sản xuất kinh doanh, đảm bảo “đầu ra” hoặc là sản phẩm hoặc là tiếp nhận lao động sau khi được học nghề ….
Để đảm bảo cho người lao động nông thôn được tiếp cận với các khóa đào tạo nghề, ngoài nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ, bước đầu đã huy động được sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế như: chương trình thí điểm “Đào tạo nâng cao năng lực kinh tế dựa vào cộng đồng” (CB-TREE) cho LĐNT (do ILO tài trợ), Dự án đào tạo nghề nhằm giảm nghèo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (do ADB tài trợ)...; 11 tỉnh tự cân đối được ngân sách đã đảm bảo kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ lao động nông thôn học nghề và hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã; một số tỉnh đã bổ sung từ ngân sách địa phương để hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại trong thời gian học nghề cho một số nhóm LĐNT ngoài chính sách của Đề án. Nhiều doanh nghiệp đã hỗ trợ thêm tiền ăn, tiền đi lại cho người học nghề và trả lương trong quá trình học tập ở các lớp do doanh nghiệp tổ chức đào tạo.
Những kết quả bước đầu này đã tạo động lực để thu hút những lao động nông thôn khác trong thôn bản, làng, xã tham gia các khoá đào tạo nghề được tổ chức tại địa bàn. Người lao động, bên cạnh học các kỹ năng nghề cơ bản để làm nghề, còn được trang bị các kiến thức về khởi sự doanh nghiệp, các kỹ năng “mềm” khác như bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình; tạo dựng các quan mối quan hệ cộng đồng, làng xóm… Ở một số nơi, nhất là ở các xã thí điểm, đã hình thành mô hình sản xuất mới, trong đó những nông dân được qua đào tạo nghề là lực lượng nòng cốt. Đặc biệt, đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị- xã hội và người lao động về vai trò quan trọng của dạy nghề đối với phát triển nguồn nhân lực nông thôn trong sản xuất nông nghiệp hiện đại; góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống, phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
|
Tỷ lệ có việc làm và gắn với việc làm sau khi học nghề đạt khoảng 70%
|
Qua 1 năm triển khai thực hiện Đề án, bước đầu rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
- Những nơi nào có sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, phân công rõ ràng về trách nhiệm của các cơ quan và phối hợp chặt chẽ trong thực hiện thì ở nơi đó các chính sách, hoạt động của Đề án được triển khai nhanh, có hiệu quả.
- Công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, hướng nghiệp phải đi trước một bước, cán bộ tuyên truyền phải am hiểu chính sách, nắm được thông tin về đào tạo nghề và khả năng giải quyết việc làm sau học nghề để thông tin đầy đủ, kịp thời cho người LĐNT. Chỉ khi người dân hiểu rõ, nhận thức đúng về dạy nghề trong việc nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bản thân và gia đình thì họ mới tích cực tham gia học nghề.
- Phải nhận thức rõ dạy nghề chỉ là “mặt cung” của thị trường lao động, đáp ứng “cầu” của thị trường lao động. Do vậy, kế hoạch dạy nghề phải căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương (từ cấp xã), của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh và do đó, để hoạt động dạy nghề có hiệu quả, cần có sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương, của các doanh nghiệp trên địa bàn; chương trình dạy nghề phải có nội dung về kiến thức kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp để người lao động sau học nghề biết huy động vốn, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Điều này đã được khẳng định qua thực tế triển khai thí điểm ở các xã nông thôn mới, các huyện điểm. Ở những nơi này đã có sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền các cấp, doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề và người học nghề từ khâu xác định nhu cầu đào tạo (đầu vào), tổ chức đào tạo, đến giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm (đầu ra) cho người nông dân, nên đã đạt được hiệu quả rõ rệt. Như vậy, nhiệm vụ của dạy nghề là dạy cho người lao động nông thôn một nghề; căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các ngành, các cơ sở dạy nghề trong quá trình tuyển sinh, tổ chức lớp học có trách nhiệm phối hợp tư vấn cho người lao động lựa chọn nghề; việc quyết định lựa chọn học nghề gì là do chính người lao động quyết định căn cứ vào năng lực và công việc mà mình đang làm.
- Cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề các cấp phải có đủ năng lực và điều kiện để triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án, chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý dạy nghề tại Phòng dạy nghề các Sở LĐTBXH, Phòng LĐTBXH các huyện; cán bộ quản lý và giáo viên cơ hữu ở các TTDN phải được tăng cường về chất lượng và đủ về số lượng. Cần huy động tất cả các loại hình cơ sở đào tạo tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn; huy động những người sản xuẩt giỏi, thợ lành nghề trong các doanh nghiệp, nghệ nhân trong các làng nghề…thamg gia dạy nghề cho lao động nông thôn.
- Để thực hiện Đề án có hiệu quả, phải huy động sự tham gia, chỉ đạo tích cực, hiệu quả của các Bộ có liên quan trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; huy động sự tham gia của doanh nghiệp, nông dân sản xuất giỏi trong việc xác định nhu cầu, tổ chức dạy nghề, tổ chức lao động sản xuất, bao tiêu sản phẩm hàng hóa…;
- Việc triển khai Đề án 1956 phải được lồng ghép, gắn kết chặt chẽ với các hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; dạy nghề phải căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch lao động của địa phương theo ngành, lĩnh vực và cần được thực hiện đồng bộ với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là chính sách giải quyết việc làm, đất đai, tín dụng, phát triển thị trường hàng hóa…
- Công tác giám sát, kiểm tra các hoạt động dạy nghề phải được thực hiện thường xuyên ở tất cả các “khâu” và ở tất cả các cấp.
Hiện nay các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước đang tập trung thực hiện nhiệm vụ năm 2011 của Đề án là thực hiện hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 500.000 lao động nông thôn theo chính sách của Quyết định số 1956, trong đó ít nhất 70% có việc làm sau đào tạo; tiếp tục triển khai làm rõ mô hình thí điểm ở cấp tỉnh, huyện, xã và các mô hình đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân – Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện Đề án 1956, trong tháng 8/2011 sẽ tổ chức giao ban toàn quốc về kết quả triển khai Đề án với sự tham gia của lãnh đạo xã tại các huyện (kết nối qua truyền hình Internet tới được đầu cầu Hà Nội); dự kiến tháng 11 năm 2011 giao ban toàn quốc có nội dung tổng kết các mô hình điển hình dạy nghề cho lao động nông thôn./.