1. Đại hội lần thứ I (năm 1950)
Hình ảnh các đại biểu tham dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ I tại Đại Từ, Thái Nguyên (từ ngày 07 đến ngày 14/2/1950). Ảnh: Báo Nhân dân
Sau gần 20 năm hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ I (tên gọi khi đó là Đoàn thanh niên cứu quốc Việt Nam) diễn ra từ ngày 07-14/02/1950 tại xã Cao Văn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Dự đại hội có hơn 400 đại biểu đại diện cho đoàn viên, thanh niên trên khắp mọi miền đất nước. Với chủ đề “Chiến đấu và xây dựng tương lai”, Đại hội đã đề ra nhiệm vụ trước mắt của Đoàn là động viên, giáo dục, thống nhất lực lượng thanh niên, cổ vũ thế hệ trẻ tích cực tham gia sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, quét sạch kẻ thù xâm lược. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đoàn mới, đồng chí Nguyễn Lam được bầu làm Bí thư Đoàn thanh niên cứu quốc Việt Nam. Từ thành công của Đại hội, hàng vạn nam, nữ thanh niên hăng hái xung phong tham gia phục vụ các chiến dịch và phong trào “Tòng quân giết giặc lập công”, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu (tháng 5/1954).
2. Đại hội lần thứ II (năm 1956)
Diễn ra từ ngày 25/10-04/11/1956 tại Hà Nội. Dự Đại hội có 479 đại biểu đại diện cho gần nửa triệu đoàn viên thanh niên trong cả nước. Đại hội khẳng định những cống hiến xuất sắc của tổ chức Đoàn và phong trào thanh niên trong chín năm kháng chiến và ba năm khôi phục kinh tế. Tại Đại hội, Bác Hồ đã ân cần căn dặn: “Đảng và Chính phủ ta có thể tự hào đã tạo nên một thế hệ thanh niên dũng cảm như các cháu, và mong các cháu tiếp tục phấn đấu hăng hái cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nước nhà”. Đại hội đã bầu BCH Trung ương Đoàn gồm 30 đồng chí, đồng chí Nguyễn Lam được bầu làm Bí thư thứ nhất.
Ngay sau Đại hội, tuổi trẻ miền Bắc đã phát động phong trào thi đua lao động sản xuất để khôi phục kinh tế, cải tạo và xây dựng xã hội mới. Hàng vạn thanh niên tham gia xây dựng các công trình thủy lợi, khai hoang phục hóa đất đai; hàng triệu thanh niên hăng hái theo học các lớp bổ túc văn hóa... Ở miền Nam, phong trào đấu tranh chính trị của thanh niên, học sinh, sinh viên chống đế quốc Mỹ và tay sai tiếp tục phát triển mặc dù bị đàn áp dã man.
3. Đại hội lần thứ III (năm 1961)
Diễn ra từ ngày 23-25/3/1961 tại Hà Nội. Dự Đại hội có 677 đại biểu đại diện cho một triệu đoàn viên thanh niên trong cả nước. Được sự đồng ý của Bộ Chính trị và Bác Hồ, Đại hội đã quyết định lấy ngày 26/3/1931 là ngày thành lập Đoàn. Đại hội đã phát động phong trào “Xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất” (1961 - 1965). Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đoàn gồm 71 đồng chí, đồng chí Nguyễn Lam tiếp tục được bầu lại làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn. Sau Đại hội, đồng chí Nguyễn Lam được Đảng điều động nhận nhiệm vụ mới, đồng chí Vũ Quang được cử làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn.
Tháng 8/1964, đế quốc Mỹ leo thang gây chiến tranh phá hoại bằng không quân đối với miền Bắc, tuổi trẻ Thủ đô đã phát động phong trào “Ba sẵn sàng”. Ở miền Bắc, hàng triệu đoàn viên thanh niên đăng ký tham gia phong trào “Ba sẵn sàng” nêu cao quyết tâm chi viện cho chiến trường miền Nam với tinh thần “Chưa thắng giặc Mỹ, chưa về quê hương”. Tháng 2/1965, Đại hội Đoàn thanh niên toàn miền Nam đã phát động phong trào “Năm xung phong”, sau một thời gian ngắn đã có hàng vạn đoàn viên, thanh niên tham gia phong trào. Từ phong trào “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong” đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân với những chiến công xuất sắc trong chiến đấu tiêu diệt quân thù.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Đảng (1970), thể theo nguyện vọng của cán bộ, đoàn viên, thanh niên cả nước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định đổi tên Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam thành Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh. Trong thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và đại thắng mùa xuân năm 1975, có sự đóng góp to lớn của đoàn viên thanh niên trên khắp các mặt trận, đây là thế hệ thanh niên Việt Nam vô cùng dũng cảm, thông minh, không sợ gian khổ, hy sinh, quyết chiến - quyết thắng đã được Đảng ta, Đoàn ta giáo dục, rèn luyện. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định đổi tên Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh thành Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
4. Đại hội lần thứ IV (năm 1980)
Diễn ra từ ngày 20-22/11/1980 tại Hà Nội. Dự Đại hội có 623 đại biểu đại diện cho 4,3 triệu đoàn viên thanh niên cả nước. Đại hội đã quyết định đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Ba xung kích” thành cao trào thi đua hành động cách mạng của tuổi trẻ thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đoàn gồm 113 đồng chí, đồng chí Đặng Quốc Bảo, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn.
Vào thời điểm này, hàng triệu lượt đoàn viên thanh niên tham gia phong trào “Ba xung kích làm chủ tập thể”; gần 9 triệu đoàn viên, thanh niên tham gia phong trào “Thanh niên xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; hàng chục vạn thanh niên gia nhập lực lượng vũ trang, góp phần tích cực bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Tiếp đó là các phong trào “Hành quân theo bước chân những người anh hùng” đã thu hút gần 6 triệu đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia và “Hành quân theo chân Bác” đã có 10 triệu thiếu niên, nhi đồng tham gia.
Tháng 5/1982, Hội nghị BCH Trung ương Đoàn lần thứ 4 (khóa IV) đã tập trung chỉ đạo triển khai các chương trình hành động cách mạng của tuổi trẻ trong 2 năm 1982-1983. Tại Hội nghị này, đồng chí Vũ Mão, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn.
5. Đại hội lần thứ V (năm 1987)
Diễn ra từ ngày 27-30/11/1987 tại Hà Nội. Dự Đại hội có 750 đại biểu đại diện cho 17 triệu đoàn viên, thanh niên trong cả nước. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đoàn gồm 150 đồng chí, đồng chí Hà Quang Dự được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn. Đại hội đã phát động phong trào “Tuổi trẻ xung kích, sáng tạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V có ý nghĩa vô cùng lớn lao, đó là Đại hội của thế hệ trẻ đi đầu trong công cuộc đổi mới; Đại hội của hành động, vì tương lai của thế hệ trẻ, vì hạnh phúc của Nhân dân. Trong quá trình đất nước đổi mới, mặc dù đứng trước sự thử thách do tác động từ những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn phấn đấu tự đổi mới mình, không ngừng mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên, phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng đất nước giàu mạnh.
6. Đại hội lần thứ VI (năm 1992)
Diễn ra từ ngày 15-18/10/1992 tại Hà Nội. Dự Đại hội có 797 đại biểu đại diện cho 2,5 triệu đoàn viên, thanh niên cả nước. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đoàn gồm 91 đồng chí, đồng chí Hồ Đức Việt được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn. Sau Đại hội, tháng 2/1993, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ 2 (khóa VI) đã phát động hai phong trào lớn: “Thanh niên lập nghiệp” và “Tuổi trẻ giữ nước”. Hai phong trào đã được tuổi trẻ cả nước nhiệt liệt hưởng ứng và đi vào sâu rộng trong cuộc sống. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ 9, khóa VI (tháng 12/1996), đồng chí Vũ Trọng Kim được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thay đồng chí Hồ Đức Việt được Đảng điều động nhận nhiệm vụ mới.
7. Đại hội lần thứ VII (năm 1997)
Diễn ra từ ngày 26-29/11/1997 tại Hà Nội. Dự đại hội có 899 đại biểu đại diện cho 21,2 triệu cán bộ, đoàn viên, thanh niên cả nước. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đoàn gồm 125 đồng chí, đồng chí Vũ Trọng Kim được bầu lại làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn. Đại hội đã quyết định tiếp tục phát triển hai phong trào“Thanh niên lập nghiệp” và “Tuổi trẻ giữ nước” lên một tầm cao mới. Tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 9 Khóa VII (tháng 6/2001), đồng chí Hoàng Bình Quân được bầu làm Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn thay đồng chí Vũ Trọng Kim được Đảng phân công nhiệm vụ mới.
Năm 2000 được Bộ Chính trị và Chính phủ chọn là “Năm thanh niên Việt Nam”. Từ thời điểm này, phong trào “Thanh niên tình nguyện” có bước phát triển mới, đi vào thực tiễn, được đông đảo các cấp bộ Đoàn và đoàn viên, thanh niên tham gia, tạo ấn tượng tốt đẹp về lớp thanh niên Việt Nam của thời kỳ mới. Tổ chức Đoàn các cấp đã chủ động đề xuất và đảm nhận nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng, tiêu biểu như: Dự án xóa cầu khỉ, xây cầu mới vùng đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng Đảo thanh niên; làm đường Hồ Chí Minh; xây dựng Làng thanh niên lập nghiệp... Phong trào thi đua học tập, lao động sáng tạo để chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức, khoa học công nghệ mới; sinh hoạt chính trị “Tuổi trẻ Việt Nam tiến bước dưới cờ Đảng”,“Tuổi trẻ với tư tưởng Hồ Chí Minh”... đã thu hút hàng triệu thanh thiếu niên tham gia.
(Còn tiếp)