Trẻ em tham gia xây dựng môi trường an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em
Ngày cập nhật 10/08/2023
Tại Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ VII, năm 2023, các đại biểu thiếu nhi từ khắp mọi miền đất nước đã thảo luận, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và nêu đề xuất, kiến nghị nhằm xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em.

Sáng 8/8, tại Hà Nội đã diễn ra phiên chính thức Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ VII, năm 2023 với chủ đề “Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em”.

Tham dự chương trình có đồng chí Trần Hồng Hà - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Đào Ngọc Dung - Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; đồng chí Bùi Quang Huy - Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương.

 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các đại biểu của Diễn đàn Trẻ em quốc gia lần thứ 7 - Ảnh: Minh Khôi

 

Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ VII, năm 2023 diễn ra với sự tham gia của 188 trẻ em đến từ 43 tỉnh, thành phố, Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An, Hội người Mù Việt Nam và Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng, các Làng trẻ em SOS trên cả nước.

Tại Diễn đàn, các em đặt nhiều câu hỏi, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng về các vấn đề trẻ em quan tâm, như: giải pháp ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; làm sao nắm bắt thông tin hiệu quả; ngăn chặn bạo lực trên môi trường mạng; hỗ trợ tâm lý trẻ khi bị bạo lực, xâm hại; tình trạng thiếu giáo viên, giáo viên dạy kiêm nhiệm...

 

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ VII, năm 2023

 

Các em hãy biết phát huy quyền tham gia của mình

Chia sẻ về tình trạng bạo lực trên môi trường mạng, em Trần Thanh Quỳnh đến từ TP.HCM đặt câu hỏi "Làm thế nào để các bác, các cô chú lãnh đạo nắm bắt được các vấn đề liên quan đến bạo lực mạng trong học sinh và có giải pháp để ngăn chặn?"

Trả lời câu hỏi của em Trần Thanh Quỳnh, đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cho hay, cơ chế nắm thông tin hiện nay rất đa dạng, trong trường học có tổ chức Đoàn, Đội là kênh gần gũi với trẻ em; về nhà có gia đình, bố mẹ, bên cạnh đó là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, internet. 

Theo đồng chí Bùi Quang Huy, để nắm bắt thông tin hiệu quả nhất, một phần trọng đó là ở chính các em hãy biết phát huy quyền tham gia của mình. Khi phát hiện vấn đề xảy ra xung quanh mình, như: bạo lực, xâm hại…các em không nên im lặng mà hãy nói, thông tin cho người khác biết. “Tổ chức Đoàn, Đội cần thực hiện tốt hơn chức năng của mình, bên cạnh đó các em cũng hãy thực hiện tốt quyền nói lên tiếng nói, quyền tham gia của mình để việc thông tin được xuyên suốt, nhanh chóng, chính xác”, đồng chí Bùi Quang Huy nói.

 

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy trao đổi tại Diễn đàn

 

Đồng chí Ngô Thị Minh, Thứ thưởng Bộ GD&ĐT cũng cho biết, thời gian qua ngành giáo dục phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông triển khai nhiều giải pháp để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng bạo lực trên môi trường mạng. Bên cạnh đó việc ban hành đề án 311 của Chính phủ về "Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022 - 2030" đã đưa ra nhiều giải pháp tổng thể chăm sóc giáo dục trẻ em trên không gian mạng. 

Theo đồng chí Ngô Thị Minh, tổng đài trẻ em quốc gia 111 là một kênh rất quan trọng, hữu ích để phát hiện và khắc phục nhanh chóng nhất bạo lực trên môi trường mạng. Hiện ở các trường học có tổ tư vấn tâm lý, nhiều trường có hiệu trưởng tham gia đã phát huy hiệu quả.

Tiếp tục nhân rộng mô hình "Hội đồng trẻ em"

Quan tâm đến việc lắng nghe trẻ em, em Hoàng Khánh Linh đặt câu hỏi về việc tổ chức Đoàn, Đội ghi nhận nói lên tiếng nói của trẻ em ở địa phương như thế nào. 

Trả lời câu hỏi này, đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư cho biết, thời gian qua, T.Ư Đoàn phối hợp với bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT triển khai nhiều mô hình kịp thời lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng trẻ em, như: hòm thư Điều em muốn nói, CLB quyền trẻ em, Hội đồng trẻ em,..

 

Bí thư T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư Nguyễn Phạm Duy Trang trả lời câu hỏi của các đại biểu thiếu nhi

 

Để đẩy mạnh hơn nữa quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em, đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang cho biết, T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư tiếp tục chỉ đạo nhân rộng, triển khai mô hình “Hội đồng trẻ em”. Cả nước hiện đã xây dựng được 17 Hội đồng trẻ em cấp tỉnh, 35 Hội đồng trẻ em cấp huyện, 4 Hội đồng trẻ em cấp xã. Hoạt động của mô hình hội đồng trẻ em các cấp cùng các chương trình lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân gặp gỡ, đối thoại với thiếu nhi đã góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và toàn xã hội về vai trò quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Qua đó, tạo cơ hội, môi trường, diễn đàn để trẻ em được phát huy quyền tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em.

Lắng nghe trẻ em bằng trái tim và sự thấu hiểu

Lắng nghe những chia sẻ, câu hỏi của các bạn nhỏ nêu lên tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, việc xây dựng một môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh không chỉ có ý nghĩa với trẻ em mà cả đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Làm sao tất cả các trẻ em đều được quan tâm, phát triển toàn diện, được sống trong tình thương yêu, môi trường sống an toàn, lành mạnh. Ảnh: Minh Khôi

 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước biểu dương những thành tích học tập, rèn luyện mà các em đã đạt được, trong đó có những em đã vượt lên hoàn cảnh, vượt khó khăn để trở thành những tấm gương tiêu biểu, lan tỏa tới bạn bè, cộng đồng. "Với tinh thần "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ tùy theo sức của mình", thế hệ các cháu hôm nay đã làm rạng danh nước nhà bằng những thành tựu hết sức ý nghĩa trong học tập, thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật; đóng góp cho sự phát triển của đất nước bằng những việc làm bình dị như yêu thương, sẻ chia, giúp đỡ bạn bè những người có hoàn cảnh khó khăn, chung tay gìn giữ bảo vệ môi trường thiên nhiên...", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng nêu rõ: Trong bất kỳ hoàn cảnh nào Đảng, Nhà nước, gia đình và xã hội luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho các cháu bằng cách hiện thực hóa thành những chính sách lớn về giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, y tế, tạo lập môi trường để "trẻ em không chỉ là tương lai mà còn là hiện tại".

Và mỗi bạn nhỏ tham dự Diễn đàn, mỗi đóa hoa tiêu biểu của rừng hoa nghìn việc tốt hôm nay, cũng chính là một đại sứ để lan tỏa trong các bạn bè cùng trang lứa tình yêu thương để bạo lực không còn chỗ đứng trong môi trường học đường, xây dựng không gian mạng an toàn không chỉ cần thiết cho trẻ em hôm nay mà còn hữu ích cho thế hệ mai sau, thành lập câu lạc bộ trẻ em nòng cốt để kịp thời phát hiện và hỗ trợ giữa các học sinh với nhau…

 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn các đại biểu tham dự Diễn đàn sẽ là hạt nhân lan tỏa tình yêu thương, nhân ái, yêu lao động, ham học hỏi, luôn ghi nhớ và làm thật tốt "Năm điều Bác Hồ dạy", xứng đáng là con ngoan, trò giỏi - Ảnh: Minh Khôi

 

Lắng nghe trẻ em bằng trái tim và sự thấu hiểu, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Công tác trẻ em là sự nghiệp vô cùng lớn lao, hệ trọng, phải thực hiện thường xuyên, liên tục, bền bỉ, lâu dài, từ những việc làm cụ thể.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ mong muốn các bộ, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp lắng nghe, xem xét và đáp ứng các ý kiến, nguyện vọng phù hợp của trẻ em. “Khi làm bằng trái tim, sự thấu hiểu thì chúng ta sẽ hiểu những gì trẻ em các em cần”, Phó thủ tướng nói. 

Đồng thời, Phó Thủ tướng kêu gọi mỗi gia đình, các cấp, các ngành và toàn xã hội, bằng trách nhiệm, tình thương yêu tiếp tục có nhiều hành động thiết thực hơn nữa, để chăm lo tốt hơn nữa cho trẻ em, nhất là các cháu gặp hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. "Làm sao tất cả các trẻ em đều được quan tâm, phát triển toàn diện, được sống trong tình thương yêu, môi trường sống an toàn, lành mạnh", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng mong muốn, sau diễn đàn này, trở về địa phương, các em tiếp tục có những sáng kiến, cách làm phù hợp để cùng lãnh đạo địa phương, nhà trường…giúp giảm thiểu rủi ro, tai nạn và bạo lực ở trẻ. 

Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cũng khẳng định, các vấn trẻ em quan tâm cũng luôn được các cơ quan, tổ chức, xã hội quan tâm. Đồng thời đề nghị đại diện các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức cùng trao đổi, xem xét, đáp ứng các ý kiến, đề xuất của trẻ em; nghiên cứu để đưa các ý kiến, đề xuất của trẻ em vào kế hoạch, chương trình công tác của bộ, ngành, tổ chức và ưu tiên thực hiện các quyền của trẻ em theo quy định của pháp luật về trẻ em.

 

Diễn đàn Trẻ em quốc gia lần thứ VII năm 2023 diễn ra từ ngày 5-8/8/2023 tại Hà Nội, do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức với chủ đề “Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em”.

Sau Diễn đàn, các thông điệp, khuyến nghị của trẻ em sẽ được gửi tới các cơ quan, các tổ chức, các nhà hoạch định chính sách, những người làm việc vì trẻ em để tiếp thu, xem xét và đáp ứng một cách phù hợp.

 

Theo: doanthanhnien.vn
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 10.054.854
Truy cập hiện tại 8.762