Lớp ca Huế của trẻ mồ côi
Ngày cập nhật 28/06/2010

Chiều chủ nhật hằng tuần, người dân ở cạnh Trung tâm Nuôi dạy trẻ em mồ côi Xuân Phú (TP Huế) lại nghe những giọng ca Huế ngọt ngào ngân lên. Ở đó có một lớp học ca Huế miễn phí mà học trò là những đứa trẻ mồ côi và giáo viên là những nghệ nhân ca Huế ở tuổi “thất thập cổ lai hi”.

Đam mê kể chi trẻ già

Tháng 1-2005, Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi Xuân Phú “khai giảng” lớp dạy hát dân ca cho các em mồ côi vào chiều chủ nhật hằng tuần do nghệ nhân Bửu Ý làm “chủ xị”. Niềm vui được ca hát hiển hiện trên những khuôn mặt rạng ngời. Giáo viên đứng lớp là hai nghệ nhân dân gian Minh Mẫn và Thanh Hương.

 

Thay phiên nhau đứng lớp vào mỗi chiều chủ nhật hằng tuần nhưng cũng có hôm hai nghệ nhân cùng lên lớp để tiện luyện giọng cho từng em. “Mấy năm trước còn sức khỏe tui đạp xe đi dạy, năm nay sức khỏe kém quá nên phải nhờ người đưa đi” - nghệ nhân Minh Mẫn tâm sự.

 

Những lời ca trong trẻo cứ ngân lên theo tiếng đàn tì bà, tiếng ầu ơ trong giai điệu của bài Lý năm canh, điệu lưu thủy, Lý ngựa ô… nhẹ nhàng, cuốn hút đến lạ kỳ. Có những lúc cả lớp đang say sưa hát thì có tiếng… la: “Dừng lại, dừng lại, đoạn đó sai rồi!”. Sau đó, nghệ nhân Minh Mẫn tỉ mỉ phân tích những chỗ sai trong đoạn vừa hát.

Ở lớp học ca Huế miễn phí tất tần tật từ cây đàn, sách nhạc cho đến người giảng dạy. “Tuy hai mệ dạy không công nhưng vui lắm! Bây chừ mà tìm được các cháu nhỏ mê ca Huế như ri để truyền nghề là quý lắm rồi vì hầu hết chỉ thích nhạc trẻ thôi” - nghệ nhân Thanh Hương trầm ngâm.

Tiếng lách cách từ cặp phách nhịp trên đôi tay nghệ nhân Minh Mẫn như đưa những làn điệu dân ca đi sâu vào tâm hồn những bạn trẻ. Võ Thị Phượng, 15 tuổi mồ côi từ nhỏ, lang bạt nay đây mai đó, từ khi được đưa về trung tâm, có chút năng khiếu ca Huế, Phượng được hai nghệ nhân gạo cội truyền nghề nên đến nay, giọng ca của em được hai nghệ nhân đánh giá rất cao. Phượng tâm sự: “Ngày trước em đi bán vé số dọc sông Hương, thấy các nghệ nhân hát ca Huế trên thuyền rồng, em đứng xem và hát theo vậy là mê ca Huế lúc nào không hay”.

Mỗi em nhỏ tham gia lớp học là mỗi hoàn cảnh khác nhau, em thì mồ côi cha mẹ, có em thì đến giờ vẫn không biết cha mẹ mình là ai, còn sống hay chết, nhưng các em đều có chung niềm đam mê: ca Huế.

Thao thức cùng ca Huế

“Ở đây các em đều là trẻ mồ côi cơ nhỡ được trung tâm đón nhận về nên thiếu thốn tình cảm gia đình. Chúng tôi quyết định mở lớp dạy dân ca cho các em nhằm mang lại niềm vui cho các em trong những ngày cuối tuần” - anh Nguyễn Văn Xuân, phó giám đốc trung tâm, nói. Anh Xuân cho biết thêm hiện tại ở trung tâm không chỉ có ca Huế mà còn dạy cho các em nhiều môn học khác như học đàn tranh, nhị, vẽ tranh…

 

Trong căn phòng truyền thống, tiếng đàn ầu ơ, tiếng rít căng vút khi đoạn nhạc tới nốt bổng. “Tốt lắm! Tốt lắm, như rứa! Hạ thấp xuống. Tốt! Cứ vậy!" - một thầy giáo dạy đàn miễn phí tại trung tâm hướng dẫn cho các em ôn lại bài học cũ trước khi bước sang một đoạn nhạc mới.

Nghệ nhân Bửu Ý, người đề xuất đưa ca Huế vào trung tâm, kể: “Thấy các cháu nhỏ ở đây có khiếu đam mê ca Huế nhưng không có điều kiện theo học ở các lớp chính quy nên tui đề xuất với ban giám đốc trung tâm cho mở lớp ca Huế. Mọi chi phí, nhạc cụ, giáo viên tui lo hết. Nói rắn vậy để trung tâm đồng ý chứ thật ra lúc đó có gì mô. Mất cả tháng sau mới mua được đàn, tìm được người giảng dạy”.

Bạn Nguyễn Thị Cẩm Hoài chia sẻ: “Từ ngày tham gia lớp học ca Huế, nghe và hiểu được từng tiết tấu, ca từ trong bài hát em cảm thấy rất vui, tâm trạng thoải mái hơn. Chiều chủ nhật nào mà hai mệ có việc bận không lên lớp được là cảm thấy thiếu cái gì đó”.

Còn hai nghệ nhân thì tâm sự: "Lớp biết hát ca Huế chúng tôi già rồi, mong sao các cháu bây chừ tiếp tục lưu giữ và phát huy ca Huế để vốn văn hóa truyền thống của cha ông được lưu giữ mãi".

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 10.079.500
Truy cập hiện tại 1.835