Đưa 600 trí thức trẻ về xã làm phó chủ tịch: Tạo sức bật cho nông thôn nghèo
Ngày cập nhật 11/02/2011

 TT - Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định đưa 600 trí thức trẻ (TTT) ưu tú về 600 xã thuộc các huyện nghèo để làm phó chủ tịch UBND xã, nhằm tăng cường cán bộ cho các địa phương

 Trao đổi với Tuổi Trẻ về nội dung này, ông Vũ Đăng Minh, quyền vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên - Bộ Nội vụ, cho biết:

- Tuyển chọn, đưa 600 TTT ưu tú về các xã là một dự án lớn, với kinh phí gần 200 tỉ đồng. Dự án sẽ được triển khai trong vòng mười năm (2011-2020), và ngay năm đầu tiên sẽ tuyển chọn 100 TTT đưa về năm tỉnh, đại diện cho năm khu vực có các huyện nghèo.

 

* Trước đây T.Ư Đoàn đã có các dự án đưa TTT, y bác sĩ trẻ tình nguyện về các xã vùng sâu, vùng xa. Nay Bộ Nội vụ có dự án này liệu có trùng lặp với các dự án của T.Ư Đoàn?

- Dự án này khác so với các dự án của Đoàn thanh niên trước đây. TTT tham gia dự án của T.Ư Đoàn chỉ hai năm. Và do còn thiếu các cơ chế, chính sách nên khi về xã các TTT này không có chức danh rõ ràng, chỉ làm các việc lặt vặt. Hết hai năm thì các đội viên đó lại trở về nơi xuất phát, vì có rất ít xã sau đó tiếp nhận số TTT này.

Với dự án này, chúng tôi đã phải trình Thủ tướng để có một quyết định về việc tăng cường cán bộ cho các xã thuộc huyện nghèo để thực hiện nghị quyết 30a. Hiện các xã nghèo chỉ có ba biên chế ủy ban thì nay với quyết định mới này, Thủ tướng cho phép tăng lên năm biên chế gồm một chủ tịch, hai phó chủ tịch và hai thành viên UBND.

Có “bảo bối” này thì việc đưa TTT của chúng tôi về xã sẽ thuận lợi hơn, các TTT về xã sẽ được bầu (không phải là bổ nhiệm) làm phó chủ tịch UBND xã, làm việc trong năm năm với nhiều chế độ, chính sách đãi ngộ rõ ràng và có nhiều cơ hội thăng tiến.

Đặc biệt với dự án này, cán bộ tăng cường về xã sẽ không ảnh hưởng đến biên chế của địa phương, mà là tăng cường nguồn cán bộ trẻ cho các địa phương đó. Vì thế sẽ không có sự đố kỵ, so bì như các dự án trước.

 

Ông Vũ Đăng Minh - Ảnh: Đ.Bình

 

* 62 huyện nghèo có đến gần 900 xã, sao chỉ đưa 600 TTT về xã?

- Trước khi xây dựng dự án, chúng tôi đã tiến hành khảo sát, thăm dò rất kỹ. Trong số 894 xã của các huyện nghèo có 644 xã hiện còn thiếu cán bộ. Khi trình Thủ tướng, chúng tôi cũng phân tích, đề cập rõ vấn đề này và quyết định của Thủ tướng là sẽ lấy hai nguồn để bổ sung. Đó là từ dự án 600 TTT và số còn thiếu sẽ tuyển cán bộ trẻ tại chỗ, từ tỉnh, huyện tăng cường về xã.

* Thưa ông, những đối tượng nào có thể tham gia chương trình này?

- Qua khảo sát, thăm dò thì thấy các xã thuộc huyện nghèo đang rất thiếu cán bộ thuộc các ngành kinh tế, khoa học kỹ thuật, nông lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng, giao thông, luật, tài nguyên, môi trường. Vì thế chúng tôi ưu tiên tuyển những ngành này. Đối tượng là những thanh niên VN dưới 30 tuổi, tốt nghiệp đại học các ngành kể trên. Phải là những người có phẩm chất đạo đức, sức khỏe và quan trọng phải tình nguyện tham gia chương trình này.

* Các dự án trước từng đối mặt với tình trạng TTT sau một thời gian ngắn thì “đào ngũ”. Dự án này đã lường được việc này, thưa ông?

- Dự án này khác hẳn, có cơ chế, chính sách rõ ràng. Bộ Nội vụ sẽ lập ban quản lý từ T.Ư và các địa phương, sở nội vụ cũng sẽ lập ban quản lý cấp tỉnh để điều hành. Việc tuyển chọn thì do Ban quản lý T.Ư làm.

Sau khi tuyển (thậm chí nếu hồ sơ đông thì phải thi tuyển), Bộ Nội vụ sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn cho các đội viên trong vòng hai tháng theo đúng tinh thần “cầm tay chỉ việc”. Sau hai tháng đào tạo sẽ đưa về các xã thực tập trong vòng một tháng để họ tìm hiểu, làm quen với công việc, điều kiện sống, sinh hoạt...

 

* Với những ưu đãi như vậy, liệu có xuất hiện tình trạng “chạy chọt” để kiếm một suất trong dự án?

- Về tiêu cực, tôi nghĩ các quyết định của Thủ tướng đã quá rõ ràng về trách nhiệm, quyền hạn của TTT khi tham gia dự án. Dự án cũng sẽ có ban quản lý từ cấp T.Ư đến địa phương, việc tuyển chọn sẽ rất chặt chẽ với những điều kiện, tiêu chuẩn rõ ràng nên khó có thể xảy ra tiêu cực.

Kết thúc ba tháng này, TTT sẽ phải làm cam kết để tham gia chương trình. Trong quyết định Thủ tướng quy định rõ trong quá trình công tác nếu có thành tích xuất sắc và nếu được cơ quan có thẩm quyền bố trí, sử dụng vào các vị trí khác thì thời gian công tác cũng phải đảm bảo đủ 36 tháng mới được chuyển. Còn nếu “đào ngũ”, quyết định cũng quy định rõ TTT phải bồi thường toàn bộ chi phí đào tạo, bồi dưỡng theo quy định.

 

* Ngoài các quyền lợi trên, TTT tham gia dự án còn được hưởng các chế độ gì khác?

- Mọi chế độ, chính sách, phụ cấp của phó chủ tịch UBND xã như thế nào thì TTT tham gia dự án này sẽ được hưởng nguyên như thế. Họ sẽ được đăng ký hộ khẩu thường trú tại xã nơi công tác và được xã bố trí chỗ ở để đảm bảo sinh hoạt và công tác.

Họ còn được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi đối với các đội viên TTT tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi theo quy định và các chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút cán bộ chuyên môn về các xã nghèo.

Khi kết thúc năm năm dự án, nếu có nhu cầu tiếp tục làm việc tại xã thì được cấp ủy, chính quyền tiếp tục quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, quản lý của xã hoặc huyện. Trường hợp UBND huyện không bố trí được việc làm sau khi dự án kết thúc thì TTT được chuyển thành công chức theo quy định và được xác nhận để các đơn vị khác ưu tiên xét tuyển...

* Dự án sẽ được triển khai ngay với việc tuyển 100 TTT đưa về năm tỉnh. Cụ thể sẽ như thế nào?

- Dự án có hai giai đoạn, và việc tuyển 100 TTT đưa về năm tỉnh là giai đoạn 1. Chúng tôi sẽ thử nghiệm tuyển dự kiến 100 cán bộ trẻ đưa về 25 xã/năm huyện của Cao Bằng, 15 xã/bốn huyện của Điện Biên, 15 xã/ba huyện của Nghệ An, 30 xã/sáu huyện của Quảng Ngãi và 15 xã/hai huyện của Kon Tum. Hiện Cao Bằng và Quảng Ngãi đã chuẩn bị, có nguồn cán bộ trẻ dồi dào sẵn sàng cho triển khai dự án.

Dự án này với những cơ chế, chính sách đãi ngộ rõ ràng, chúng tôi tin tưởng sẽ thành công. Chỉ cần 50% trong số 600 TTT này phát huy được khả năng thì các xã đã có nguồn cán bộ trẻ bổ sung hữu ích rồi.

QV (Theo: Tuổi trẻ)
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 10.076.609
Truy cập hiện tại 1.035