Bất ngờ robot sinh viên
Ngày cập nhật 17/05/2011

 Nhiều sản phẩm thú vị, có tính ứng dụng cao, đa dạng trong nhiều lĩnh vực của đời sống được các bạn sinh viên (SV) trình làng tại triển lãm khoa học công nghệ Robocon Tech Show 2011.

 Triển lãm nằm “bên lề” cuộc thi Robocon VN 2011 vừa được tổ chức tại Đà Nẵng với 16 sản phẩm tham gia. Cuộc thi do Đài truyền hình VN tổ chức.

Nhiều sản phẩm thông minh

Trong thời buổi giá nhiên liệu tăng cao, các chàng trai của đội STE-HUST đến từ bộ môn động cơ đốt trong (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) đã nghiên cứu, sáng tạo và cải tiến thành công chiếc xe tự chế tiết kiệm nhiên liệu. Chiếc xe được nhóm nghiên cứu cải tiến dựa trên động cơ của Honda Wave 110. Xe chỉ tốn một lít xăng trong quãng đường dài 252km.

Còn với nhóm bạn BK CDT (Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng) gồm ba SV Trần Mạnh Hổ, Trần Văn Mão, Nguyễn Kim Ninh (khoa cơ khí) đã đem đến triển lãm lần này một bất ngờ thú vị khi ứng dụng công nghệ Internet 3G vào chú robot thông minh của mình. Robot địa hình điều khiển qua Internet bằng công nghệ 3G của nhóm có thể chụp hình, quay phim và phát hiện bom mìn trong những địa hình phức tạp như bãi lầy, đồi núi dốc vốn còn nhiều ở dải đất miền Trung. Robot còn có thể leo cầu thang. Chú robot này cũng là đề tài tốt nghiệp đại học của ba chàng trai miền Trung này.

Cùng chung ý tưởng của nhóm BK CDT, “Robot vượt địa hình điều khiển bằng giọng nói” của nhóm SV ĐH Lạc Hồng cũng thu hút sự chú ý của nhiều người. “Với thiết kế bánh xe thông minh, công nghệ xử lý tự động khi gắn máy ảnh và camera, robot này có thể di chuyển một cách nhẹ nhàng ở mọi địa hình. Robot có thể thay thế con người theo dõi, ghi lại tình hình an ninh cũng như mọi việc đang xảy ra trong nhà của bạn hoặc tại một vùng chiến sự nguy hiểm nào đó”, một thành viên trong nhóm cho biết.

 

Robot bóc vỏ dừa vừa nhanh vừa an toàn - Ảnh: P.Tuần

 

Tính ứng dụng cao

Tham gia Robocon Tech Show 2011, nhiều nhóm SV đã trình diễn nhiều robot có khả năng ứng dụng cao vào cuộc sống. Và những robot đó có thể thay thế sức lao động của con người trong nhiều việc mà hiệu quả cao nhiều lần.

Hai SV Trần Văn Quý và Mai Thanh Tân (năm 4 khoa cơ - điện - điện tử ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM) mang đến triển lãm chiếc máy bóc vỏ dừa. Nói về ý tưởng sáng tạo của mình, Quý cho biết: “Nhìn thấy nhiều cơ sở sản xuất bánh kẹo lấy cơm dừa, bóc vỏ dừa khô bằng phương pháp thủ công rất tốn thời gian, vất vả và cả nguy hiểm nữa, thế là hai đứa bàn nhau làm nên chiếc máy này”. Máy hoạt động theo nguyên lý hai thanh ru lô quay ngược chiều, những thanh ru lô này sẽ gắn thêm những núm kim loại. Khi hai thanh ru lô xoay thì vỏ xơ sẽ bị bóc ra chạy xuống phía sau, còn gáo dừa sau khi sạch vỏ sẽ được giữ nguyên trên thanh ru lô và chuyển ra ngoài.

Cũng chung mục đích thay thế con người trong lao động, nhóm bạn Nguyễn Văn Tuấn và Nguyễn Duy Phương, khoa cơ - điện - điện tử Trường ĐH Lạc Hồng, đã sáng chế thành công “robot làm sạch bể bơi tự động”. Robot này cọ rửa hồ bơi ở độ sâu 3m, hút sạch rác bẩn, rong rêu, tảo bám dưới sàn, các khe và cạnh hồ.

“Robot hoạt động dựa trên nguyên lý hút đẩy. Nước và rác bẩn được hút vào lòng robot bởi động cơ bơm, rác được giữ lại trong thân robot nhờ túi lọc rác, nước được đẩy ra ngoài như nguyên lý hoạt động của máy hút bụi. Vì thế tất cả tạp chất, rác thải ở dưới sàn, các khe đều được hút sạch”, Nguyễn Văn Tuấn nói.

Trong khi đó, “Bãi đậu xe thông minh” của nhóm BK Tech (ĐH Bách khoa Đà Nẵng) - gồm hai SV Ngô Văn Phúc và Mai Xuân Phúc - xuất phát từ quan sát thấy thiếu chỗ để xe ở các đô thị lớn. Ngô Văn Phúc cho hay: “Khi xe đến bãi giữ xe thông minh sẽ cấp một mã khóa, robot tự động đưa xe xuống vị trí tầng hầm trống và lấy xe từ những vị trí phù hợp đúng với mã khóa của chủ xe”. Bãi đậu xe thông minh sẽ giúp các đô thị lớn ở VN giải quyết tình trạng thiếu chỗ để xe khi nhu cầu đi lại bằng ôtô cá nhân tăng cao.

 

Cần vốn để hoàn thiện các ý tưởng

Đánh giá về 16 robot tham gia triển lãm công nghệ năm nay, GS.TSKH Nguyễn Thiện Phúc - chủ tịch Hội Khoa học công nghệ robot VN - nhận xét: “Hầu hết robot đều rất độc đáo, có khả năng ứng dụng vào cuộc sống. SV hiện nay không những có tư duy sáng tạo, tiếp cận rất nhanh với khoa học công nghệ mà còn biết gắn ý tưởng với cuộc sống. Song muốn để những robot phát triển, có tính hoàn thiện và chuyên nghiệp cần có sự hỗ trợ về nguồn vốn, trang thiết bị cho SV từ nhà trường và các đơn vị có liên quan”.

 

Theo: TTO
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 10.075.080
Truy cập hiện tại 583