I. Vấn đề hàm lượng khoa học trong sản phẩm
Thực tế hiện nay là hàm lượng khoa học trong các sản phẩm của Việt Nam còn rất thấp. Điều này dẫn đến khả năng cạnh tranh và giá trị lợi nhuận không cao. Thực trạng này cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chú trọng phát triển theo chiều rộng (mở rộng quy mô sản xuất) mà chưa quan tâm nhiều đến phát triển theo chiều sâu (đầu tư vào chất lượng sản phẩm). Để khắc phục tình trạng này, xin đề xuất:
1. Nâng cao năng lực nghiên cứu của các Trường Đại học và các Viện nghiên cứu trọng điểm
Để làm được việc này, trước hết cần tăng cường năng lực nghiên cứu theo hướng hiệu quả, không đầu tư dàn trải theo chủ nghĩa bình quân, dẫn đến thực trạng là không một cơ sở nào đủ mạnh, đủ khả năng để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Chúng ta phải đầu tư cho những Trường đại học và Viện nghiên cứu hàng đầu như Đại học Bách Khoa, ĐH Quốc gia, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Đại học kinh tế Quốc dân, Kinh tế TP. HCM. Theo đó, tạo cơ chế trả lương và môi trường làm việc đặc biệt cho những cơ sở này. Đi kèm theo quyền lợi là những sản phẩm các cơ sở này phải tạo ra theo các đơn đặt hàng của Nhà nước và Doanh nghiệp. Những cơ sở này phải là chỗ dựa vững chắc cho Doanh nghiệp trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh để doanh nghiệp không còn đơn độc trong thời cuộc hội nhập sâu rộng như hiện nay.
2. Khuyến khích, tạo cơ chế để doanh nghiệp áp dụng khoa học công nghệ
Hiện nay chúng ta đã có chính sách để doanh nghiệp sử dụng 10% lợi nhuận cho nghiên cứu khoa học. Nhưng, chúng ta chưa có những khuyến khích, chế tài cho chính sách này. Trước hết, Nhà nước cần hỗ trở để doanh nghiệp Nhà nước đi tiên phong trong việc sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư thông qua nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ. Khi các doanh nghiệp Nhà nước thành công sẽ tạo động lực cho các loại hình doanh nghiệp khác.
3. Nhà nước phải là cầu nối giữa nhà khoa học và doanh nghiệp
Các hội chợ khoa học công nghệ nên được tổ chức thường xuyên theo hướng thiết thực, hiệu quả. Ở đó, không chỉ là nhìn, xem và ký kết thỏa thuận trên giấy tờ mà phải đưa những sáng kiến, sản phẩm khoa học vào nhanh với doanh nghiệp thông qua nguồn vốn hỗ trợ, hoặc cơ chế ưu đãi của Nhà nước. Thông qua các hội chợ, phải làm cho được những mô hình chuyển giao giữa nhà khoa học và doanh nghiệp thật hiệu quả, để làm điển hình, nhân rộng và tạo niềm tin cho nhà khoa học và nhà doanh nghiệp
II. Tập trung phát triển kinh tế biển, đưa kinh tế biển nước ta thành ngành kinh tế số một, mà lợi nhuận thu được từ biển phải ở hàng đầu khu vực Đông Nam Á; đề xuất:
1. Trả lại nét đẹp tự nhiên của biển cả
Hiện nay, chúng ta đang khai thác du lịch biển một cách ồ ạt, thiếu quy hoạch và tầm nhìn. Điều này thể hiện qua hình ảnh các công trình xây dựng trên các bãi biển, các đảo tự nhiên và thậm chí trên cả mặt nước. Việc làm này ảnh hưởng rất lớn đến cảnh quan, hệ sinh thái tự nhiên của biển cả. Khách du lịch nước ngoài hầu hết muốn tìm đến những nơi còn hoang vu và còn nét đẹp của tự nhiên. Do vậy, để thu hút khách du lịch đến với chúng ta ngày càng nhiều (nhiều người và nhiều lần) chúng ta phải làm ngay việc quy hoạch bờ biển, đảo và vùng nước biển phục vụ du lịch một cách bài bản, có tầm nhìn xa.
2. Khai thác có hiệu quả nguồn lợi thủy sản từ biển
Chúng ta có một vùng biển rộng lớn trong vùng khí hậu thuận lợi cho nhiều nguồn lợi biển sinh sống. Tuy nhiên, các sản phẩm từ các nguồn lợi này hiện nay còn rất đơn điệu, có giá trị thấp. Cụ thể, chúng ta mới chỉ tập trung vào những nguồn lợi, như: cá, tôm, mực,... (khai thác hoặc nuôi trồng). Nguồn nguyên liệu này được chế biến sơ bộ hoặc bán thô, nên giá trị không cao. Bộ NN & Phát triển NT, Bộ KH&CN cần nhanh chóng đưa các công nghệ tiên tiến vào ứng dụng để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải đầu tư công nghệ mới để sản xuất các sản phẩm cao cấp từ biển như mỹ phẩm và dược phẩm, trước hết hãy tập trung vào những sản phẩm mà chúng ta đang phải nhập từ nước ngoài với giá đắt. Điều này chúng ta hoàn toàn có thể làm được, nên cần nghiên cứu và thực hiện sớm.
III. Xây dựng văn hóa, con người Việt Nam thực sự văn minh, thân thiện, khát khao công hiến, đề xuất:
1. Hãy xây dựng văn hóa bắt đầu từ những việc làm nhỏ
Chúng ta không cần phải “đao to, búa lớn” mà hãy bắt đầu tạo nét đẹp văn hóa cho người Việt bằng những việc làm nhỏ, như: hãy tập và làm cho bằng được việc xếp hàng khi mua sắm, hay giải quyết công việc. Văn hóa xếp hàng không những tạo nên nép đẹp trong mắt bạn bè quốc tế mà thực sự còn tạo ra hiệu quả kinh tế (vì tiết kiệm được thời gian của nhiều người). Hãy bắt đầu bằng việc giáo dục mọi người không vứt rác bừa bãi nơi công cộng, đó là việc làm đáng xấu hổ, hoặc bắt đầu bằng giáo dục cho người trẻ không nói bậy, văng tục,... Tóm lại, chúng ta cần bớt đưa ra chiến lược, chính sách to tát mà hãy bằng những việc làm nhỏ, cụ thể trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày.
2. Giúp người trẻ có khát vọng cống hiến, phát triển
Tuổi trẻ luôn khát khao cống hiến và “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”. Nhưng hãy nhìn vào thực trạng hiện nay, những người trẻ, thế hệ tương lai của đất nước chúng ta đang như thế nào? Bên cạnh những cá nhân giàu nghị lực vươn lên, thì không ít các bạn trẻ sống vật vờ, thiếu khát vọng, sống ích kỷ và quá đơn giản; sống quá nhiều trong thế giới ảo, dành thời gian cho cà phê, bia rượu hơn cho việc học. Hãy nói cho các bạn trẻ biết rằng đất nước chúng ta còn rất nghèo, rất khó khăn mà nghèo là một “nỗi nhục” và cần phải vươn lên, chung tay góp sức đưa đất nước ta thành hùng cường, giàu mạnh.
3. Việc phát triển nguồn nhân lực trẻ tài năng quốc gia. Tài năng trẻ phải được tìm kiếm từ các bản làng đến trung ương
Công tác tìm kiếm và phát hiện tài năng trẻ cần được thực hiện từ các làng bản đến Trung ương một cách đồng bộ. Cần có một kênh thông tin về tài năng trẻ từ cấp quận, huyện trở lên để thường xuyên cập nhật vào danh sách, tạo một “ngân hàng” tài năng trẻ trên các lĩnh vực khác nhau: Nhà khoa học, nhà nông, nhà sản xuất, học sinh – sinh viên,... “Ngân hàng” này cần xây dựng một cách khoa học, ở đó có thông tin chi tiết về những tài năng trẻ. Đây là sẽ nguồn tài liệu tra cứu để có những chính sách phù hợp cho công tác bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng một cách hiệu quả.
4. Cần có nhiều giải thưởng và hình thức tuyên dương đối với tài năng trẻ là nông dân
Hiện nay chúng ta đã có những giải thưởng và tuyên dương cho tài năng trẻ là nông dân như giải thưởng “Lương Đình Của”, nhưng chưa phát huy được nhiều. Người trẻ là lực lượng lao động quan trọng, nhưng thực tế cho thấy, số lượng đoàn viên – thanh niên tham gia lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng giảm. Nên cần có nhiều hơn nữa những giải thưởng, sáng kiến, đóng góp của người trẻ trong lĩnh vực nông nghiệp. Những giải thưởng này, sau đó phải gắn với quyền lợi của họ như hỗ trợ vay vốn, để khuyến khích ngày càng có nhiều tài năng trẻ giỏi nghề nông và giàu nhiệt huyết đóng góp cho sự phát triển của ngành nông nghiệp và xây dựng thành công nông thôn mới.
5. Tài năng trẻ Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới là người một nhà
Đội ngũ người trẻ ở nước ngoài hiện nay là một lực lượng lớn và có chất lượng. Do vậy, công tác tập hợp và kết nối cần phải có những hành động cụ thể để tập trung họ lại, để họ có cơ hội giao lưu và làm việc cùng nhau. Hãy tạo một kênh kết nối giữa sinh viên giỏi trong nước với các bạn du học sinh VN ở các nước trên thế giới.
6. Thành lập và vận hành hiệu quả các câu lạc bộ tài năng trẻ
Các cấp bộ Đoàn cần thành lập các câu lạc bộ tài năng trẻ ở tất cả các lĩnh vực. Việc “sinh” ra các câu lạc bộ không khó nhưng “nuôi” những câu lạc bộ này là một công việc mà chúng ta cần nhận thức là rất khó khăn. Để làm được việc này các cấp bộ Đoàn cần là cầu nối giữa các thành viên câu lạc bộ với các nhà khoa học, nhà đào tạo và nhà doanh nghiệp để đào tạo nâng cao kỹ năng cần thiết; tạo nhiều công ăn việc làm, nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn cần huy động được nguồn vốn xã hội hóa để hỗ trợ cho những mô hình hay, ý tưởng khởi nghiệp tốt, hoặc tìm các doanh nhân thành đạt bảo trợ các ý tưởng khởi nghiệp có tiềm năng.
7. Tạo điều kiện để tài năng trẻ cống hiến cho xã hội nhiều hơn nữa
Chúng ta có một đội ngũ tài năng trẻ rất lớn. Nhưng những đóng góp của họ cho các hoạt động cộng đồng ở những địa bàn khó khăn chưa nhiều. Do vậy, các cấp bộ Đoàn cần tổ chức nhiều hoạt động hơn nữa để cho họ cống hiến cho xã hội. Ví dụ, tổ chức cho các nhà khoa học trẻ, viên chức giỏi tham gia tập huấn, dạy nghề cho người dân ở các địa phương khó khăn; tiếp tục có chính sách hỗ trợ, động viên, tuyên dương các tài năng trẻ đến với những vùng khó khăn để làm việc (ví dụ tạo một phong trào xung kích: “tài năng trẻ - những vùng kinh tế khó khăn đang các bạn”). Bằng mọi cách chúng ta phải tạo ra cho bằng được một vài mô hình cống hiến của tài năng trẻ hiệu quả trong phát triển kinh tế xã hội ở các vùng khó khăn. Nhìn vào những mô hình thành công, sẽ là nguồn động viên lớn cho các thế hệ tài năng tiếp tục đóng góp.