Anh là Huỳnh Văn Toàn- tổng trưởng Tổng đoàn Sao Bắc Đẩu, trưởng khoa kỹ năng huấn luyện Trường Đoàn Lý Tự Trọng (TP.HCM). Nhắc đến tuổi tác của anh, ai cũng lấy làm ngạc nhiên - ngoài 40 vẫn “ham chơi” với lứa tuổi thanh thiếu niên TP. Đông đảo bạn trẻ còn gọi anh bằng những cái tên trìu mến: thầy Toàn, “vua trò chơi”, “người giữ lửa”...
“Tui có lý tưởng của riêng tui”
Chúng tôi có mặt ở căn nhà nhỏ của anh trong con hẻm trên đường Trần Thị Nghĩ (Q.Gò Vấp) vào đúng cái đêm trước ngày diễn ra Đại hội thi đua yêu nước TP.HCM 2005-2010.
Anh không phải là nhân vật mới của Tuổi Trẻ, cuộc hội ngộ ban đầu chỉ với dự định trò chuyện dăm câu về suy nghĩ của một điển hình được tuyên dương, rốt cuộc kéo dài đến gần nửa đêm. Ngồi bệt trên nền căn phòng chật chội vừa là phòng ngủ kiêm phòng khách, với tứ bề là sách vở, đồ chơi sinh hoạt trại, anh sôi nổi nói chuyện Đội, chuyện Hội, chuyện Đoàn.
Từ nhỏ đã say mê với những trò chơi sinh hoạt Đội, lớn thêm chút nữa anh bị hút vào công tác Đoàn mà ở đó anh có dịp học hỏi và thể hiện năng khiếu quản trò, tổ chức trại. “Quậy tưng bừng” ở trường phổ thông, rồi ra trường về làm bí thư xã Đoàn An Phú Đông (khi còn thuộc huyện Hóc Môn), ở vai trò nào anh cũng sôi nổi cống hiến sức trẻ và không ngừng vun đắp cho hoài bão của mình - được vào Đảng và được làm “nghề”... công tác Đoàn.
Hôm đảng ủy xã họp xét đơn xin vào Đảng, ngọn lửa tuổi trẻ trong anh đang hừng hực cháy bị giội ngay một gáo nước lạnh. Hỏi lý do chối từ thì được trả lời rằng tuổi anh còn quá nhỏ, chưa đủ năng lực. Anh không phục, vì rằng mình đã 20 tuổi và đã kéo phong trào Đoàn của xã từ chẳng có gì trở thành lá cờ đầu của địa phương.
Gặng hỏi mãi người ta mới “xì” ra lý do thứ hai: ba anh trước giải phóng là lính truyền tin của chế độ cũ, không xét kết nạp Đảng vì anh bị “vướng lý lịch”! “Tức quá, tui tìm gặp ngay ông bí thư đảng ủy xã và nói: “Đi lính là chuyện quá khứ của ba tui. Còn tui? Tui có lý tưởng của riêng tui chứ! Tui muốn vô Đảng, muốn theo Đảng, tui đâu có tội!”. Nhờ quyết liệt như vậy mà chỉ hơn một tháng sau, ngày 21-1-1988 tui được kết nạp Đảng, vinh dự đứng vào hàng ngũ những người cộng sản” - anh kể.
Chữ “nhẫn”...
Trong ngôi nhà nhỏ, tổ ấm của anh, có lẽ ai cũng sẽ nhận ra thứ “giàu có” nhất của gia đình này là những kỷ vật đặc trưng cho mọi miền đất nước mà anh được tặng sau hàng trăm chuyến công tác. Với Toàn, mỗi một kỷ vật đều chất chứa cả câu chuyện buồn, vui. Song, với anh bức thư pháp chữ “nhẫn” là ý nghĩa hơn cả. Từ chốn riêng tư đến nơi làm việc, anh đều treo chữ “nhẫn”.
Toàn bảo rằng chữ “nhẫn” trong mình không đơn giản chỉ là mím môi chấp nhận để cho mọi thứ trôi qua: “Cái nào đúng, Toàn chấp hành nghiêm túc, cái nào chưa đúng sẵn sàng phản biện. Đó mới là con người thực của Toàn trong công việc, trong cuộc sống”. Anh còn cho biết đã nhiều lần thẳng thắn mà không e ngại mất lòng: “Tôi đề nghị xem xét lại điều này vì chỉ đạo không đúng, không phù hợp. Tôi đề nghị hội đồng sư phạm nhà trường (nơi anh giảng dạy - PV) xem xét lại điều tôi quan tâm”.
Thẳng thắn nói những điều mình cho là có lợi, quyết làm những việc mình cho là có ích, vì cái chung... sẽ mang lại “hoa thơm, trái ngọt”. Có thể gọi đây là bí quyết thành công của Toàn trong công việc lẫn cuộc sống suốt hàng chục năm qua.
Là con đầu trong số tám anh em, Huỳnh Văn Toàn ước mơ sẽ trở thành thầy giáo, một nghề khó mang lại sự giàu có nhưng là một nghề cao quý. Anh kể mẹ anh mất sớm và lúc sinh thời bà luôn mong ước đàn con đứa nào cũng được học hành đến nơi đến chốn. Vì nhiều lý do, cánh cửa đại học sư phạm vẫn đóng kín với anh suốt tám năm liền. Không bỏ cuộc, Toàn vẫn đeo đuổi ước mơ và sự kỳ vọng của người mẹ đã dành cho mình. Trải qua tổng cộng tám lần thi, Toàn mới bước được đến ngưỡng cửa đại học mà anh luôn mong ước - Đại học Sư phạm, học để làm nghề thầy giáo. Kết quả đó của Toàn cũng nhờ chữ “nhẫn” mà có.
“Hồi đó, ban thường vụ và đích thân anh Tất Thành Cang, bí thư Thành Đoàn, giao cho tôi nhiệm vụ nghĩ ra một sân chơi mới để tập hợp thanh niên, bổ khuyết cho sự chững lại của những hoạt động Đoàn, Hội lúc ấy”- anh kể. “Hồi đó” là giai đoạn 2005-2007, khi một bộ phận thanh niên TP có nhu cầu bứt ra khỏi khuôn viên trường học, nhà máy để tìm những sân chơi mới hấp dẫn hơn, sôi động hơn theo cảm nhận của họ.
“Quán bar, vũ trường, thế giới ảo... có sức hút ghê lắm. Nếu không tự đổi mới thì khác gì tự mình buông súng nhường trận địa, phải làm một cái gì đó để giành lại thanh niên, kéo họ quay về với hoạt động Đoàn, Hội chứ!”. Và “cái gì đó” của anh chính là Sao Bắc Đẩu, từ một câu lạc bộ với vài ngoe sau chưa đầy ba năm ra mắt nay đã phát triển quy mô thành một tổng đoàn với hơn 1.000 thành viên “người trần mắt thịt” tại TP.HCM và hơn 1.000 thành viên khác trên cộng đồng mạng, cả trong và ngoài nước.
Ước mơ cho riêng mình
Con người lúc nào cũng sục sôi, máu lửa trên sân trường, ngoài công viên của Huỳnh Văn Toàn là vậy. Ít ai biết rằng khi về bên tổ ấm của mình, trong anh còn có một Huỳnh Văn Toàn khác, đầy trăn trở.
“Hậu phương” của anh là một cô giáo dạy văn THCS, vốn cũng là một cán bộ Đoàn cùng lứa mê tài năng của anh đến mức giờ hỏi lại: “Anh Toàn có gì hay mà chị mê ảnh dữ vậy?”, chị chỉ cười: “Ai mà biết!”.
Cưới nhau được hai năm, đôi vợ chồng trẻ chào đón đứa con gái trong niềm vui khôn xiết. Chưa hết vui mừng thì hai vợ chồng đã kịp nhận ra điều không may mắn: đến tháng thứ tám con bé vẫn không biết lật như bao đứa trẻ bình thường khác. Rồi nỗi lo lắng của đôi vợ chồng trẻ cứ lớn dần theo tuổi của bé. Một tuổi, hai tuổi, ba tuổi... và đến bây giờ đã 17 năm trôi qua, cô bé Xuân Thảo - đứa con duy nhất của anh chị - vẫn không thể tự đi được bằng đôi chân của mình. Anh Toàn cho biết nguyên nhân được bác sĩ chẩn đoán là do di chứng của bệnh não.
Nhìn những vết mổ dọc ngang trên đôi chân của bé Thảo mới thấy đôi vợ chồng dốc hết sức lực cho đôi chân của con mình. Có bệnh thì vái tứ phương, những bác sĩ giỏi, những chuyên gia đầu ngành vợ chồng anh đều đã tìm đến, nhưng may mắn vẫn chưa chịu mỉm cười với gia đình anh.
Trong sâu thẳm, có lẽ ai cũng sẽ cảm nhận được nỗi đau đớn biết dường nào của đôi vợ chồng khi đứa con duy nhất chưa một lần đi được bằng đôi chân của mình. Đồng lương giáo viên của hai vợ chồng chẳng đáng là bao, phải tiết kiệm lắm mới đủ trang trải sinh hoạt gia đình và dành một ít dôi ra lâu lâu tìm phương chạy chữa cho bé Thảo.
Hỏi chuyện cơm áo gạo tiền, anh không giấu đã phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều với chính mình. Nhiều công ty du lịch, lữ hành mời gọi với những món lương hậu hĩnh, nhìn con tật nguyền rồi nghĩ đến cảnh mình đuối sức, đã có lúc trách nhiệm của người đàn ông trong gia đình giằng xé anh dữ dội. Nhưng vì lý tưởng đã chọn, anh đều lắc đầu.
Người vợ hiền thương anh, hiểu lý tưởng của anh nên luôn ủng hộ chồng. Kể với chúng tôi những điều này, anh bộc bạch: “Giá mà có một thực tế nào đó nói với tui rằng “anh Toàn ơi, con anh có khả năng đi được”! Nếu có ai hỏi rằng tui có ước mơ nào lớn hơn không, chắc chắn tui sẽ bảo là không”.
"Quán bar, vũ trường, thế giới ảo... có sức hút ghê lắm. Nên Đoàn, Hội phải tự đổi mới để giành lại thanh niên" HUỲNH VĂN TOÀN
Cái duyên với nghề
Tốt nghiệp đại học sư phạm ngành ngữ văn nhưng như anh tự thú là chỉ dạy vài tiết phụ đạo chứ chưa đứng lớp chính khóa để dạy văn tiết nào, thời gian hầu như được anh dành trọn cho công tác thanh niên.
Ở anh, nghề sư phạm với “nghề” công tác Đoàn quyện nhau làm một. Hết làm tổng phụ trách Đội của Trường THPT Quang Trung (Q.Gò Vấp) lại về làm cán bộ Trường Đội, rồi khi Trường Đội giải thể để sáp nhập vào Trường Đoàn Lý Tự Trọng thì “nghề” của anh đã đạt trình độ bậc thầy. Và cái duyên với “nghề” đã trao vào tay anh sứ mệnh là người sáng lập Tổng đoàn Sao Bắc Đẩu.
Một số hình ảnh của Thủ lĩnh Sao bắc đẩu