Anh Lê Tấn Lộc, Bí thư chi Đoàn trường cho biết: “Thời gian các em ở trường rất nhiều, trường học giống như ngôi nhà thứ hai của các em. Vì vậy, nhà trường phải nghiên cứu để tạo ra môi trường học đường thật tốt để các em cảm thấy thích thú mỗi khi đến trường. TCDG giúp cho các em gần gũi nhau hơn, đây chính là giải pháp nhằm chống bạo lực học đường một cách hiệu quả nhất”.
Mặc dù sân trường không rộng lắm nhưng Ban giám hiệu nhà trường đã tận dụng tối đa mọi khoảng trống để thiết kế các TCDG phù hợp với từng khu vực nhằm phục vụ HS. Chẳng hạn ở khu vực có diện tích tương đối rộng thì dành cho các trò chơi như nhảy lò cò, ném còn, kéo co, bịt mắt bắt dê. Còn những chỗ hẹp hoặc dọc theo các hành lang thì dành cho những trò chơi như ô ăn quan, cờ tướng, cờ vua...
Vừa đến giờ ra chơi, HS ở các lớp hăm hở túa ra sân trường, hành lang để tham gia các trò chơi mà mình yêu thích. HS nam thì thích những trò như: kéo co, cờ tướng, cờ vua, ném còn. Còn những bạn nữ thường chơi những trò ô ăn quan, nhảy dây, bịt mắt bắt dê... Không những chỉ có các em chơi với nhau mà các thầy cô giáo cũng tham gia chơi với các em, làm cho tình cảm giữa thầy và trò càng gần gũi hơn.
|
“TCDG giúp cho các em gần gũi nhau hơn, đây chính là giải pháp nhằm chống bạo lực học đường một cách hiệu quả nhất”.
Anh Lê Tấn Lộc (Bí thư Chi Đoàn trường)
|
|
|
Từ khi được nhà trường phổ biến các TCDG, giờ ra chơi của các em trở nên vui nhộn và không còn đơn điệu như trước. Trần Bảo Trân (HS lớp 5/4), cho biết: “Trước đây, vào giờ ra chơi, mạnh ai làm việc riêng của người ấy hoặc ngồi tụm ba tụm bảy nói chuyện cho hết giờ. Nhưng từ khi nhà trường xây dựng các TCDG thì giờ ra chơi của bọn em trở nên vui nhộn hẳn lên, qua đó giúp các em có cơ hội giao lưu với các bạn trong trường nhiều hơn”. Không những chơi ở lớp, các em còn mang những trò chơi được học ở trường về phổ biến cho các bạn trong xóm cùng chơi. Bạn Nguyễn Kim Hồng Ngọc (HS lớp 2/1) kể: “Vào những ngày chủ nhật em thường rủ các bạn trong xóm cùng chơi trò nhảy lò cò. Ban đầu các bạn chưa biết chơi nên không thích, nhưng được em hướng dẫn một vài lần bây giờ ai cũng mê trò chơi này”.
Việc nhà trường đưa TCDG vào trường học không những tạo niềm vui cho các HS mà phụ huynh cũng đồng tình, ủng hộ. Phụ huynh của em Nguyễn Thị Yến Thi (HS lớp 4/1) cho biết: “TCDG là một hình thức phản ánh phong tục, tập quán của người Việt từ ngày xưa. Nhưng hiện nay, đặc biệt là ở các thành phố lớn, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, HS đang bị lôi cuốn với những trò chơi trên máy vi tính, trên mạng khiến các em mất dần khái niệm về TCDG, vì vậy việc đưa TCDG vào trường học là một việc làm rất có ý nghĩa và vô cùng bổ ích cho các em”.
Không chỉ phổ biến và dạy các em biết cách chơi TCDG, nhà trường còn có những giáo viên chuyên trách để dạy HS biết kết hợp những bài đồng dao, hò vè với từng trò chơi cụ thể nhằm rèn luyện cho các em có được kỹ năng đọc diễn cảm, linh hoạt, thể hiện cảm xúc. Vì thế, nhiều em trong lớp ban đầu còn nhút nhát nhưng khi tham gia vào trò chơi các em đã trở nên dạn dĩ, nhanh chóng hòa nhập với tập thể.
Bà Vương Thị Ngọc Anh - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường đã thành lập một CLB dân ca và giao cho 2 giáo viên phụ trách nhằm sưu tầm các bài dân ca, hò vè để dạy cho HS; giúp các em biết vận dụng, lồng ghép những bài hò vè trong khi chơi TCDG một cách nhịp nhàng”.