Chiến dịch “ăn chay vì môi trường” do bạn Đỗ Thị Thu Trang, sinh viên cao học thuộc chương trình cao học quốc tế Huế - Okayama, chuyên ngành khoa học môi trường, chủ nhiệm Câu lạc bộ GREACT Huế - câu lạc bộ hoạt động chính về lĩnh vực môi trường khởi xướng và chỉ huy đã đồng loạt diễn ra khắp nơi Bắc-Trung-Nam từ ngày 6 đến 10/10/2010 đã có hàng ngàn bạn trẻ tham gia.
Tại Huế, với chủ đề “ăn chay, sống xanh, cứu trái đất” đã được sự ủng hộ của rất nhiều giới và đặc biệt được sự hỗ trợ của Ban Trị sự và Ban Điều hành Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, chiến dịch đã được các bạn triển khai tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, số 15A, Lê Lợi, Huế vào ngày 10/10 với số lượng hơn 300 thanh niên, sinh viên và học sinh đăng ký ăn chay và sinh hoạt vì môi trường.
Trung tâm VHPG Liễu Quán, điểm triển khai chiến dịch tại Huế
Bạn Đỗ Thu Trang cho biết, ý tưởng để có chiến dịch “ăn chay vì môi trường” xuất phát từ suy nghĩ về mỗi liên hệ giữa ăn chay và môi trường. Bởi trong tất cả các ý nghĩa của việc ăn chay bao hàm hơn hết vẫn là tôn trọng sự sống, mà sự sống là điều tiên quyết của trái đất, bảo vệ sự sống là bảo vệ môi sinh môi trường. Bạn Trang cũng cho biết từ dự đoán của các nhà khoa học với tốc độ băng ở Bắc cực tan chảy nhanh chóng như hiện nay thì tới mùa hè năm 2012 sẽ không còn băng ở Bắc cực nữa. Nguyên nhân là sự nóng lên toàn cầu, trong đó ngành chăn nuôi là một nguồn phát thải khí nhà kính rất lớn, phá rừng để dành đất trồng trọt các thức ăn cho gia súc, các gia súc thuộc loài nhai lại còn phát ra khí mêtan qua việc tiêu hóa trong ruột của chúng và phân súc vật nếu không được ủ kín sẽ cho thoát mêtan (là loại khí mạnh gấp 21 lần CO2) và oxit nitrơ (mạnh gấp 296 lần khí CO2) ra không trung. Khí CO2 phát thải từ ngành chăn nuôi nhiều hơn so với tất cả khói xe, tàu, máy bay trên toàn thế giới này thải ra. Vì ngành chăn nuôi là một nguồn phát tán khí thải nhà kính quan trọng cho nên giảm lượng thịt tiêu thụ trong các bữa ăn là một biện pháp hữu hiệu. Do đó chiến dịch “ăn chay vì môi trường” là một chiến dịch mang ý nghĩa rất thiết thực để bảo vệ hành tinh của chúng ta.
GS. Thái Kim Lan và bạn Đỗ Thị Thu Trang nói chuyện về ăn chay
Để có định hướng đúng, các bạn thanh niên đã được nghe GS.TS Thái Kim Lan nói về ý nghĩa ăn chay. Theo GS. TS Thái Kim Lan, ăn chay là một truyền thống của Á Đông, nhưng hiện nay vấn đề ăn chay cũng đã phát triển rất mạnh ở các nước phương Tây, cụ thể là các nước ở châu Âu, bởi người ta quan niệm ăn chay là một nếp sống văn minh, ăn chay sẽ nâng phẩm chất của đời sống lên rất cao, vấn đề này rất phù hợp với truyền thống ăn chay của Phật giáo là phát triển tình thương yêu muôn loài, tôn trọng sự sống của hết thảy các loài động vật…
Riêng về vấn đề “ăn chay vì môi trường” đã khơi dậy một ý thức tập thể ngay trong bản thân của mỗi chúng ta, vì chúng ta sẽ ý thức được rằng, khi chúng ta cần có sức khỏe thì mọi người cũng cần có sức khỏe và do đó vấn đề môi sinh môi trường là vấn đề của tập thể nhưng được phát khởi từ tâm tư của mỗi cá nhân, việc ăn chay vì môi trường cũng phải được hiểu trong ý nghĩa liên hệ hữu cơ duyên khởi đó. Vì khi ăn mặn, chúng ta lạm dụng đến việc sát sinh quá nhiều, trong những bữa ăn của hầu hết các gia đình đều có quá nhiều thịt cá đã dẫn đến một việc là phá sản môi sinh môi trường tạo ra một sự mất cân bằng sinh thái. Do đó, vấn đề ăn chay, và nhất là chiến dịch “ăn chay vì môi trường” nầy phải được hiểu trong mối liên hệ chung, vì lợi ích chung, vì sức khỏe của toàn nhân loại trên thế giới chứ không phải của một cá nhân, một quốc gia nào.
Đông đảo bạn trẻ tham gia ăn chay
Các bạn trẻ cũng cần hiểu, ăn chay sẽ tạo ra sức khỏe cho chính bản thân mình và an lành cho toàn xã hội, sức khỏe đó rất có lợi cho môi trường, bởi sức khỏe của mỗi con người chính là hệ quả tất yểu của vấn đề môi trường. Nói theo Phật giáo thì là đạo tràng, nơi mình sống và tu tập, đạo tràng tốt thì đời sống tu tập ngày càng sáng lên. Cũng vậy, môi trường sống tốt, trong lành thì sức khỏe của mỗi con người sống trong môi trường đó cũng được tăng lên.
Khi ăn chay chúng ta ý thức được tại sao phải ăn chay, ý thức được các món ăn có từ đâu, hạt gạo có từ đâu, miếng đậu hủ có từ đâu…do ai làm ra và sản xuất như thế nào để đừng gây độc hại đến sức khỏe cũng như đời sống của con người, cũng như khi chúng ta ăn một ngọn rau xanh chúng ta phải biết được ngọn rau xanh đó nó được trồng như thế nào, có bơm thuốc chống trừ sâu, hay kích thích hay không…để có thái độ với người trồng rau xanh đó khiến họ ý thức được vấn đề “rau sạch” và vấn đề bảo vệ môi sinh môi trường.
một em bé cũng hào hứng tham gia
Một việc nữa trong vấn đề “ăn chay vì môi trường, ăn chay cứu trái đất” là cần ý thức được vấn đề “ăn chay thật và ăn chay giả”. Bởi trong vấn đề ăn chay thật, có nghĩa là rất thuần tự nhiên, các món ăn được chế biến từ các loại rau củ quả…chứ không phải từ các hóa chất, từ các chế biến công nghiệp giả thịt giả cá…vì khi ăn chay mà có các món ăn giả thịt giả cá thì trong tâm ý của người ăn đã không có ý thức bảo vệ môi sinh môi trừng, và nhất là nó không đem lại sức khỏe tốt cho bản thân và xã hội. Ngược lại, khi “ăn chay thật” có nghĩa là chúng ta biết được trái bí nó có tinh khiết hay không, ngọn rau có tinh khiết hay không từ đó đem đến một sự tinh khiết chung cho môi sinh môi trường mà chúng ta đang sống.
Hiểu được ý nghĩa ăn chay đầy đủ như thế thì chiến dịch “ăn chay vì môi trường” của các bạn trẻ mới trở thành một chiến dịch tốt, một phong trào tốt để cùng chung tay chống lại biến đổi khí hậu. Đồng thời có tính thúc đẩy rất cao sự tham gia của nhiều bạn trẻ vào chiến dịch bảo vệ môi trường. Khi đó, chiến dịch “ăn chay vì môi trường” sẽ mang ý nghĩa thực tiễn sâu sắc hớn không chỉ giúp thanh niên hiểu mà còn có những hành động thực tiễn, tôn trọng sự sống, bảo vệ môi trường, góp phần tạo nên hình ảnh đẹp của thanh niên Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên bản đồ môi trường thế giới.