Năm 18 tuổi, Trần Sông Lam rời miền quê nghèo ở xã Nghi Lâm (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) vào Huế ôn thi ngành Mỹ thuật. Và để trở thành một sinh viên hệ chính quy của trường ĐH Nghệ thuật như hôm nay, Lam đã chọn đi con đường vòng nhưng chắc chắn cho mình. “Lúc đó, để thi đỗ vào trường ĐH Nghệ thuật rất khó nên mình đã chọn thi vào trường Trung học Văn hóa nghệ thuật. Bởi mình đã từng đọc đâu đó một câu: nếu lý tưởng của bạn cao quá không thực hiện được thì thôi hãy ngó sang những ngọn đồi bên cạnh, chia đoạn đường ra thành từng chặng nhỏ và từ từ thực hiện chúng”, Lam tâm sự.
Chính sự lựa chọn ấy đã giúp Lam tích lũy được một nền tảng kiến thức nghệ thuật chắc chắn hơn. Năm 2007, Lam thi đỗ vào khoa Hội họa, chính thức trở thành sinh viên của trường ĐH Nghệ thuật Huế. "Hiện tại, có rất nhiều học sinh và phụ huynh quan niệm rằng chỉ có vào đại học mới thực hiện được ước mơ. Điều đó Lam không phủ nhận. Song thực tế có rất nhiều học sinh sau khi trượt đại học lại trở nên chán nản, bỏ bê tất cả những gì mà mình đã cố gắng 12 năm qua. Theo Lam, để thực hiện được ước mơ, không chỉ có niềm tin mà cần phải lựa chọn con đường đi phù hợp với sức mình.
Nỗ lực học tập và sự tích cực sáng tác ngoài giờ đã đem lại cho Lam những kết quả đáng kể. Năm 2008, tại Triển lãm mỹ thuật sinh viên toàn quốc do Bộ VH-TT-DL tổ chức tại Hạ Long (Quảng Ninh), Lam đã giành huy chương bạc với tác phẩm Vết thời gian. Đó cũng là giải thưởng đầu tay sau những cố gắng không mệt mỏi của chàng trai mang tên một dòng sông của xứ Nghệ. “Vết thời gian, đó là những nét phác thảo về những khoảnh khắc của chính cuộc sống quá khứ, hiện tại của Lam và của mọi người. Trong cuộc sống hối hả ấy, không chỉ mọi người mà ngay cả Lam, tất cả đang xao lãng nhiều thứ, trong đó có vấn đề môi trường. Mọi người đã quên đi hoặc không chú ý đến những sinh hoạt hằng ngày của mình đã ảnh hưởng như thế nào đến môi trường”, Lam chia sẻ.
Sau thành công của Vết thời gian, Trần Sông Lam tiếp tục thành công ở nhiều triển lãm khác như Triển lãm tranh sơn dầu của Hội Mỹ thuật VN tổ chức với tác phẩm Thời gian; giải ba tại Triển lãm tranh sinh viên nhân ngày Học sinh - Sinh viên năm 2009; giải khuyến khích tại Triển lãm tranh lực lượng vũ trang chiến tranh cách mạng toàn quốc do Cục Chính trị Bộ Quốc phòng tổ chức với tác phẩm Nỗi đau dioxin.
|
Tôi đã chia đoạn đường ra thành từng chặng nhỏ và từ từ thực hiện chúng
|
|
Trần Sông Lam
|
Không chỉ thành công ở các triển lãm, Lam còn gặt hái được nhiều thành công trên lĩnh vực nghiên cứu. Đề tài nghiên cứu khoa học Ngôn ngữ tạo hình trong tranh dân gian làng Sình đã đem về cho Lam giải nhì giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học do Bộ GD-ĐT trao tặng. Đề tài có gần 100 trang văn bản và khá nhiều tranh dân gian mà Lam đã dày công sưu tầm. Từ đề tài này, Lam đã phóng tác thành bộ tranh mới gồm 9 bản khắc do nghệ nhân Kỳ Hữu Phước hỗ trợ in khắc. Từ các bản in này, đã có 4 bản khắc tranh làng Sình mới của Lam được chọn trưng bày tại Festival nghề truyền thống Huế 2009. "Qua đề tài này, Lam không chỉ muốn được hiểu rõ hơn một dòng tranh dân gian rất đặc biệt của đất thần kinh trong việc thờ cúng, hơn thế, từ việc nghiên cứu này, cùng với các nghệ nhân làng Sình, Lam hy vọng mình sẽ góp một phần rất nhỏ vào việc giới thiệu đến khách du lịch về dòng tranh này để tranh làng Sình không bị mai một theo thời gian", Lam cho biết.
Sông Lam mong ước sau này ra trường sẽ sống được với nghề đã chọn. "Được vẽ, được tham gia những hoạt động mỹ thuật và được học hỏi thêm về mỹ thuật để nâng cao tay nghề đó chính là niềm mong mỏi của Lam", Lam chia sẻ. Trước mắt, chàng trai 28 tuổi này vẫn còn nhiều thời gian và cơ hội để thực hiện niềm đam mê hội họa của mình, niềm đam mê mà Lam khẳng định sẽ không bao giờ tắt cho dù cuộc sống có đổi thay thế nào.
(Minh Phương-TNO)