Theo võ sư Sơn, đoàn lân ra đời vào năm 1937 do cụ thân sinh Hồ Văn Nghi, tự là Thái Nghi, khởi xướng và làm thủ lĩnh. Là người kế nghiệp đoàn lân, võ sư Thái Sơn được cha truyền lại những tuyệt chiêu của lân Huế. Sau một thời gian tạm lắng, năm 1992, nhân Festival văn hóa Việt - Pháp được tổ chức tại Huế, đội lân của Thái Nghi Đường được mời biểu diễn chào mừng tại Đại Nội Huế.
Tuy có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng võ sư Sơn cho rằng lân Huế mang một sắc thái đặc trưng không hề bị pha tạp. “Lân Huế thường biểu diễn thấp, tấn bộ khoan thai, đĩnh đạc mang cốt cách sang trọng và quyền uy của bậc vương triều. Tiết tấu trống cũng mang âm sắc cung đình, âm không vang xa mà nén lại dồn thúc một cách oai hùng”.
Ngày xưa, đoàn múa lân phân biệt dựa trên màu lông lợp trên cặp lông mày của con lân và thường được phân thành 3 đẳng cấp: râu trắng trên 25 năm, râu đỏ trên 10 năm và râu đen trên 5 năm. Tùy thuộc vào đẳng cấp của mình mà các đoàn làm đầu lân theo màu tương xứng. Ngày nay, về cơ bản đầu lân ở Huế vẫn giữ được nguyên tắc này.
|
Sư tử nhào lộn. Ảnh: Văn Nguyễn. |
Theo cụ Hồ Văn Nghi, dưới thời vua Bảo Đại, đoàn lân Thái Nghi Đường thường được triều đình mời vào cung biểu diễn trong các ngày lễ như lễ mừng thọ vua, mừng thọ thái hậu, đón tiếp sứ thần các nước… Do biểu trưng cho vương triều nên mỗi lần biểu diễn, lân Thái Nghi Đường thường có một con màu vàng tượng trưng cho vua và một con màu xanh tượng trưng cho thái bình, thịnh trị. Do múa đẹp, làm hài lòng vua nên đoàn lân thường được thưởng tiền, vật phẩm. Sau đó, múa lân không chỉ xuất hiện trong cung đình mà còn được phổ biến trong dân gian và được đông đảo công chúng, đặc biệt là trẻ em thích thú đón nhận.
Ngày nay, Thái Nghi Đường chuyên phục vụ lễ hội lớn, các dịp Festival Huế và cả những buổi biểu diễn trên đường phố, phục vụ trẻ em nghèo… Tiếng lành đồn xa, liên tiếp tại các kỳ Festival lân rồng châu Á được tổ chức tại Nhật Bản vào các năm 2000, 2002, 2004, ban tổ chức nước bạn đều mời đoàn lân của Thái Nghi Đường tham gia và gặt hái được nhiều thành công trên đấu trường lân quốc tế.
Một bài lân của Thái Nghi Đường thường có 7 trường đoạn: thần lân xuất động, bát bộ liên hoa, phục lan, lân linh chi, lân tranh châu, lân ký kiều, và lân hồi sơn. Lối lân uyển chuyển, lúc cương lúc nhu, lúc khoan thai đĩnh đạc, lúc mạnh mẽ hùng cường nhưng lại không kém phần sang trọng. Điều này cũng làm cho lân Thái Nghi Đường nói riêng và lân Huế nói chung khác xa so với lân Trung Quốc thiên về võ thuật hay lân Nhật Bản thiên về lối thiền cần đến sự hỗ trợ của đàn, sáo.
|
Các em nhỏ chăm chú theo dõi những điệu lân bắt mắt. Ảnh: Văn Nguyễn. |
Nói về bí quyết nghề, anh Sơn chia sẻ: “Để điệu múa lân đẹp, hấp dẫn, người múa phải biết võ, chí ít cũng phải biết đứng tấn để bộ pháp chững chạc, linh hoạt. Nhưng quan trọng, người chơi không chỉ ở cái tài mà còn cả ở cái tâm. Tài và tâm có hòa hợp thì mới thể hiện được cái hồn của lân”.
Để giúp cho đoàn lân phát triển, Nhà Văn hóa Huế đã giao cho võ sư Hồ Văn Thái Sơn chuyển đoàn lân thành câu lạc bộ lân sư rồng Thái Nghi Đường. Anh Sơn cũng đã đào tạo được đội ngũ gần 60 tay múa trẻ có năng lực và tâm huyết với nghề, vừa luyện điệu lân vừa rèn nết người.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Nhà Văn hóa Huế, nhận xét: “CLB Thái Nghi Đường có rất nhiều đóng góp trong phong trào chơi lân ở Huế, góp phần quảng bá thương hiệu lân Huế đến đông đảo quần chúng trong nước và quốc tế. Huế hiện có gần 30 CLB lân và Thái Nghi Đường đóng vai trò là hạt nhân đào tạo cho lân Huế phát triển bền vững, có bản sắc riêng”.