Sự kiện
01-03/10: Tham dự Quốc khánh nước Đại hàn Dân quốc     *     Thường trực Tỉnh Đoàn làm việc với Trung tâm    *    15/10: Làm việc với JICA     *     30/10: Lễ bàn giao trang thiết bị do KOICA hỗ trợ

 

Tìm kiếm tin tức

Thí sinh cần chủ động tiếp cận thông tin tuyển sinh
Ngày cập nhật 03/03/2020

Theo thông lệ, giai đoạn hiện nay các cơ sở đào tạo thường gặp thí sinh để quảng bá, trao đổi thông tin chuẩn bị cho đợt đăng ký dự thi trung học phổ thông (THPT) Quốc gia và xét tuyển đại học (ĐH). Song, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều kế hoạch tuyển sinh bị thay đổi, đòi hỏi thí sinh chủ động trong việc tiếp cận thông tin.

Thí sinh cần chủ động

Từ đầu tháng 2, các cơ sở giáo dục ĐH tại Huế bắt đầu triển khai quảng bá tuyển sinh trực tuyến. Khác với kế hoạch từ trước, đơn lẻ một hình thức quảng bá trực tuyến là giải pháp “bất đắc dĩ” khi việc tư vấn, quảng bá phải tạm hoãn do học sinh nghỉ học trong bối cảnh dịch COVID-19. ThS. Phan Thanh Tiến, đại diện bộ phận tuyển sinh Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế đánh giá, quảng bá trực tuyến cũng khá hiệu quả, song việc không thể đến các trường để gặp gỡ thí sinh là một bất lợi, bởi không ít trường hợp muốn tương tác, trao đổi trực tiếp.

TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế cho biết, trước tình hình dịch COVID-19, các trường thành viên, khoa trực thuộc ĐH Huế đang đẩy mạnh quảng bá qua website, mạng xã hội, app tuyển sinh, đồng thời gửi đầy đủ thông tin về các trường phổ thông. Tuy nhiên, trong bối học sinh nghỉ học kéo dài, thực sự lo lắng bởi các trường cũng khó khăn trong việc chuyển tải thông tin tuyển sinh đến tất cả học sinh.

Việc kết nối ba bên (trường đại học – trường THPT và học sinh) không dễ. Ông Nguyễn Hướng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Tộ chia sẻ, do học sinh nghỉ học, các trường ĐH liên hệ nhưng chỉ làm việc được với lãnh đạo, giáo viên của trường. Thông tin tuyển sinh các trường ĐH gửi đến thì nhà trường đã giao cho giáo viên chia sẻ đến học sinh, tuy nhiên vấn đề tiếp cận của học sinh mới quan trọng.

Theo các chuyên gia, hiện nay, các thí sinh chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển ĐH thực sự cần chủ động tiếp cận thông tin tuyển sinh bởi đây là giai đoạn các đơn vị tăng cường chuyển tải các thông tin mới về tình hình tuyển sinh năm 2020. Qua mỗi mùa tuyển sinh, có không ít trường hợp chọn sai ngành, nghề dẫn đến trường hợp phải bỏ học giữa chừng, vì vậy nếu không có quá trình theo dõi, nắm kỹ thông tin sẽ dễ dẫn đến các trường hợp nhầm lẫn, lựa chọn sai về ngành nghề.

Đại diện bộ phận tư vấn quảng bá tuyển sinh ĐH Huế cho biết, với tình hình dịch COVID-19, nhiều kế hoạch về tuyển sinh, nhất là các mốc thời gian sẽ có những thay đổi. Ngoài ra, thông tin một số trường chuyển tải vẫn còn là dự thảo và có thể có những cập nhật, điều chỉnh. Nếu thí sinh không chủ động tiếp cận thì sẽ gặp khó khăn trong quá trình chuẩn bị cho kỳ thi lớn sắp tới và cả vấn đề đăng ký xét tuyển.

Thí sinh tìm hiểu thông tin trong mùa tuyển sinh 2019

Chọn lọc kỹ thông tin

Một trong những khó khăn đối với việc tiếp cận thông tin theo hình thức trực tuyến là cần chọn lọc kỹ thông tin. Theo các chuyên gia giáo dục, với số lượng cơ sở đào tạo trong cả nước rất lớn và các đơn vị đều đồng loạt quảng bá thông tin, nếu không biết cách chọn lọc hợp lý dễ rơi vào tình trạng loạn thông tin khiến thí sinh bị rối. “Với mục đích quảng bá, thông tin tuyển sinh các ngành, nghề có thể đều rất hấp dẫn. Vấn đề là thí sinh phải tiếp nhận, lựa chọn thông tin phù hợp về ngành nghề đối với bản thân”, một chuyên gia phân tích.

ThS. Trần Võ Văn May, thường trực bộ phận tư vấn – quảng bá tuyển sinh Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế cho rằng, đáng tiếc là hiện nay kế hoạch cho học sinh trải nghiệm nghề nghiệp và lồng ghép hướng nghiệp chưa thể triển khai được, song thí sinh có thể tận dụng các kênh tư vấn tuyển sinh để trao đổi thông tin. Việc lựa chọn ngành, chọn trường cần dựa vào năng lực và đam mê của bản thân từ đó trao đổi kỹ hơn với những cán bộ tư vấn để có lựa chọn phù hợp nhất, tránh cách chọn đại hay chọn theo mong muốn của gia đình, bạn bè mà bản thân không thực sự yêu thích.

Để mang lại hiệu quả trong tiếp cận thông tin, thí sinh cần lựa chọn các kênh thông tin chính thống, nhất là các phương tiện thông tin đại chúng phổ biến để nắm bắt các thông tin kịp thời và chính xác. Ngoài ra, có thể kiểm chứng lại thông tin cần thiết thông qua các thầy cô, cựu sinh viên…

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 10.026.868
Truy cập hiện tại 6.107