Đồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng, Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn; đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư thường trực TƯ Đoàn dự và chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có đồng chí Hà Thị Nga, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương; A83- Bộ Công an.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cho biết Hội nghị lần này tập trung trao đổi, thảo luận cho ý kiến về 5 nội dung : Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành T.Ư Đoàn khóa X tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI; dự thảo Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành T. Ư Đoàn khóa X; dự thảo Báo cáo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Dự thảo Đề án phân bổ đại biểu Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI; Dự thảo Đề án Ban Chấp hành T.Ư Đoàn khóa XI.
Đồng chí Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nhấn mạnh đây là lần thứ 2, Dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa X được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến. Thảo luận tập trung về các nhóm giải pháp, hệ thống chỉ tiêu và các chương trình, đề án trong nhiệm kỳ 2017 – 2022.
Tại phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo Báo cáo chính trị Ban Chấp hành T.Ư Đoàn khóa X tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, đa số đại biểu đồng tình với tên gọi của dự thảo báo cáo chính trị là “Xây dựng đoàn vững mạnh; giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi; phát huy và chăm lo thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Bên cạnh đó các đại biểu cũng tập trung phân tích những tồn tại hạn chế trong nhiệm kỳ trước; bổ sung, điều chỉnh nội dung chương trình, phong trào, thảo luận về một số chỉ tiêu được đề xuất trong Dự thảo Báo cáo: Chỉ tiêu hỗ trợ thanh niên thoát nghèo, phát triển kinh tế; tỷ lệ đoàn kết tập hợp thanh niên…
Đồng chí Đinh Quốc Hùng, Trưởng ban Thanh niên Quân đội cho rằng trong phần kiểm điểm của báo cáo, cần đi sâu đánh giá công tác tuyên truyền giáo dục của đoàn; hoạt động thanh niên xung kích, tình nguyện trong phát triển kinh tế xã hội chưa đề cập đến như làng thanh niên lập nghiệp, đề án tri thức trẻ tình nguyện, vấn đề biển đảo, hội nhập kinh tế quốc tế của thanh niên.
Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Trị, Đỗ Văn Bình cho rằng: Báo cáo cần đánh giá, phân tích rõ nguyên nhân hạn chế cả khách quan và chủ quan. Đồng chí cũng nêu 03 nguyên nhân khách quan: Nguồn lực đầu tư cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi còn hạn chế, đặc biệt là các thiết chế vui chơi giải trí cho thanh thiếu nhi; chưa có cơ chế, chính sách có tính đặc thù riêng cho cán bộ Đoàn; cấp ủy một số địa phương chưa có sự quan tâm sâu sát đến tổ chức đoàn và công tác thanh niên:
Cũng tại hội nghị, một số ý kiến cho rằng cần làm rõ khái niệm thanh niên chậm tiến, cũng như thay thế bằng cách gọi khác. Đồng chí Phạm Thanh Tùng – Bí thư Tỉnh Đoàn Phú Thọ cho biết: Cần có khái niệm mới thay cho cách gọi chung chung thanh niên chậm tiến để tạo sự tiếp nhận, dễ hiểu tại cấp cơ sở. Không chỉ có những người nghiện ma túy mới là thanh niên chậm tiến mà phải hiểu rộng, rõ hơn đối tượng…
Đồng quan điểm, Bí thư tỉnh Đoàn Đồng Tháp, Nguyễn Văn Vũ Minh đề xuất khái niệm Thanh thiếu niên chậm tiến có thể thay bằng cách gọi thanh thiếu niên có dấu hiệu vi phạm pháp luật và vi phạm pháp luật như Đồng Tháp đang sử dụng. Đồng thời, cần làm rõ khái niệm thanh niên tiến bộ, như có nghề nghiệp, công việc ổn định. Đồng chí cũng đề xuất đưa thêm chương trình tri thức trẻ tham gia điều hành HTX trong nhiệm kỳ tới. “Vấn đề này khó nhưng rất cần, vì hiện nay điều hành trong HTX không có kiến thức dẫn đến giải thể nhiều. Làm tốt điều này sẽ thể hiện rõ vai trò của tổ chức đoàn”.
Bí thư Tỉnh Đoàn Lào Cai, Giàng Quốc Hưng đề nghị cần làm rõ khái niệm và tiêu chí xác định thanh niên chậm tiến để có cách hiểu thống nhất trong việc thiết kế và xây dựng chỉ tiêu này.
Cũng theo Dự thảo báo cáo chính trị đã nêu ra những kết quả thực hiện nghị quyết ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ X (nhiệm kỳ 2012-2017). Năm năm qua, tình hình thanh niên Việt Nam có nhiều biến đổi, hiện nay có gần 24 triệu thanh niên, chiếm 25,6% dân số cả nước. Trong đó, trình độ học vấn của thanh niên được nâng lên, tiếp cận nhanh với KHCN; tỉ lệ thanh niên có trình độ chuyên môn kỹ thuật trong cơ cấu lực lượng lao động tăng nhanh…Tuy nhiên báo cáo cũng chỉ rõ, còn một bộ phận thanh thiếu niên thiếu ý chí tự rèn luyện, tự tu dưỡng, giảm sút niềm tin, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa truyền thống; tình trạng thất nghiệp trong thanh niên gia tăng, tạo áp lực lớn với xã hội; các thế lực thù địch gia tăng các hoạt động lôi kéo, chống phá, chia rẽ thanh niên.
Dự thảo đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi giai đoạn 2017-2022 với mục tiêu đặt ra là nâng cao chất lượng tổ chức, hiệu quả hoạt động Đoàn, thu hút đông đảo thanh thiếu nhi tham gia các tổ chức do Đoàn làm nòng cốt và phụ trách; xây dựng lớp thanh niên thời kỳ mới có “Tâm trong - Trí sáng - Hoài bão lớn”, là lực lượng tiên phong trong học tập, lập nghiệp, khởi nghiệp, lao động sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ hiện đại với khẩu hiệu: “Tiên phong - Gương mẫu - Đoàn kết - Sáng tạo”.