Nhân dịp câu lạc bộ (CLB) tổ chức một giải đấu mở rộng thường niên, Webthethao đã có dịp đến và tìm hiểu phong trào bóng rổ đang "sống" như thế nào ở ngay đất Cố Đô này.
Đại diện cho câu lạc bộ là anh Đỗ Đức Mẫn, chủ nhiệm và cũng là người đã theo sát phong trào bóng rổ ở Huế trong nhiều năm qua. Xuất thân từ mảnh đất Cố Đô, Đỗ Đức Mẫn đã gắn bó với bóng rổ từ những ngày đầu.
Dù từng phải vào thành phố Hồ Chí Minh xa xôi để lập nghiệp, nhưng niềm đam mê bóng rổ cùng ước mong phát triển bóng rổ cho quê nhà đã đưa anh trở lại với thành phố Huế mộng mơ.
Anh Đỗ Đức Mẫn trong một trận đấu của CLB Thanh thiếu nhi tại giải.
Trả lời phỏng vấn của Webthethao, anh Mẫn chia sẻ về quá trình hình thành của câu lạc bộ: "Câu lạc bộ Bóng rổ Thanh thiếu nhi Huế được bắt đầu đi vào hoạt động năm 1997, nhưng đến năm 1999 thì CLB mới chính thức được thành lập, trực thuộc Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi Thành phố Huế.
Từ trước đến nay, đa số các học viên của CLB đều là học sinh, trải dài từ cấp 1, cấp 2 đến cấp 3. CLB hoạt động đến nay đã được 20 năm, giúp hỗ trợ xây dựng cộng đồng người chơi bóng rổ, phát triển bóng rổ học đường, cũng như bóng rổ phong trào ở tỉnh Thừa Thiên - Huế".
Với địa điểm sinh hoạt và tập luyện chính của câu lạc bộ là tại Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi Huế, đây là một khu thể thao tổng hợp bao gồm các bộ môn như bóng rổ, bóng đá, võ thuật... được Tỉnh Đoàn Thừa Thiên - Huế đầu tư và xây dựng.
Bên ngoài khuôn viên Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi Tỉnh Thừa Thiên - Huế.
"Nói về phong trào bóng rổ ở Huế gần đây thì riêng năm 2017-2018, phong trào phát triển rất mạnh. Đặc biệt là trong năm 2017, bóng rổ đã được đưa đến các trường học ở tất cả các cấp trong toàn thành phố.
Hiện nay, CLB cũng đang xây dựng hệ thống dạy và tập bóng rổ về các trường cấp 1, cấp 2. Hy vọng là trong năm 2018-2019, CLB sẽ có thể đến nhiều trường hơn để cố gắng xây dựng bóng rổ trở thành phong trào riêng của các trường học chứ không dừng lại ở việc sinh hoạt tại các CLB nữa.
Các lớp học bóng rổ được tổ chức bởi CLB luôn rất đông các học viên.
Nếu như nói về các hoạt động bóng rổ trong hè thì có thể nói, bóng rổ đang là môn thể thao số 1 tại Huế. Số lượng các em tham gia tập luyện và cả thi đấu đều rất đông, từ cấp độ tiểu học đến sinh viên đại học" - anh Mẫn chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, nếu chỉ tạo điều kiện học và tập luyện cho các em thì sẽ là không đủ. Cần phải có những giải đấu nhằm kiểm tra trình độ, cũng như cho phép các học viên được giao lưu, cọ xát và học hỏi.
Câu lạc bộ hiểu rõ điều này và đã bắt đầu có những giải đấu được tổ chức dành cho tất cả các lứa tuổi trong và ngoài tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Giải bóng rổ Thanh thiếu nhi tỉnh Thừa Thiên - Huế mở rộng vừa được tổ chức với sự tham gia của rất nhiều tỉnh bên ngoài chủ nhà Huế.
Anh Mẫn nói thêm về điều này: "Để kích thích thêm sự phát triển về phong trào, ngoài việc sinh hoạt và dạy bóng rổ cho các em nhỏ, CLB có tổ chức thêm một số giải đấu hằng năm để tạo sân chơi cho các đơn vị, cũng như các đội bóng có cơ hội giao lưu và cọ xát. Giải đấu Thanh thiếu nhi tỉnh Thừa Thiên - Huế mở rộng là giải đấu truyền thống, năm nay là năm thứ 2 tổ chức và sẽ được duy trì hằng năm. Bên cạnh đó là các giải đấu dành riêng cho bóng rổ học đường như lứa tuổi tiểu học sẽ có giải đấu riêng, lứa tuổi trung học cơ sở sẽ có giải đấu riêng, 2 giải này sẽ diễn ra từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 8 tới. Còn một giải cho lứa tuổi học sinh cấp 3 đã diễn ra và kết thúc cách đây 1 tháng.
Đội bóng nữ Thanh thiếu nhi, một trong đội bóng của CLB.
Tất cả các giải đấu ở cấp độ học đường đều mở rộng cho tất cả các trường học đến từ khắp tỉnh Thừa Thiên - Huế, còn giải đấu Thanh thiếu nhi mở rộng thì ban tổ chức cũng mở rộng ra xa hơn, mời các tỉnh ngoài về thi đấu".
Tuy nhiên đáng tiếc là năm nay, giải bóng rổ Thanh thiếu nhi mở rộng đã được tổ chức trùng với thời điểm diễn ra Giải bóng rổ trẻ vô địch quốc gia nên một số đơn vị đã không thể tham dự. Dù vậy, giải vẫn có sự góp mặt của một số tỉnh như Quảng Bình, Hà Tĩnh, Đà Nẵng và Bình Dương. Mục đích của câu lạc bộ với giải đấu này là rất lớn. Không chỉ riêng một số tỉnh thành nhỏ, câu lạc bộ muốn mở rộng giải đấu thành một giải không chuyên riêng của khu vực miền Trung.
Hình ảnh của trận đấu giữa đội Quảng Bình và đội chủ nhà Oldman (Huế).
"Trong kế hoạch phát triển của CLB đã xác định là sẽ đưa giải đấu này thành một giải bóng rổ không chuyên của toàn bộ miền Trung và năm nay ban tổ chức đã cố gắng mời càng nhiều đội ở khu vực miền Trung càng tốt. Sang năm, giải đấu hứa hẹn sẽ quy tụ được nhiều đội bóng và nhiều tỉnh thành ở miền Trung hơn nữa" - anh Mẫn chia sẻ.
Dù phải đối đầu với một số khó khăn, đặc biệt là về mặt kinh phí, nhưng câu lạc bộ Bóng rổ Thanh thiếu nhi vẫn được duy trì hoạt động nhằm thúc đẩy cho phong trào bóng rổ học đường nói riêng và toàn bộ phong trào của bóng rổ Huế nói chung phát triển mạnh hơn nữa. Tâm huyết và những nỗ lực của không chỉ anh Đỗ Đức Mẫn, mà còn là cả câu lạc bộ đang rất cần sự quan tâm và ghi nhận hơn nữa, đặc biệt là các nhà tài trợ. Hy vọng rằng một ngày không xa, bóng rổ Huế sẽ có thể ghi dấu ấn của mình lên bản đồ Việt Nam như một trong những địa phương mạnh về phong trào bóng rổ trên cả nước.