Xây dựng người cán bộ đoàn, đoàn viên theo phong cách Hồ Chí Minh
Ngày cập nhật 27/12/2018

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dâng hiến trọn cuộc đời mình cho dân, cho nước, vì độc lập dân tộc, vì tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Trước lúc đi vào cõi vĩnh hằng Người đã để lại những dặn dò hết sức cụ thể cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cho mỗi con người Việt Nam, đặc biệt là cho thế hệ thanh niên, lực lượng góp phần quyết định sự hưng thịnh của quốc gia dân tộc hiện tại cũng như trong tương lai.

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”(1)... Những lời dạy của Người là một kho tàng về lý luận và thực tiễn hết sức quý báu, là một sự dự báo hết sức tài tình, đồng thời cũng là lòng mong ước, hoài bão lớn nhất của một vị lãnh tụ vĩ đại đối với Tổ quốc, đối với nhân dân, đối với Đảng, với phong trào cách mạng không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng những lời căn dặn của Người mãi mãi như ánh hào quang soi sáng đường chúng ta đi, luôn luôn nhắc nhở chúng ta trong quá trình hoàn thành nhiệm vụ của mình đối với dân, với nước. Dù ở bất kỳ tình huống và hoàn cảnh nào, Người luôn đặc biệt kỳ vọng vào thanh niên. Năm 1945, khi nước nhà vừa giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”(2). Tháng 1-1946, trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”(3). Là một lãnh tụ vĩ đại, có tầm nhìn xa trông rộng, hơn ai hết, Người thấu hiểu vai trò vô cùng to lớn của lực lượng thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, trong công cuộc bảo vệ, xây dựng, kiến thiết nước nhà.

Thực hiện lời dạy của Bác, với sứ mệnh lịch sử của mình, tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã không ngừng học tập, lao động sáng tạo, xây dựng lớp cán bộ, đoàn viên thanh niên theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; trang bị cho họ một thế giới quan duy vật, nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa và phương pháp luận biện chứng, nhằm giúp mỗi cán bộ, đoàn viên thanh niên nhận thức đúng về vị trí, vai trò của mình mà có tư tưởng, hành động cách mạng tiến công, từng bước hình thành, hoàn thiện và phát triển toàn diện nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 07-11-2006, của Bộ Chính trị Về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tiếp đó là Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14-5-2011, “Về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tổ chức đoàn các cấp đã cụ thể hóa, tổ chức triển khai thực hiện và đạt được những kết quả thiết thực, cụ thể. Thời gian tới, để xây dựng người cán bộ đoàn, đoàn viên theo phong cách Hồ Chí Minh, cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, xây dựng tư cách người cán bộ đoàn, đoàn viên

Xây dựng lớp cán bộ đoàn, đoàn viên suốt đời phấn đấu hy sinh cho lý tưởng của Đảng, của dân tộc, luôn là lực lượng tích cực, sẵn sàng với tinh thần: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó, thanh niên làm”(4), để góp phần thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Xây dựng lớp cán bộ đoàn, đoàn viên luôn biết đặt quyền lợi của Đảng, của Tổ quốc lên trên hết và lên trước hết. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra nguyên tắc: “lợi ích của cá nhân nhất định phải phục tùng lợi ích của Đảng. Lợi ích của mỗi bộ phận nhất định phải phục tùng lợi ích của toàn thể. Lợi ích tạm thời nhất định phải phục tùng lợi ích lâu dài”(5). Mỗi đoàn viên, thanh niên phải tự xây dựng ý thức chống chủ nghĩa cá nhân, lợi ích cá nhân của cán bộ đoàn, đoàn viên phải phù hợp với lợi ích của Đảng, của cách mạng. Trong cuộc sống, nhiều khi lợi ích cá nhân phù hợp với lợi ích của Đảng, nhưng cũng có lúc không, vì thế Người khẳng định: “Nếu gặp khi lợi ích chung của Đảng mâu thuẫn với lợi ích riêng của cá nhân, thì phải kiên quyết hy sinh lợi ích của cá nhân cho lợi ích của Đảng. Khi cần đến tính mệnh của mình cũng phải vui lòng hy sinh cho Đảng”(6), “phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, lên trước hết... Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là “tính Đảng”(7).

Yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng là xây dựng người cán bộ đoàn, người đoàn viên có đời tư trong sáng, trở thành tấm gương sáng trong cuộc sống. Nếu cán bộ, đoàn viên không có một đời tư trong sáng thì sẽ không thuyết phục, vận động được thanh thiếu nhi và nhân dân trong các phong trào cách mạng. Người cán bộ đoàn, đoàn viên ngoài việc phấn đấu hoàn thành tốt công việc chung của Đảng đã được phân công, còn phải là một thành viên tốt của gia đình, là một công dân tốt, kiểu mẫu ở khu dân cư và ngoài xã hội.

Thứ hai, rèn luyện, xây dựng phẩm chất, năng lực cán bộ đoàn, đoàn viên

- Cán bộ đoàn, đoàn viên phải có đạo đức cách mạng. Đây là yêu cầu “gốc”, “nguồn” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu. Đây cũng chính là quan điểm xuất phát, một yêu cầu có tính chất tiên quyết đối với cán bộ hiện nay. Người cán bộ đoàn, đoàn viên phải tận tụy với sự nghiệp cách mạng, phải trung thành với Đảng, với Tổ quốc. Trung thành ở đây trước hết đòi hỏi cán bộ đoàn, đoàn viên phải hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; khi gặp thắng lợi thì không kiêu căng, chủ quan, tự mãn; khi gặp khó khăn, gian khổ, trở ngại thì không hoang mang, dao động; phải luôn luôn có ý thức và hành động bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc. Trung thành với cách mạng là phải hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, việc gì có lợi cho dân, dù nhỏ, cũng gắng sức làm, việc gì có hại cho dân, dù nhỏ, cũng hết sức tránh. Cán bộ đoàn, đoàn viên phải có năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Muốn thế, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ đoàn viên phải ngang tầm với nhiệm vụ, công việc được giao, phải “chuyên” để đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống.

- Cán bộ đoàn, đoàn viên phải có mối liên hệ mật thiết với nhân dân. Mỗi cán bộ đoàn, đoàn viên bằng hành động thực tế của mình phải làm cho thanh thiếu nhi và nhân dân tin yêu, kính phục; phải biết yêu dân, kính dân; phải luôn luôn học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt. Học suốt đời, học nữa và học mãi, đó là những điều mà Bác Hồ luôn vận dụng vào trong cuộc sống của chính bản thân mình và trong giáo dục, rèn luyện cho cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Người cho rằng, ngày nay không thể lãnh đạo chung chung được nữa, rằng chỉ có lòng nhiệt tình không thôi thì chưa đủ, mà còn phải có tri thức.

Nâng cao phẩm chất cho cán bộ đoàn, đoàn viên, bao gồm:

Nâng cao phẩm chất chính trị, tư tưởng, hình thành lập trường, quan điểm, tư tưởng vững vàng, kiên định trước mọi khó khăn, thách thức, hình thành bản lĩnh chính trị cho từng cán bộ, đoàn viên dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng về việc làm của mình.

Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà, vì vậy ngay từ hiện tại để trở thành những con người phát triển hài hòa và toàn diện, con đường duy nhất của thanh niên, theo Hồ Chí Minh là không ngừng ra sức phấn đấu, rèn luyện, học tập trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kỹ thuật, văn hóa, phải thấm nhuần tư tưởng xã hội chủ nghĩa, gột rửa cá nhân chủ nghĩa...

Nâng cao phẩm chất đạo đức, nhất là đạo đức cách mạng cho cán bộ đoàn, đoàn viên, có thể tóm tắt trong mấy điểm: Trung thành: Trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc, với Đảng, với giai cấp; Dũng cảm: Không sợ khổ, không sợ khó, “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”, “gian khổ thì đi trước, hưởng thụ sau mọi người”; Khiêm tốn: Không nên tự cho mình là tài giỏi, không khoe công, không tự phụ.

Nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ đoàn, đoàn viên, bao gồm:

Nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngang tầm với nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng. Người cho rằng, Nhà nước chú trọng đặc biệt việc giáo dục thanh niên về đức dục, trí dục và thể dục. Và “Thanh niên phải chuyên tâm học hành và công tác, nhưng cũng cần có vui chơi. Vui chơi lành mạnh là một bộ phận trong sự sinh hoạt của thanh niên... Trong vui chơi cũng có giáo dục. Cần có những thứ vui chơi văn hóa, thể dục có tính chất tập thể và quần chúng”(8).

Nâng cao năng lực về mọi mặt, trong đó năng lực tư duy lý luận phải dựa trên thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin; năng lực chuyên môn phải thông thạo, phải giỏi; năng lực tổ chức, lãnh đạo và vận động nhân dân phải nhạy bén; năng lực hoạt động thực tiễn và tổng kết thực tiễn phải tốt để phát triển lý luận...

Thứ ba, xây dựng người cán bộ đoàn, đoàn viên có phong cách tốt

Theo Hồ Chí Minh, muốn có phong cách công tác tốt, phải phòng và chống tác phong chủ quan, quan liêu, đại khái, ham chuộng hình thức, phô trương cho oai, cách làm đại khái, qua loa; phải sâu sát, tỉ mỉ, nắm việc lớn, phải giải quyết bắt đầu từ những việc cơ bản, không cận thị (chỉ nhìn gần mà không nhìn xa trông rộng), “phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.

Về phong cách, mỗi cán bộ, đoàn viên ghi nhớ và làm theo lời dạy của Người: Sửa cách lãnh đạo về công tác cán bộ; biết chọn trình tự ưu tiên công việc; thường xuyên tổng kết công tác; phải luôn luôn có sáng kiến; sâu sát, gần gũi nhân dân, có tinh thần phụ trách trước dân; phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ; có lãnh đạo chung nhưng có chỉ đạo điểm.

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đoàn, đoàn viên về phẩm chất đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là phẩm chất chính trị mà cốt lõi là bản lĩnh chính trị, là nhiệm vụ trọng tâm của Đoàn hiện nay. Đào tạo, bồi dưỡng về năng lực tư duy - tư duy lý luận, năng lực nhận thức, năng lực chuyên môn và nhất là năng lực hoạt động thực tiễn để vận dụng sáng tạo những tri thức lý luận vào thực tế tình hình hiện nay.

Rèn luyện và tu dưỡng về phong cách, lối sống nhất là phong cách lãnh đạo gần dân, gắn bó mật thiết với nhân dân và lẽ sống “mình vì mọi người”, sống có mục đích, lý tưởng, hoài bão, ước mơ, khát vọng và có quyết tâm thực hiện những ý tưởng cao đẹp ấy.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ bảo: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà! Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”(9). Người khẳng định: “Thanh niên ta có vinh dự to thì cũng có trách nhiệm lớn. Để làm tròn trách nhiệm, thanh niên ta phải nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”(10).

Thanh niên là lực lượng xung kích chủ yếu của cách mạng, là người chủ tương lai của nước nhà. Ðảng, Nhà nước phải chăm lo bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng và đạo đức cách mạng cho thanh niên, giáo dục ý thức làm chủ và đào tạo họ thành người làm chủ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề nghiệp. Đồng thời, đoàn viên, thanh niên phải tự vươn lên, phấn đấu, rèn luyện để thật sự là đội quân chủ lực của cách mạng.

Thực hiện nhiệm vụ đó, tổ chức đoàn các cấp tiếp tục quán triệt sâu sắc việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xác định đây là nội dung trọng tâm trong chương trình hành động toàn khóa, từng năm của các cấp bộ đoàn; xác định rõ nội dung, giải pháp, các trọng tâm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở mỗi địa phương, đơn vị, trong mỗi đối tượng thanh thiếu nhi để tập trung thực hiện. Việc thực hiện và làm theo Bác phải gắn chặt với nhiệm vụ chính trị, các phong trào hành động cách mạng, các chương trình, cuộc vận động của Đoàn, quan tâm đến nhu cầu, lợi ích chính đáng của thanh niên; coi trọng việc “làm theo Bác”, tính thiết thực, hiệu quả trong hoạt động. Đặc biệt coi trọng và thường xuyên giáo dục nâng cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu: đoàn viên, thanh niên nêu gương cho thiếu niên, nhi đồng, cán bộ đoàn nêu gương cho đoàn viên, cán bộ đoàn cấp trên nêu gương cho cán bộ đoàn cấp dưới. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, đánh giá quá trình thực hiện; làm tốt công tác phát hiện, xây dựng, tuyên dương, tuyên truyền và nhân rộng các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, mô hình mới, cách làm hay trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhân rộng các giá trị tốt đẹp, phù hợp trong thanh thiếu nhi và cộng đồng xã hội./.

---------------------------------------------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 12, tr. 498
(2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 35, 194
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 299
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 290
(6), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 291
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 266
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 265
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 299

Nguồn: http://www.tapchicongsan.org.vn
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 9.903.945
Truy cập hiện tại 1.030