Thừa Thiên Huế: Đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm ngày tái lập tỉnh
Ngày cập nhật 17/08/2019

Sáng ngày 17/8, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm ngày tái lập tỉnh (1/7/1989 - 1/7/2019) . Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành Trung ương, địa phương đã tới dự lễ

Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có các đồng chí: Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Thanh Hà, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Phan Ngọc Thọ, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương; các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các Mẹ Việt Nam anh hùng và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; các gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với nước và đông đảo nhân dân thành phố Huế.

Giai đoạn 1989 - 2018, tăng trưởng kinh tế bình quân 7,2%/năm

Tại buổi lễ, đồng chí Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy đã đọc diễn văn điểm lại những mốc son lịch sử và những thành tựu kinh tế - xã hội của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thừa Thiên Huế đạt được trong những chặng đường xây dựng và phát triển; đặc biệt là trong 30 năm, kể từ ngày tái lập tỉnh vào tháng 7/1989 theo Nghị quyết Quốc hội khóa VIII, thông qua tại kỳ họp thứ 5, ngày 30/6/1989 về phân vạch địa giới hành chính, tách Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu nhấn mạnh, từ mạch nguồn Thuận Hóa - Phú Xuân hơn 710 năm trước, Thừa Thiên Huế là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời; với vị trí chiến lược đặc biệt - nối giữ hai miền Nam - Bắc, nơi đây đã từng là thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là Kinh đô của triều đại Tây Sơn, Kinh đô của nước Việt Nam thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn. Trong kháng chiến chống Pháp, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế đã vượt mọi khó khăn, gian khổ, kháng chiến “toàn dân, toàn diện”, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. 21 năm tiếp theo của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thừa Thiên Huế lại cùng với nhân dân miền Nam lập nên những chiến công chói lọi mà đỉnh cao là chiến thắng xuân Mậu Thân 1968 và với tinh thần “tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”, khí thế thần tốc, táo bạo, ngày 26/3/1975, cờ cách mạng đã tung bay trên đỉnh kỳ đài Cố đô Huế, đánh dấu mốc lịch sử - Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng; tạo đà cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đáp ứng yêu cầu phát triển sau giải phóng, ngày 20/9/1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 245 về chủ trương hợp nhất các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh, đến ngày 1/5/1976, UBND tỉnh Bình Trị Thiên đã được thành lập. Sau khi hợp nhất tỉnh Bình Trị Thiên (1976 - 1989), với tinh thần “vì cả nước, với cả nước”, cán bộ, quân và dân trên địa bàn Thừa Thiên Huế nói riêng và toàn tỉnh Bình Trị Thiên nói chung đã tập trung khôi phục, phát triển kinh tế xã hội, rà phá bom mìn, khai hoang phục hóa, tìm tòi các bước đi thích hợp, vượt qua khó khăn của thời kỳ bao cấp, vừa cải tạo quan hệ sản xuất cũ, xây dựng quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa... Sau 14 năm cùng phấn đấu dưới mái nhà chung, ngày 30/6/1989, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa VIII đã thông qua Nghị quyết về việc phân vạch địa giới hành chính; theo đó, chia tách Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Kể từ ngày 01/7/1989, tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức được tái lập, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử dựng xây và phát triển của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà.  

30 năm xây dựng và phát triển kể từ ngày tái lập tỉnh, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, sự chia sẻ và hỗ trợ giúp đỡ của cả nước và bạn bè quốc tế, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã đồng tâm nhất trí, vượt khó vươn lên tiếp tục đạt được những thành tựu hết sức quan trọng và toàn diện. Nền kinh tế tỉnh nhà đến nay đã từng bước tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực dựa trên khai thác các tiềm năng, lợi thế về văn hóa, di sản, giáo dục, y tế và các dịch vụ du lịch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1989 - 2018 là 7,2%/năm; quy mô nền kinh tế tăng gấp 7 lần (theo giá so sánh 2010). Tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2018 gấp 81,6 lần so với năm 1990; thu ngân sách nhà nước năm 2018 đạt 7.800 tỷ đồng. Cùng với những thành tựu về kinh tế, hiện nay Thừa Thiên Huế đã phát huy và ngày càng khẳng định vị thế 4 Trung tâm lớn của cả nước, đó là: Trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước; y tế chuyên sâu; khoa học - công nghệ; giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Đặc biệt, đến nay Thừa Thiên Huế có 07 di sản văn hóa được UNESCO công nhận.

Ghi nhận quá trình nỗ lực thi đua và phấn đấu, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, từ 1989 đến nay, nhiều tập thể và cá nhân của Thừa Thiên Huế đã được Trung ương trao tặng các danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Huân chương Lao động các hạng; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc…Đặc biệt, ngày 27/12/2007, Thừa Thiên Huế vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân hương Độc lập hạng Nhất và ngày 27/6/2019, thêm một lần nữa, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thừa Thiên Huế tiếp tục vinh dự được đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, một phần thường cao quí của Đảng, Nhà nước trao tặng. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những phấn đấu, nỗ lực của Thừa Thiên Huế trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu khẳng định, những thành tựu đạt được sau 30 năm tái lập tỉnh đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc cả về quy mô, tầm vóc, tạo thế và lực mới cho Thừa Thiên Huế trên con đường phát triển và hội nhập. Đạt được những thành tựu quan trọng và những phần thưởng cao quý đó, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương cùng sự giúp đỡ và ủng hộ to lớn của các tỉnh, thành trong cả nước và bạn bè quốc tế. Đặc biệt, là những ân tình sâu nặng của 2 tỉnh bạn Quảng Trị, Quảng Bình; những sẻ chia, hợp tác của thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và hai tỉnh Sê Kông, Salavan của nước bạn Lào; những nghĩa cử cao quý của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh - hai thành phố kết nghĩa với truyền thống "Hà Nội - Huế - Sài gòn là cây một cội là con một nhà" đã dành cho Thừa Thiên Huế...

Thừa Thiên Huế là mảnh đất vinh dự và tự hào là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm thời niên thiếu và tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh; năm 2019 là năm kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019); vì vậy, đứng trước những thời cơ và vận hội mới trong tiến trình hội nhập và phát triển của đất nước, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế quyết tâm đoàn kết, sáng tạo, đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững; phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành đô thị theo hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”; đặc biệt là phấn đấu để trở thành một Trung tâm kinh tế của vùng trọng điểm kinh tế miền Trung và cả nước Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu nhấn mạnh.

Đồng chí Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy , Chủ tịch HĐND tỉnh đọc diễn văn tại buổi lễ

 

Chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng trưởng xanh và kinh tế tri thức

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã biểu dương và chúc mừng những thành tích xuất sắc của Đảng bộ và đồng bào Thừa Thiên Huế đạt được trong quá trình dựng xây và phát triển. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, những kết quả rất đỗi tự hào của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thừa Thiên Huế là sự nỗ lực, phấn đấu bền bỉ; là sự kế thừa và phát huy trách nhiệm của các thế hệ, đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng quê hương, đổi mới và bảo vệ đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, trong đấu tranh cách mạng, nhân dân Thừa Thiên Huế với tinh thần “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường” đã làm nên một Thừa Thiên Huế anh hùng, thì ngày nay tinh thần đó phải được thể hiện ở sự đoàn kết, nhất trí, năng động, sáng tạo để xây dựng Thừa Thiên Huế thành một tỉnh giàu về kinh tế, đẹp về văn hoá, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng, an ninh. Để đạt được mục tiêu đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thừa Thiên Huế cần tiếp tục khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế; chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng trưởng xanh và kinh tế tri thức. Đồng thời, phát triển mạnh các thành phần kinh tế, quan tâm phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đặc biệt là trong các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế.

Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành “đô thị di sản” với định hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường” theo Kết luận 48-KL/TW và Thông báo 175-TB/TW của Bộ Chính trị; làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, tôn tạo, bảo vệ, phát huy di sản cố đô Huế mà nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là thực hiện tốt việc di dời các hộ dân tại khu vực 1, Kinh thành Huế. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công cuộc xây dựng nông thôn mới; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tập trung xây dựng và phát triển Trung tâm Văn hóa, Du lịch đặc sắc của khu vực và cả nước; Trung tâm Giáo dục - Đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; Trung tâm Y tế chuyên sâu; Trung tâm Khoa học và Công nghệ của khu vực miền Trung và cả nước.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục quan tâm và gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện tốt công tác đối ngoại. Đặc biệt là, tập trung chăm lo xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Chuẩn bị và chỉ đạo tốt Đại hội Đảng bộ các cấp tiến đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi lễ

 

 

Dịp này, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã trao Cờ thi đua của Chính phủ cho 7 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong công tác và dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của tỉnh (ảnh dưới).

 
Theo: thuathienhue.gov.vn
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 10.062.220
Truy cập hiện tại 2.499