Quy chế thi đua khen thưởng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2017-2022
Ngày cập nhật 25/02/2020

Ban hành kèm theo Quyết định số: 109-QĐ/TWĐTN-VP ngày 15/8/2018 của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy chế này quy định về đối tượng, phạm vi, nguyên tắc, danh hiệu và tiêu chuẩn danh hiệu thi đua; hình thức, tiêu chuẩn, thẩm quyền, trình tự, thủ tục khen thưởng và một số nội dung khác liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.  

2. Thi đua, khen thưởng trong các cơ quan chuyên trách của Đoàn và việc đề xuất danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng nhà nước cho các tập thể, cá nhân thuộc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện theo pháp luật về thi đua, khen thưởng của Nhà nước và các quy định có liên quan trong Quy chế này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng cho:

1. Cá nhân, tập thể thanh thiếu nhi Việt Nam (ở trong và ngoài nước) có thành tích xuất sắc trong học tập, công tác.

2. Cá nhân, tập thể (gồm cả cá nhân, tập thể người nước ngoài) có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ Việt Nam.

Điều 3. Nguyên tắc thi đua, khen thưởng

1. Nguyên tắc thi đua:

- Tự nguyện, tự giác, công khai.

- Đoàn kết, hợp tác và cùng phát triển.

2. Nguyên tắc khen thưởng:

- Kịp thời, chính xác, công khai, công bằng.

- Cá nhân, tập thể được khen thưởng phải thực sự tiêu biểu, xứng đáng là gương sáng cho cá nhân, tập thể khác noi theo.

- Một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một cá nhân hoặc tập thể (trừ Kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ”, “Thanh niên xung phong”).

- Kết hợp giữa động viên tinh thần và khuyến khích bằng vật chất.

- Khi xét khen thưởng người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải căn cứ vào thành tích của tập thể do cá nhân đó lãnh đạo.

- Không xét khen thưởng đối với những trường hợp sau: tập thể, cá nhân bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên trong kỳ phát động thi đua; tập thể có cá nhân bị kỷ luật (Đảng, chính quyền, đoàn thể…) từ hình thức cảnh cáo trở lên hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong kỳ phát động thi đua; hồ sơ đề nghị khen thưởng không đúng thủ tục và thời gian quy định.

Chương II

TỔ CHỨC THI ĐUA, DANH HIỆU VÀ TIÊU CHUẨN DANH HIỆU THI ĐUA

Điều 4. Tổ chức thi đua

1. Hình thức tổ chức thi đua

1.1. Thi đua thường xuyên: là hình thức thi đua căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao của cá nhân, tập thể để tổ chức phát động, nhằm thực hiện tốt công việc hàng ngày, hàng tháng, hàng quý, hàng năm của cơ quan, đơn vị. Việc tổ chức phong trào thi đua thường xuyên phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, mục tiêu, các chỉ tiêu cụ thể và được triển khai thực hiện tại cơ quan, đơn vị hoặc theo cụm, khối thi đua để phát động phong trào thi đua, ký kết giao ước thi đua. Kết thúc năm công tác, các cơ quan, đơn vị tiến hành tổng kết và bình xét các danh hiệu thi đua.

1.2. Thi đua theo theo đợt (chuyên đề): là hình thức thi đua nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm hoặc một lĩnh vực cần tập trung được xác định trong khoảng thời gian nhất định để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của cơ quan, đơn vị. Chỉ phát động thi đua theo đợt khi đã xác định rõ thời gian mục đích, yêu cầu, chỉ tiêu, nội dung và giải pháp.

2. Phạm vi thi đua

2.1. Toàn Đoàn.

2.2. Cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở.

2.3. Thanh thiếu nhi trong các lĩnh vực, địa bàn.

Điều 5. Danh hiệu thi đua

1.1. Ban Thường vụ Trung ương Đoàn quản lý và xét tặng các danh hiệu thi đua sau:

* Các danh hiệu thi đua được trao hằng năm cho đơn vị Đoàn cấp tỉnh, gồm:

- Cờ thi đua đơn vị xuất sắc công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cấp tỉnh.

- Đơn vị xuất sắc công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cấp tỉnh.

- Đơn vị tiên tiến công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cấp tỉnh.

* Các danh hiệu thi đua được trao theo đợt, gồm:

- Đối với các đơn vị Đoàn cấp huyện:

+ Đơn vị xuất sắc công tác đoàn và phong trào thanh niên khối trường đại học, cao đẳng.

+ Đơn vị xuất sắc công tác đoàn và phong trào thi đua khối lực lượng vũ trang.

+ Đơn vị xuất sắc công tác đoàn và phong trào thanh niên khối cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp.

+ Đơn vị xuất sắc công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi khối địa bàn dân cư.

+ Đơn vị xuất sắc công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi khối nhà văn hóa thanh niên, nhà văn hóa thiếu nhi, nhà thiếu nhi.

+ Đơn vị xuất sắc công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi khối các trung tâm dạy nghề và dịch vụ việc làm thanh niên.

- Đối với các đơn vị Đoàn cấp cơ sở:

+ Đơn vị xuất sắc công tác đội và phong trào thiếu nhi khối trường tiểu học, trung học cơ sở.

+ Đơn vị xuất sắc công tác đoàn và phong trào thanh niên khối trung học phổ thông.

+ Đơn vị xuất sắc công tác đoàn và phong trào thanh niên khối cơ sở giáo dục nghề nghiệp hệ Trung cấp.

+ Đơn vị xuất sắc công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi khối địa bàn dân cư.

+ Đơn vị xuất sắc công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi khối lực lượng vũ trang.

+ Đơn vị xuất sắc công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi khối cơ quan, doanh nghiệp.

1.2. Ban Thường vụ Đoàn cấp tỉnh quản lý và xét tặng các danh hiệu thi đua sau:

- Cờ thi đua đơn vị xuất sắc công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cấp huyện.

- Cờ thi đua đơn vị xuất sắc công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cấp cơ sở.

- Đơn vị xuất sắc công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cấp huyện.

- Đơn vị tiên tiến công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cấp huyện.

1.3. Ban Thường vụ Đoàn cấp huyện quản lý và xét tặng các danh hiệu thi đua sau:

- Đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc.

- Chi đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc.

1.4. Ban Chấp hành Đoàn cơ sở quản lý và xét tặng danh hiệu thi đua:

- Chi đoàn vững mạnh xuất sắc.

Điều 6. Tiêu chuẩn các danh hiệu thi đua

1. Căn cứ theo kết quả chấm điểm Bộ tiêu chí đánh giá công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cấp tỉnh; Ý kiến của Hội đồng Thi đua, khen thưởng Trung ương Đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn quyết định danh hiệu thi đua của các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc hằng năm, cụ thể như sau:

- Cờ thi đua đơn vị xuất sắc công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cấp tỉnh: được trao cho đơn vị đạt danh hiệu xuất sắc công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi có tỷ lệ điểm số từ 80% trở lên theo Bộ tiêu chí đánh giá công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cấp tỉnh hằng năm.

- Đơn vị xuất sắc công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cấp tỉnh được trao cho các đơn vị có tỷ lệ điểm số từ 70% đến dưới 80% theo Bộ tiêu chí đánh giá công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cấp tỉnh hằng năm.

- Đơn vị tiên tiến công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cấp tỉnh được trao cho các đơn vị có tỷ lệ điểm số từ 60% đến dưới 70% theo Bộ tiêu chí đánh giá công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cấp tỉnh hằng năm.

- Không xếp loại danh hiệu thi đua đối với các đơn vị có tỷ lệ điểm số dưới 60% theo Bộ tiêu chí đánh giá công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cấp tỉnh hằng năm.

2. Tiêu chuẩn các danh hiệu thi đua tập thể đối với các khối được trao theo đợt:

 - Đối với các đơn vị Đoàn cấp huyện: Các đơn vị Đoàn cấp huyện được Trung ương Đoàn tặng cờ thi đua khi có 03 năm liên tiếp được Đoàn cấp tỉnh trao cờ thi đua đơn vị xuất sắc.

- Đối với các đơn vị Đoàn cấp cơ sở: Các đơn vị Đoàn cấp cơ sở được Trung ương Đoàn tặng cờ thi đua khi có 3 năm liên tiếp được đoàn cấp huyện tặng giấy khen đơn vị xuất sắc dẫn đầu và trong thời gian đó ít nhất 01 năm được Đoàn cấp tỉnh tặng bằng khen.

Riêng đối với các đơn vị Đoàn cơ sở trong Quân đội được Trung ương Đoàn tặng cờ thi đua khi có 03 năm liên tiếp được cấp đầu mối trực thuộc Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tặng bằng khen đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác đoàn và phong trào thanh niên.

Trường hợp các đơn vị Đoàn cấp huyện, các đơn vị Đoàn cấp cơ sở có thành tích đặc biệt xuất sắc được tập thể Ban Bí thư Trung ương Đoàn xem xét quyết định trao cờ thưởng của Trung ương Đoàn trên cơ sở đề nghị của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Đoàn.

3. Tiêu chuẩn các danh hiệu thi đua đối với Đoàn cấp huyện, Đoàn cấp cơ sở do Ban Thường vụ Đoàn cấp trên trực tiếp của cấp đó quy định trên cơ sở hướng dẫn của Ban Bí thư Trung ương Đoàn.

Chương III 

HÌNH THỨC, ĐỐI TƯỢNG VÀ TIÊU CHUẨN KHEN THƯỞNG

Điều 7. Hình thức, đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng do Trung ương Đoàn khen, gồm:

1. Kỷ niệm chương, Huy hiệu

- Kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ” (phần thưởng cao quý nhất của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh).

- Kỷ niệm chương “Thanh niên xung phong”. 

- Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”.

- Huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo”.

- Huy hiệu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”.

- Huy hiệu “Phụ trách giỏi”.

- Huy hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”.

- Huy hiệu “Thanh niên tình nguyện”.

2. Bằng khen

- Khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được.

- Khen thưởng theo chuyên đề.

- Khen thưởng đột xuất.

- Khen thưởng đối ngoại.

3. Giải thưởng

- Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu.

- Giải thưởng Lý Tự Trọng.

- Giải thưởng Kim Đồng.

- Giải thưởng Lương Định Của.

- Giải thưởng Người thợ trẻ giỏi. 

- Giải thưởng Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi.

Các giải thưởng khác (trong các đối tượng thanh niên, trong các lĩnh vực) giao cho Ban Bí thư Trung ương Đoàn quyết định phù hợp với điều kiện thực tiễn, báo cáo lại Ban Thường vụ tại kỳ họp gần nhất.

4. Ban Bí thư Trung ương Đoàn quy định cụ thể đối tượng, tiêu chuẩn được tặng các hình thức khen thưởng nêu ở khoản 1, 2, 3 của Điều này trong hướng dẫn thực hiện Quy chế thi đua, khen thưởng và trong quy chế của từng loại giải thưởng”.

Điều 8. Hình thức, đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng do Đoàn cấp tỉnh khen, gồm:

1. Bằng khen

2. Giải thưởng

Đối tượng, tiêu chuẩn các hình thức khen thưởng nêu trên do Ban Thường vụ Đoàn cấp tỉnh quy định.

Điều 9. Hình thức, đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng do Đoàn cấp huyện khen, gồm: Giấy khen

Đối tượng, tiêu chuẩn được tặng giấy khen do Ban Thường vụ Đoàn cấp huyện quy định.

Điều 10. Hình thức, đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng do Đoàn cơ sở khen, gồm: Giấy khen

Đối tượng, tiêu chuẩn được tặng giấy khen do Ban Chấp hành Đoàn cơ sở quy định.

Chương IV

THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH, TRAO TẶNG, THỦ TỤC, HỒ SƠ VÀ QUY TRÌNH XÉT KHEN THƯỞNG

Mục 1. THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH, TRAO TẶNG

Điều 11. Thẩm quyền quyết định danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng

1. Ban Thường vụ Trung ương Đoàn quyết định trao tặng hoặc truy tặng các danh hiệu thi đua quy định tại mục 1.1, Khoản 1, Điều 5, Chương II Quy chế này và giao cho Ban Bí thư Trung ương Đoàn xem xét quyết định các hình thức khen thưởng quy định tại Điều 7, Chương III Quy chế này (trừ khen thưởng các danh hiệu thi đua hằng năm đối với Đoàn cấp tỉnh).

2. Ban Thường vụ Đoàn cấp tỉnh quyết định trao tặng hoặc truy tặng các danh hiệu thi đua quy định tại mục 1.2, Khoản 1, Điều 5, Chương II Quy chế này và các hình thức khen thưởng quy định tại Điều 8, Chương III Quy chế này. Ban Thường vụ tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc có thể ban hành các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng khác phù hợp với yêu cầu của địa phương, đơn vị (sau khi thống nhất với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp về thi đua, khen thưởng và được Ban Bí thư Trung ương Đoàn đồng ý).

3. Ban Thường vụ Đoàn cấp huyện quyết định trao tặng hoặc truy tặng danh hiệu thi đua hằng năm đối với các danh hiệu thi đua quy định tại mục 1.3, Khoản 1, Điều 5, Chương II Quy chế này và các hình thức khen thưởng quy định tại Điều 9, Chương III Quy chế này.

4. Ban Chấp hành Đoàn cơ sở quyết định trao tặng hoặc truy tặng danh hiệu thi đua hằng năm đối với các danh hiệu thi đua quy định tại mục 1.4, Khoản 1, Điều 5, Chương II Quy chế này và các hình thức khen thưởng quy định tại Điều 10 Chương III Quy chế này.

5. Trường hợp cấp có thẩm quyền phát hiện tập thể, cá nhân lập được thành tích đặc biệt xuất sắc, đột xuất thì tuỳ theo thành tích để quyết định khen thưởng ở cấp mình hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khác khen thưởng kịp thời ngay sau khi các nhân, tập thể lập được thành tích xuất sắc đột xuất.

Điều 12. Thẩm quyền quản lý mẫu cờ thưởng, bằng khen, giấy khen, hiện vật khen thưởng

1. Ban Bí thư Trung ương Đoàn ban hành quy định thống nhất mẫu cờ thưởng, bằng khen, giấy khen trong hệ thống tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

2. Cờ thưởng, bằng khen, các loại kỷ niệm chương, huy hiệu và biểu trưng của các giải thưởng do Trung ương Đoàn khen tặng (quy định tại Điều 7, Chương III Quy chế này) thuộc bản quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn và được bảo hộ theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Trao tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng

1. Cấp có thẩm quyền quyết định tặng hoặc truy tặng hình thức khen thưởng nào thì trực tiếp trao tặng hoặc ủy quyền trao tặng hình thức khen thưởng đó.

2. Người đứng đầu tổ chức Đoàn, Hội ở nước ngoài được ủy quyền trao tặng các hình thức khen thưởng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho cá nhân, tập thể ở nước sở tại.

3. Việc tổ chức lễ trao tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng do Ban Bí thư Trung ương Đoàn quy định.

Mục 2. THỦ TỤC, HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ VÀ QUY TRÌNH XÉT KHEN THƯỞNG

Điều 14. Trách nhiệm xét, đề nghị khen thưởng

1. Cơ quan thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Đoàn, các ban, đơn vị thuộc cơ quan Trung ương Đoàn, các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc có trách nhiệm xem xét và đề nghị Ban Thường vụ Trung ương Đoàn xét quyết định trao tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng của Trung ương Đoàn.

2. Các ban, đơn vị thuộc cơ quan Trung ương Đoàn được giao thường trực các giải thưởng, chương trình phối hợp, quy chế phối hợp với Chính phủ, Bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp có trách nhiệm xem xét và thông qua Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Đoàn đề nghị Ban Thường vụ Trung ương Đoàn xét trao danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng của Trung ương Đoàn liên quan đến đối tượng, nội dung của giải thưởng hoặc lĩnh vực, nội dung phối hợp được phân công phụ trách.

3. Các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng khác do cấp dưới trực tiếp của cấp bộ đoàn có thẩm quyền quyết định khen thưởng đề nghị.

Điều 15. Hồ sơ đề nghị

1. Hồ sơ xét danh hiệu thi đua, gồm:

- Báo cáo thành tích của cá nhân, tập thể.

- Đề nghị của Hội đồng thi đua, khen thưởng và ý kiến đồng ý của cấp ủy đảng cùng cấp.

- Biên bản bình xét thi đua.

2. Hồ sơ đề nghị xét khen thưởng, gồm:

- Báo cáo thành tích của cá nhân (có ý kiến xác nhận của cấp bộ đoàn nơi đang công tác), tập thể (có ý kiến xác nhận của cấp ủy đảng cùng cấp).

- Văn bản đề nghị khen thưởng của tổ chức Đoàn cấp dưới trực tiếp có cá nhân, tập thể được xét khen thưởng hoặc của ban, đơn vị thuộc cơ quan Đoàn chuyên trách cấp tỉnh, trung ương.

- Biên bản bình xét khen thưởng.

- Trường hợp xét khen thưởng thành tích về nghiên cứu khoa học, phát minh sáng kiến thì phải có quyết định hoặc bằng công nhận do cơ quan thẩm quyền cấp gửi kèm theo hồ sơ (bản sao có công chứng).

3. Những trường hợp có đủ các điều kiện sau đây được đề nghị khen thưởng theo thủ tục đơn giản, gồm:

- Việc khen thưởng phục vụ yêu cầu chính trị, kịp thời động viên, khích lệ thanh thiếu nhi.

- Cá nhân, tập thể lập được thành tích xuất sắc đột xuất trong chiến đấu, công tác, lao động, học tập.

- Thành tích, công trạng rõ ràng.

Hồ sơ khen thưởng theo thủ tục đơn giản do Ban Bí thư Trung ương Đoàn hướng dẫn.

Điều 16. Thời hạn gửi hồ sơ đề nghị khen thưởng

1. Hồ sơ đề nghị khen thưởng thường xuyên gửi về Trung ương Đoàn trước ngày 15 tháng 12 hằng năm, trừ trường hợp Trung ương Đoàn có hướng dẫn khác.

2. Hồ sơ đề nghị khen thưởng đột xuất gửi về Trung ương Đoàn ngay sau khi lập được thành tích đột xuất.

3. Hồ sơ đề nghị khen thưởng đối với khối Đoàn trong trường học và khối Đội gửi về Trung ương Đoàn trước ngày 30/6 hằng năm.

4. Thời hạn gửi hồ sơ đề nghị khen thưởng các Giải thưởng thực hiện theo Quy chế từng loại giải thưởng.

Điều 17. Thời gian xét thi đua, khen thưởng

1. Việc xét thi đua, khen thưởng thường xuyên đối với các đơn vị thuộc đoàn thanh niên các cấp được tiến hành 01 đợt khi kết thúc năm công tác (riêng Đoàn trong trường học và khối Đội xét theo năm học).

2. Việc xét khen thưởng đột xuất thực hiện trong thời gian chậm nhất là 15 ngày, kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị.

3. Thời gian xét đối với các hình thức khen thưởng khác của Trung ương Đoàn giao Ban Bí thư Trung ương Đoàn quyết định.

Ban Thường vụ Trung ương Đoàn giao Ban Bí thư Trung ương Đoàn hướng dẫn cụ thể về thủ tục, hồ sơ và quy trình xét khen thưởng.

Chương V

QUYỀN LỢI VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁ NHÂN, TẬP THỂ ĐƯỢC KHEN THƯỞNG

Điều 18. Quyền lợi của cá nhân, tập thể được khen thưởng

1. Cá nhân tập thể được khen thưởng của Đoàn thì tùy từng trường hợp và điều kiện cụ thể được nhận kèm theo phần thưởng bằng tiền hoặc hiện vật theo quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đoàn.

2. Cá nhân được tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng có quyền lưu giữ, trưng bày và sử dụng hiện vật khen thưởng.

Điều 19. Trách nhiệm của cá nhân, tập thể được khen thưởng

          1. Cá nhân, tập thể được tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng có trách nhiệm giữ vững và phát huy thành tích đã đạt được, tiếp tục phấn đấu để lập thành tích cao hơn; tham gia tích cực các hoạt động do Đoàn, Hội, Đội tổ chức.

 2. Cá nhân, tập thể được khen thưởng có trách nhiệm bảo quản tốt các hiện vật khen thưởng; không sử dụng hiện vật khen thưởng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật hoặc các hành vi xâm phạm đến uy tín của tổ chức Đoàn.

Chương VI

HỘI ĐỒNG THI ĐUA - KHEN THƯỞNG CÁC CẤP

Điều 20. Cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp

1. Cơ cấu tổ chức

1.1. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Đoàn do Ban Bí thư Trung ương Đoàn quyết định thành lập. Đồng chí Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn là Chủ tịch Hội đồng; đồng chí Bí thư thường trực Ban Chấp hành Trung ương Đoàn là Phó Chủ tịch Hội đồng; các đồng chí Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn và đại diện lãnh đạo các ban phong trào và Văn phòng Trung ương Đoàn là thành viên Hội đồng. Văn phòng Trung ương Đoàn là cơ quan thường trực của Hội đồng.

1.2. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp tỉnh do Ban Thường vụ Đoàn cấp tỉnh quyết định thành lập. Đồng chí Bí thư Đoàn cấp tỉnh là Chủ tịch Hội đồng; 01 đồng chí Phó Bí thư là Phó Chủ tịch Hội đồng; các đồng chí Phó Bí thư và đại diện lãnh đạo các ban chuyên môn, văn phòng Đoàn cấp tỉnh là thành viên Hội đồng. Văn phòng Đoàn cấp tỉnh là cơ quan thường trực Hội đồng.

1.3. Cấp huyện và cơ sở, Ban Thường vụ Đoàn trực tiếp thực hiện chức năng của hội đồng thi đua, khen thưởng.

2. Chức năng, nhiệm vụ

 - Tham mưu cho Ban Thường vụ Đoàn cùng cấp về công tác thi đua, khen thưởng.

 - Theo dõi việc thực hiện các quyết định khen thưởng của Ban Thường vụ Đoàn; định kỳ báo cáo kết quả công tác thi đua, khen thưởng với Ban Thường vụ Đoàn cùng cấp.

 - Tổ chức tiếp nhận, tham mưu xử lý, quản lý và lưu trữ hồ sơ, tài liệu về công tác thi đua, khen thưởng theo quy định.

- Tham mưu để Ban Thường vụ phối hợp với Ủy ban Kiểm tra của Đoàn kiểm tra công tác thi đua, khen thưởng ở địa phương, đơn vị; giải quyết hoặc kiến nghị với Ban Thường vụ Đoàn cùng cấp hoặc cấp trên giải quyết các khiếu nại, tố cáo về khen thưởng.

Điều 21. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp  

 Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ và biểu quyết theo đa số. Trường hợp ý kiến các thành viên Hội đồng ngang nhau thì ý kiến của chủ tịch hội đồng là ý kiến quyết định.

Chương VII

QUỸ THI ĐUA, KHEN THƯỞNG

Điều 22. Nguồn trích lập Quỹ

Quỹ thi đua, khen thưởng của Đoàn ở các cấp được hình thành từ ngân sách Nhà nước cấp, từ nguồn thu đoàn phí và các nguồn hợp pháp khác. Mức trích lập quỹ ở các cấp thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước và hướng dẫn của Ban Bí thư Trung ương Đoàn.

Điều 23. Sử dụng Quỹ thi đua, khen thưởng

          1. Quỹ thi đua, khen thưởng của Đoàn các cấp được sử dụng để:

          - Chi in ấn giấy chứng nhận, giấy khen, bằng khen, làm kỷ niệm chương, huy hiệu, cờ thưởng, khung bằng khen.

- Chi tiền thưởng hoặc tặng phẩm cho cá nhân, tập thể.

- Chi công tác tổ chức, chỉ đạo các phong trào thi đua.

2. Quỹ thi đua, khen thưởng của Đoàn hằng năm được quyết toán theo đúng chế độ tài chính hiện hành.

Điều 24. Nguyên tắc chi thưởng và mức tiền thưởng

1. Mức tiền thưởng của các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cụ thể của Trung ương Đoàn do Ban Bí thư Trung ương Đoàn quyết định và theo Quy chế của từng loại giải thưởng.

2. Việc chi thưởng tại cấp tỉnh, huyện, cơ sở do Ban Thường vụ Đoàn cùng cấp quyết định.

Chương VIII

KIỂM TRA XỬ LÝ VI PHẠM, GIẢI QUYẾT  KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VỀ THI ĐUA, KHEN THƯỞNG

Điều 25. Kiểm tra công tác thi đua, khen thưởng        

Hằng năm, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp có trách nhiệm tham mưu cho Ban Thường vụ Đoàn cùng cấp phối hợp với Ủy ban Kiểm tra tiến hành kiểm tra công tác thi đua, khen thưởng của Đoàn trong phạm vi quản lý.

Điều 26. Xử lý vi phạm về công tác thi đua, khen thưởng

1. Cá nhân tổ chức vi phạm quy định về công tác thi đua, khen thưởng của  Đoàn bị xử lý theo các quy định của Điều lệ Đoàn và pháp luật về thi đua, khen thưởng.

 2. Việc thu hồi quyết định khen thưởng của Đoàn được thực hiện trong các trường hợp sau:

 - Cá nhân, tập thể gian dối trong việc kê khai thành tích để được khen thưởng.

 - Hiện vật khen thưởng hay danh hiệu thi đua của Đoàn bị sử dụng sai mục đích hoặc bị lợi dụng vào những việc vi phạm pháp luật.

- Cá nhân, tập thể được nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng có hành vi vi phạm pháp luật, hoặc vi phạm Điều lệ Đoàn đến mức gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của tổ chức Đoàn.

3. Việc thu hồi khen thưởng do cấp bộ đoàn ra quyết định khen thưởng xem xét quyết định. Đối với khen thưởng của Trung ương Đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn giao cho Ban Bí thư Trung ương Đoàn xem xét quyết định.

Điều 27. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi đua, khen thưởng

Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng có trách nhiệm tham mưu cho Ban Thường vụ phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Đoàn cùng cấp tiếp nhận, giải quyết các khiếu nại, tố cáo về công tác thi đua, khen thưởng theo đúng các quy định của Quy chế Thi đua, Khen thưởng của Đoàn, Điều lệ Đoàn, pháp luật về thi đua, khen thưởng và pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Chương IX

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 28. Trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế

1. Căn cứ Quy chế này, Ban Bí thư Trung ương Đoàn ban hành Hướng dẫn thực hiện Quy chế Thi đua, Khen thưởng của Đoàn; xây dựng các quy định, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trong cơ quan Trung ương Đoàn; đồng thời, trên cơ sở chương trình công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, ban hành Bộ tiêu chí đánh giá công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc để định hướng và đánh giá kết quả thi đua và xét khen thưởng hằng năm.

 2. Căn cứ Quy chế này, Ban Thường vụ Đoàn cấp tỉnh xây dựng hoặc sửa đổi bổ sung quy chế thi đua, khen thưởng của tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc để triển khai thực hiện.

3. Hằng năm, các tỉnh, thành đoàn và đoàn trực thuộc tiến hành sơ kết, tổng kết công tác thi đua, khen thưởng, thống kê thành tích thi đua, khen thưởng của đơn vị gửi báo cáo về Thường trực Hội đồng Thi đua, Khen thưởng Trung ương Đoàn trước ngày 30/11 để theo dõi, tổng hợp.  

4. Cá nhân, tập thể thuộc các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc được tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Nhà nước, sau khi nhận được quyết định khen thưởng phải thông báo về Trung ương Đoàn biết để theo dõi, tổng hợp thành tích thi đua khen thưởng chung của toàn Đoàn.

Điều 29. Hiệu lực của Quy chế

Quy chế này được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đoàn lần thứ hai, khóa XI; có hiệu lực kể từ ngày ký quyết định ban hành và thay thế Quy chế Thi đua, Khen thưởng ban hành kèm theo Quyết định số 707-QĐ/TWĐ-VP ngày 10 tháng 12 năm 2014. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn sẽ nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Quy chế Thi đua, Khen thưởng của Đoàn cho phù hợp./.

Tập tin đính kèm:
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 10.066.873
Truy cập hiện tại 4.413