Tham dự Hội nghị có Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam Bùi Quang Huy, lãnh đạo, đại diện các bộ, ngành là thành viên của Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam.
Khẳng định vị trí, vai trò của Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong năm 2022, Hội nghị tập trung góp ý hoàn thiện phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban trong năm 2023 nhằm phát huy hiệu quả, khẳng định vị trí, vai trò là tổ chức phối hợp liên ngành có chức năng tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh niên.
Theo đó, trong năm 2022, Ủy ban đã hoàn thành các nhiệm vụ đề ra theo kế hoạch, nổi bật là công tác phối hợp đề xuất, xây dựng chính sách về thanh niên; phối hợp đề xuất xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế hoạt động của Ủy ban; các chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ thuộc Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030; xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các quy chế, quy định đảm bảo hoạt động của Ủy ban và các cơ quan giúp việc của Ủy ban.
Các bộ, ngành thành viên của Ủy ban đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch công tác thanh niên năm 2022 theo ngành và lĩnh vực phụ trách; tích cực, chủ động trong ban hành và triển khai Kế hoạch thực hiện Luật Thanh niên, Chương trình phát triển thanh niên; chủ trì, xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, đề án được phân công tại Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
Các đoàn công tác của Ủy ban đã hoàn thành kế hoạch làm việc với UBND các tỉnh, thành phố theo kế hoạch đề ra, góp phần thúc đẩy triển khai thực hiện pháp luật, chính sách về thanh niên tại địa phương.
Công tác kết nối, chia sẻ thông tin giữa Ủy ban với UBND các tỉnh, thành phố về kết quả thực hiện chính sách pháp luật về thanh niên và công tác thanh niên được quan tâm thường xuyên hơn.
Công tác thanh niên phải gắn với "tin - giao - tạo - cổ"
Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác thanh niên hiện nay, nhất là trong việc đối thoại với thanh niên ở cấp xã, phường; việc lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển thanh niên trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với thanh niên, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, khu công nghiệp; vai trò quản lý nhà nước của chính quyền địa phương đối với công tác thanh niên...
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho rằng, cần quan tâm hơn nữa đến việc đối thoại với thanh niên ở cấp xã, phường; làm tốt hơn nữa việc lồng ghép công tác thanh niên trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương; phân luồng học nghề phải gắn với giải quyết việc làm cho thanh niên.
Công tác quản lý nhà nước về thanh niên phải gắn với bốn chữ "tin - giao - tạo - cổ", đó là: Tin thanh niên, giao nhiệm vụ, tạo điều kiện và cổ vũ cho thanh niên phát triển; tránh ỷ lại nhiệm vụ này cho đoàn thanh niên, Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành các dự án, đề án trong Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030; quan tâm, chăm lo hơn nữa đối với phát triển toàn diện về năng lực, trí tuệ mới có thể hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước của Đảng đến năm 2050.
Đại diện Bộ Ngoại giao kiến nghị chú trọng khai thác tốt mạng lưới đổi mới, sáng tạo của trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài, có trình độ, kinh nghiệm quốc tế. Đại diện Bộ Tư pháp nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành một bộ luật thống nhất về người chưa thành niên để có cơ sở pháp lý thống nhất, toàn diện, không cắt khúc.
Kinh nghiệm của Bộ Y tế cho thấy, muốn thực hiện tốt công tác thanh niên, cần có kế hoạch cụ thể cho từng năm, trong đó phân định rõ ai làm gì và làm như thế nào; đồng thời có sự kiểm tra, hướng dẫn triển khai ở cấp dưới trong quá trình triển khai. Với kinh nghiệm đó, trong năm 2022, Bộ Y tế đã huy động lực lượng cán bộ y tế thực hiện khám chữa bệnh miễn phí cho gần 4 triệu lượt người trên cả nước.
Phải xuất phát từ thực tiễn để triển khai công tác thanh niên trên các lĩnh vực
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thanh niên đều thể hiện sự quan tâm đặc biệt và niềm tin tưởng đối với thanh niên - lực lượng xung kích, đi đầu, có sức trẻ, có tri thức của đất nước.
Để đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thanh niên nhanh chóng đi vào cuộc sống, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần xây dựng các tiêu chí đánh giá việc tổ chức thực hiện.
Theo đó, kế hoạch công tác năm 2023 của Ủy ban cần đề ra những nhiệm vụ mang tính cụ thể hơn, xuất phát từ thực tiễn triển khai công tác thanh niên trên tất cả các ngành nghề, lĩnh vực.
Phó Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh những thách thức toàn cầu ngày càng gay gắt như biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên và môi trường, dịch bệnh,… các quốc gia đều phải nghiên cứu, đầu tư để chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, năng lượng tái tạo. Với Việt Nam, đây là bài toán không thể không đầu tư đến nơi đến chốn.
Nếu "không đi theo xu thế chúng ta sẽ ở lại" và các sản phẩm của chúng ta, từ hạt thóc, con cá… không thể hòa nhập với "sân chơi toàn cầu", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh và cho rằng, những vấn đề này cũng đặt ra những nhiệm vụ mới đối với thanh niên trong thời gian tới, từ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thích ứng sau đại dịch, đến tổ chức lại phát triển kinh tế và xã hội bền vững, hiệu quả.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Ủy ban phải lắng nghe mong muốn, khát khao của thanh niên để từ đó có giải pháp hiệu quả, tạo điều kiện để thanh niên Việt Nam cả ở trong và ngoài nước đóng góp, cống hiến tài năng, tâm huyết, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước./.