Đây là một trong những hoạt động trọng tâm được tổ chức hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2023 và trao giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XIV do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì.
Đồng chí Ngô Văn Cương, Bí thư TƯ Đoàn; đồng chí Trần Hữu, Ủy viên BTV, Trưởng Ban Thanh niên Công nhân và Đô thị T.Ư Đoàn; đồng chí Xuân Thọ, Ủy viên BCH , Phó Trưởng ban Thanh niên Công nhân và Đô thị T.Ư Đoàn đồng chủ trì tọa đàm.
Tọa đàm được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và kết nối trực tuyến đến 64 điểm cầu trên cả nước.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, đồng chí Ngô Văn Cương, Bí thư T.Ư Đoàn cho biết, chuyển đổi số đang dần trở thành xu thế không thể đảo ngược và là bước đi quan trọng để thực hiện nền kinh tế số và xã hội số, mở ra cho mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế và mỗi tổ chức, cá nhân cơ hội phát triển chưa từng có. Bên cạnh đó, chuyển đổi số cũng là những thách thức, yêu cầu mới. Theo đồng chí Ngô Văn Cương, Đảng và Nhà nước ta đề ra mục tiêu tới năm 2045 “Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á, có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh”..
Đồng chí Ngô Văn Cương, Bí thư TƯ Đoàn phát biểu tại tọa đàm
“Để góp phần thực hiện thành công mục tiêu đó thì một trong những lực lượng quan trọng là 15 triệu công nhân Việt Nam, những công nhân, kỹ sư, những người thợ lành nghề, những người trực tiếp sản xuất hàng hoá và cung ứng dịch vụ cho người tiêu dùng ở cả trong và ngoài nước, cần phải thích nghi tốt nhất với quá trình chuyển đổi số”, đồng chí Ngô Văn Cương nhấn mạnh.
Theo đồng chí Ngô Văn Cương, doanh nghiệp phải thay đổi cách vận hành truyền thống để phù hợp với một xã hội được chuyển đổi số. Và người lao động cũng phải thay đổi cách làm trước nay để có thể thích nghi và thay đổi trong công việc, hoà mình vào dòng chảy chuyển đổi số. “Ở đây không chỉ quá trình tự thân của người lao động mà còn có vai trò của doanh nghiệp, của các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là tổ chức Đoàn thanh niên trong đồng hành, tạo lập môi trường để thanh niên công nhân, người lao động trẻ trong các doanh nghiệp được nâng cao tay nghề, tiếp cận khoa học công nghệ và ứng dụng chuyển đổi số vào công việc hàng ngày", đồng chí Ngô Văn Cương nói.
Đồng chí Ngô Văn Cương đề nghị các đại biểu, đoàn viên, thanh niên tham dự tọa đàm cần trao đổi những vấn đề đặt ra đối với thanh niên công nhân và lao động trẻ trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 – 2027. Đồng thời, trao đổi Chính sách pháp luật lĩnh vực công pháp, tư pháp quốc tế; khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế về cơ hội vấn đề lao động, việc làm và sự chuẩn bị của thanh niên công nhân trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, phân tích, chỉ ra vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội LHTN Việt Nam trong việc đồng hành, hỗ trợ và phát huy vai trò của thanh niên công nhân trong quá trình áp dụng chuyển đổi số trong lao động, sản xuất, kinh doanh.
“Ban Tổ chức Diễn đàn hy vọng sẽ đón nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu tham dự Tọa đàm, đề xuất được các sáng kiến, giải pháp từ thực tế triển khai các hoạt động tiên phong, xung kích, sáng tạo chuyển đổi số trong lao động, sản xuất của thanh niên công nhân và lao động trẻ trong thời gian qua”
Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận, giới thiệu các mô hình hiệu quả về chuyển đổi số tăng năng suất lao động; đề xuất, kiến nghị các giải pháp để nâng cao năng lực số, phát huy vai trò của thanh niên công nhân trong quá trình áp dụng chuyển đổi số trong lao động, sản xuất, kinh doanh…
Tại tọa đàm, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Trần Quang Hưng cho biết, đồng hành với thanh niên nói chung, công nhân trẻ nói riêng, Thành đoàn Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực. Trong đó, Thành đoàn đã thực hiện hiệu quả Nghị quyết 09 của Thành ủy về thành lập tổ chức Đoàn, Hội trong doanh nghiệp ngoài nhà nước. Đoàn Thanh niên thành phố cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức sân chơi lành mạnh để công nhân trẻ phát huy các sáng kiến trong lao động sản xuất.
Theo Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Trần Quang Hưng nhằm tiếp tục đồng hành với thanh niên công nhân, Đoàn Thanh niên thành phố sẽ tập trung vào các nội dung: Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đoàn, hội trong các doanh nghiệp; khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên công nhân trên địa bàn; Phối hợp các đơn vị liên quan triển khai các dự án, mô mình hỗ trợ về hạ tầng, thiết chế văn hóa, tinh thần cho thanh niên công nhân, con công nhân.
Đặc biệt, tổ chức Đoàn, Hội thực hiện các công trình thanh niên, phần việc thanh niên đề xuất sáng kiến cải tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; Tổ chức các cuộc thi tay nghề, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tập huấn, trao đổi về kiến thức về khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại, ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào hoạt động sản xuất, kinh doanh cho thanh niên công nhân.
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Đồng Nai Nguyễn Hiếu Trung cũng cho rằng việc tạo môi trường cho thanh niên công nhân phát huy lợi thế, sáng kiến rất quan trọng. Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là yếu tố quan trọng, nòng cốt bảo đảm cho nền kinh tế phát triển, hội nhập sâu rộng, bền vững, ổn định trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức thời đại mới
Đồng chí Nguyễn Hiếu Trung đề nghị cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của thanh niên không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng để không tụt hậu trong xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm chính sách khuyến khích người học đi học giáo dục nghề nghiệp, thể hiện ở chế độ tuyển sinh, chế độ học bổng và học phí, chính sách tín dụng vay vốn sản xuất đối với học sinh có chứng chỉ đào tạo nghề xuất sắc; cần có các chính sách đảm bảo học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi học lên trình độ cao hơn.
Thượng tá Trần Hữu Dũng, Phó Trưởng ban Thanh niên Quân đội cho rằng, muốn chuyển đổi số trước hết phải thay đổi tư duy; tư duy thay đổi thì mới dẫn đến hành động đúng đắn. Và điều quan trọng, người “thủ lĩnh” Đoàn phải tiên phong, kiên định trên con đường chuyển đổi số, từ đó truyền cảm hứng cho các bạn trẻ noi theo.
Thượng tá Dũng cho rằng, để thanh niên tiên phong chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả lao động, sản xuất kinh doanh, một vấn đề quan trọng là cần trang bị văn hóa số cho thanh niên công nhân; tăng cường phối hợp tổ chức công tác tập huấn, đào tạo nhằm trang bị cho thanh niên hiểu biết, kỹ năng về công nghệ thông tin, nâng cao nhận thức về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, của Quân đội cũng như tất cả các lĩnh vực khác của đời sống,