Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ khai lễ 1000 năm Thăng Long.
Tới dự lễ khai mạc Đại lễ có nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân...
Ngoài ra, còn có 1.000 đại biểu tham dự lễ khai mạc.
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã thắp ngọn lửa thiêng, mở màn cho 10 ngày Đại lễ.
Gióng trống khai hội non sông.
Sau lễ chào cờ, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị có bài phát biểu khai mạc Đại lễ. Trong bài phát biểu của mình, ông Phạm Quang Nghị bày tỏ lòng biết ơn công lao trời bể của các vị tiền nhân đã hiến dâng trí tuệ, sức lực và máu xương trong cuộc trường chinh dựng nước và giữ nước, cùng chung tay góp sức xây dựng Thăng Long - Hà Nội giàu đẹp, văn minh.
Ông Nghị khẳng định, chúng ta mãi tự hào về khí phách ông cha qua những vần thơ hùng tráng của Đức vua Trần Nhân Tông:
Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
Non sông nghìn thủa vững âu vàng
“Chúng ta tự hào với di sản văn hoá lâu đời của Thăng Long cùng những tác phẩm bất hủ. Hà Nội mang trong mình những tiềm năng sức mạnh tinh thần vật chất. Thành phố đã đạt được những thành tựu to lớn.
Thế hệ chúng ta có hạnh phúc lớn được sống vào thời điểm Thăng Long - Hà Nội tròn 1000 năm. Con Lạc cháu Hồng của thời đại Hồ Chí Minh đang ra sức tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng Thủ đô nước ta ngày càng to đẹp hơn”, ông Nghị nói.
Bà Irina Bokova trao bằng Di sản văn hoá thế giới khu Trung tâm hoàng thành Thăng Long
Tiếp sau đó, Tổng Giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova đã trao bằng Di sản văn hoá thế giới khu Trung tâm hoàng thành Thăng Long cho lãnh đạo Thành phố Hà Nội.
Bà Irina Bokova cho biết bà rất vinh hạnh được mặc chiếc áo dài cùng dự Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội.
“Trái tim của chúng ta cùng hoà một nhịp đập và Thần Kim Quy và Cụ Rùa cũng đang lắng nghe chúng ta”, bà Irina Bokova nói.
Theo bà, Unesco luôn có mối quan hệ chặt chẽ với Việt Nam, Unesco đã trao cho Hà Nội danh hiệu thành phố vì hoà bình và cùng Việt Nam tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh…
“Trung tâm hoàng thành được công nhận là di sản là một vinh dự nhưng cũng mang đến trách nhiệm mới cho các bạn. Kể từ ngày hôm nay, các bạn có trách nhiệm gìn giữ quảng bá cho nhân loại. Không có biểu tượng nào về hoà bình lại hơn một di sản...”, bà Irina Bokova nhấn mạnh.
Bà Irina Bokova đánh giá, nỗ lực của Việt Nam đã biến đất nước thành một đối tác quan trọng trên trường quốc tế. Bất kỳ ai đến Việt Nam cũng choáng ngợp vì sự phát triển với những cây cầu, con đường, toà nhà mọc lên khắp nơi.
Bà Irina Bokova gửi tới người dân Việt Nam lời chúc tình hữu nghị và không quên nhắn nhủ, hãy giữ gìn di sản.
Sau nghi thức thả chim bồ câu, phần lễ kết thúc (9h30) là lúc bắt đầu phần hội tại 5 sân khấu khu vực xung quanh Hồ Gươm và Quảng trường Cách mạng Tháng Tám (kéo dài đến 16h30).
Trong phần hội, sân khấu chính tại vườn hoa Lý Thái Tổ có sự góp sức của 1.000 nghệ sĩ, mỗi sân khấu còn lại có từ 100 đến 400 nghệ sĩ. 5 sân khấu này do các nhà thơ, nghệ sĩ, đạo diễn: Phan Huyền Thư, Thảo Vân, Đức Trịnh, Đinh Công Thuận, Lại Văn Đăng phụ trách.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Tổng đạo diễn lễ khai mạc, ông Đặng Văn Hùng, Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Quân đội cho biết, lễ khai mạc mang dấu ấn, tầm vóc sự kiện lịch sử của dân tộc, thể hiện tính linh thiêng, hào hùng sâu lắng, xúc động, nhưng hào hoa và thanh lịch...
Ngày khai mạc Đại lễ mở màn cho trên 50 hoạt động khác nhau trong 10 ngày Đại lễ. Có thể kể tới các hoạt động văn hoá nghệ thuật như “Đêm Hồ Gươm lung linh và trình diễn áo dài truyền thống” tại xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm (đêm 1/10), Biểu diễn các điệu múa cổ Thăng Long - Hà Nội tại vườn hoa Lý Thái Tổ (đêm 4/10), Biểu diễn Âm nhạc của các nghệ sỹ nổi tiếng Việt Nam tại Nhà hát lớn (đêm 5/10), Biểu diễn của các đoàn nghệ thuật quốc tế tại các sân khấu ngoài trời (đêm 9/10), Chương trình Lễ hội đường phố của Tuổi trẻ Thủ đô và cả nước tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám (đêm 8/10)…
Sẽ có 10 ngày đậm sắc văn hóa Việt
Hoạt động trưng bày hiện vật lịch sử 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, số 9 và 18 Hoàng Diệu sẽ khai mạc ngày 2/10. Kế tiếp đó, trong 10 ngày Đại lễ có nhiều triển lãm như: Triển lãm các trận đánh và chiến dịch nổi tiếng trong lịch sử quân sự Việt Nam (khai mạc chiều 4/10), Triển lãm và Liên hoan thư pháp Thăng Long - Hà Nội tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (khai mạc chiều 4/10), Triển làm Những tấm lòng với Thăng Long Hà Nội tại Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị (sáng 6/10)…
Cũng trong dịp Đại lễ sẽ có liên hoan ẩm thực Hà thành tại công viên nước Hồ Tây (tối 6/10), liên hoan nghệ thuật Diều - Hà Nội tại Quảng trường Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (sáng 6/10), Liên hoan du lịch quốc tế Thăng Long - Hà Nội tại Thiên đường Bảo Sơn (đêm 2/10)…
Nhiều công trình trọng điểm chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội cũng sẽ được khánh thành trong dịp Đại lễ như khánh thành tượng đài Bác Hồ và Bác Tôn (tại công viên Thống Nhất),Công viên Hoà Bình, Bảo tàng Hà Nội, Rạp Công nhân, …
“Con đường gốm sứ” cùng được khánh thành trong dịp này (5/10). Đặc biệt hơn, Tổ chức Kỷ lục Guinness sẽ có mặt tại buổi lễ khánh thành “Con đường gốm sứ” và trao bằng chứng nhận “Bức tranh gắn gốm lớn nhất thế giới’.
Lễ diễu binh với quy mô lớn nhất từ trước tới nay (Ảnh: Hữu Nghị)
Sự kiện quan trọng trong dịp Đại lễ là Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành sẽ diễn ra sáng 10/10 tại Quảng trường Ba Đình. Đây là chương trình mít tinh, diễu binh diễu hành cấp quốc gia quy mô lớn nhất từ trước tới nay với sự tham gia của 31.000 người.
Đêm hội văn hoá nghệ thuật kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long tại SVĐ quốc gia Mỹ Đình (đêm 10/10) dự kiến sẽ là đêm nghệ thuật hoành tráng được “chốt” lại bằng màn bắn pháo hoa nghệ thuật. Màn bắn pháo hoa tại 28 điểm khác nhau trên toàn Thành phố ngay sau đó sẽ khép lại 10 ngày Đại lễ.
Kim Tân