Sự kiện
01-03/10: Tham dự Quốc khánh nước Đại hàn Dân quốc     *     Thường trực Tỉnh Đoàn làm việc với Trung tâm    *    15/10: Làm việc với JICA     *     30/10: Lễ bàn giao trang thiết bị do KOICA hỗ trợ

 

Tìm kiếm tin tức

Từ những chứng tích lịch sử
Ngày cập nhật 03/05/2021

Những chứng tích của một quá khứ hào hùng, những hiện vật lịch sử thấm mồ hôi, xương máu của cha ông là những ngọn lửa nhỏ cháy sáng, thắp lên trong lòng thế hệ trẻ lòng biết ơn, niềm tự hào.

Trải nghiệm

Dịp kỷ niệm ngày quê hương giải phóng, 50 bạn trẻ thuộc CLB Khám phá Huế là sinh viên các trường cao đẳng, đại học ở Huế hào hứng tham gia hành trình thanh thiếu nhi với di sản chủ đề “Em yêu lịch sử quê hương” do Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi và Bảo tàng Lịch sử phối hợp tổ chức.

Quây quần quanh khu trưng bày hình ảnh, hiện vật trong kháng chiến chống Mỹ ở Thừa Thiên Huế, những vật dụng giản dị quen thuộc của anh Bộ đội Cụ Hồ: đôi dép cao su, ba lô con cóc, mũ tai bèo, chiếc gậy vượt Trường Sơn… khiến các bạn trẻ bùi ngùi xúc động. Ngậm ngùi trước những kỷ vật là chiếc mũ ngả màu, chiếc áo vải sờn vai. Thú vị với cây sáo, chiếc đàn ghi ta các anh tự tạo từ thùng lương khô. Trầm trồ ngưỡng mộ khi chỉ với những chiếc cuốc, xẻng thô sơ, các anh đã mở đường Trường Sơn cứu nước.

Hồ Thị Nguyệt Hà, sinh viên Khoa tiếng Nhật, Trường đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế xúc động: “Cuộc sống sinh hoạt của các chiến sĩ bộ đội quá gian khổ, vậy mà, họ sẵn sàng hy sinh tuổi xuân, xương máu để làm nên lịch sử. Em lặng người xúc động trước hình ảnh nhỏ nhắn, xinh xắn của 11 cô gái Sông Hương. Chỉ ở tuổi đôi mươi nhưng họ đã chiến đấu anh dũng ngoan cường, lập nhiều chiến công hiển hách”.

Ở khu chứng tích lao Thừa Phủ, nơi được xem là “địa ngục trần gian” mà thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và tay sai giam giữ, tra tấn dã man nhiều thế hệ chiến sĩ, các em được xem hình ảnh tư liệu, nghe những câu chuyện kể về các nhà hoạt động cách mạng kiên trung, như: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà thơ Tố Hữu… để hiểu hơn ý chí đấu tranh, tinh thần anh dũng của quân và dân ta trước ách áp bức của kẻ thù.

Vào dịp 26/3, không gian yên ắng của nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nổ bừng sức sống của tuổi trẻ khi đón 60 học sinh đến từ thị xã Hương Thủy. Cả khu vườn rộn vang tiếng cười, tiếng hát khi các em hào hứng khám phá, tìm hiểu quê hương tuổi thơ Bác Hồ qua các trò chơi đố vui, hoạt động trải nghiệm. Đây không chỉ là trải nghiệm thú vị để các em hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là giai đoạn Người và gia đình sống tại Huế, mà còn là cơ hội để các em biết trên quê hương mình có những di sản quý, từ đó có ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, trở thành những tuyên truyền viên tích cực quảng bá hình ảnh quê hương.

Hiểu và trân trọng lịch sử

Là đơn vị quản lý các di tích, địa chỉ đỏ, Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bảo tàng Lịch sử tỉnh luôn đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ qua các hoạt động: miễn vé tham quan cho học sinh, tổ chức cho học sinh, sinh viên đến tham quan học tập, sinh hoạt ngoại khóa, trải nghiệm, thi tìm hiểu lịch sử… Trong số hàng triệu lượt người tới tham quan bảo tàng, di tích, rất đông các em học sinh, sinh viên đến tìm hiểu lịch sử, dâng hương, báo công. Những địa chỉ này thực sự trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng “trực quan, sinh động” bởi hệ thống tư liệu, hình ảnh, hiện vật phong phú.

Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh cho biết: “Các em học sinh, sinh viên, thanh niên rất thích thú khi được xem, tìm hiểu những hiện vật lịch sử trực tiếp tham gia trong chiến tranh. Đó là những hình ảnh sống động phản ánh chân thật quá trình đấu tranh cách mạng của quân dân Thừa Thiên Huế, đem lại cho thế hệ trẻ những cảm xúc thật”.

Hàng năm, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi phối hợp với các bảo tàng tổ chức chương trình tìm hiểu di tích văn hóa lịch sử, các địa chỉ đỏ nhằm tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào trong thế hệ trẻ. Đây cũng là hoạt động góp phần đa dạng hóa các hoạt động giáo dục di sản văn hóa tại các di tích, khuyến khích thanh thiếu nhi tìm hiểu giá trị và trải nghiệm các di sản văn hóa tại địa phương.

Ông Trần Xuân Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi cho rằng: “Đây là trải nghiệm thú vị dành cho các đoàn viên thanh niên, là cơ hội để các em tìm hiểu và bổ sung kiến thức về lịch sử của các địa chỉ đỏ. Chúng ta vẫn lo ngại thế hệ trẻ sau này thờ ơ với lịch sử do tác động của phim ảnh, công nghệ, mạng xã hội nhưng nếu có cơ hội được tham quan, trải nghiệm địa chỉ cách mạng, các em rất hào hứng tìm hiểu. Để tránh nhàm chán, chúng tôi lồng ghép tổ chức cho các em tìm hiểu về di tích thông qua các hoạt động vừa học vừa chơi, các trò chơi kỹ năng, đố vui… để tạo sự cuốn hút, sôi động”.

Khi có cơ hội trải nghiệm, những chứng tích trước mắt giúp nhiều bạn trẻ cảm nhận sâu sắc tinh thần đấu tranh bất khuất của các chiến sĩ cách mạng. Lần đầu tiên đến thăm lao Thừa Phủ, Huỳnh Thị Mỹ Huyên, sinh viên Khoa tiếng Trung, Trường đại học Ngoại ngữ bày tỏ xúc động: “Trong không gian giam giữ chật hẹp với những đòn tra tấn dã man của kẻ thù, vậy mà các chiến sĩ vẫn một lòng kiên trung, tiếp tục hoạt động cách mạng trong lòng địch. Chuyến đi này giúp em hiểu sâu sắc rằng, giá trị của cuộc sống hòa bình hôm nay được đánh đổi bằng xương máu, mồ hôi và nước mắt của bao thế hệ đi trước”.

Minh Hiền (Báo Thừa Thiên Huế)
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 10.051.309
Truy cập hiện tại 7.296