Thừa Thiên Huế : Lễ tế Đàn Xã Tắc năm 2013
Ngày cập nhật 03/04/2013

 Tối ngày 02/4/2013 (tức ngày 22/02 - Quý Tỵ), Lễ tế Đàn Xã Tắc năm 2013 đã được tổ chức trong không khí trang nghiêm và thành kính, lễ tế đã tái hiện về một nghi lễ tôn nghiêm dưới triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng với ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

 Ở nước ta, Lễ tế Xã tắc có từ thời nhà Lý. Đời vua Lý Thái Tông (1045), mùa Thu, lập đàn Xã Tắc ở ngoài Trường Quảng để cầu được mùa. Đời vua Lý Nhân Tông (1105), mùa Xuân lập đàn làm lễ cầu thần Cao Môi… Theo Kinh Lễ thì đàn Xã Tắc được xây dựng phải có nền "Xã" để tế Thổ Thần và phải dựng nền "Tắc" để tế Cốc Thần. Hai nền Xã và nền Tắc cùng ở một đàn nên gọi là đàn Xã Tắc và trong thế gian con người sinh ra trong cõi đời ai cũng đều nhờ đất mà ở, nhờ thóc lúa để ăn, cho nên ngày xưa từ thiên tử cho đến hạng thứ dân ai nấy đều coi trọng việc tế thần Xã Tắc. Vì thế, danh từ "Xã Tắc" còn hàm chứa cái ý sâu xa hơn, đó là chỉ đất nước và dân tộc. 

Đàn Xã Tắc, thời Nguyễn được xây vào năm 1806, dưới triều vua Gia Long, tọa lạc ở phía Tây Nam kinh thành Huế, thuộc địa phận thôn Ngưng Tích, nay là phường Thuận Thành, thành phố Huế. Tương truyền, khi xây dựng Đàn tế lễ, triều nhà Nguyễn đã lệnh cho các thành, dinh, trấn toàn quốc đóng góp đất sạch về để đắp lên ngôi đàn tế để cúng tế thần đất (xã) và thần ngũ cố (tắc), cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Vì vậy, Lễ tế Đàn Xã Tắc là biểu trưng cho linh khí núi sông của giang sơn xã tắc để hàng năm vào tháng 2 và tháng 8 âm lịch, tổ chức cúng tế, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu mong mùa màng bội thu, đem lại hạnh phúc ấm no cho muôn dân.

Chương trình bắt đầu bằng lễ xuất cung tại điện Thái Hòa với đoàn ngự đạo là một đám rước mang màu sắc cung đình, có cờ, lọng, kiệu, áng... tiến về Đàn Xã Tắc làm lễ tế. Hơn 550 diễn viên, nghệ nhân Nhã nhạc cung đình Huế cùng đại diện các bô lão và Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế tham gia lễ tế. Tại đàn Xã Tắc, trong tiếng nhạc cung đình tấu diễn, các nghi lễ xưa lần lượt được tái hiện như: Lễ Quán tẩy (rửa tay tẩy trần), Lễ Thượng hương (dâng hương), Lễ Nghinh trần (rước thần đến dự), Lễ Điện ngọc bạch (dâng ngọc trắng), Lễ Truyền chúc (đọc chúc văn), Lễ Hiến tước (dâng rượu), Lễ Phú tộ (hưởng lộc), Lễ Triệt soạn (hạ cỗ), Lễ Tống thần (đưa tiễn thần) và Lễ Tư chúc bạch soạn (đốt chúc văn, ngọc lụa, bài vị)…

 Việc tái hiện Lễ tế Đàn Xã Tắc, ngoài việc phục dựng, bảo tồn một nghi lễ tâm linh truyền thống, một ý nghĩa sâu sắc hơn đó là sự tôn vinh nền văn minh lúa nước cũng như nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

 

Một số hình ảnh tại Lễ tế Xã Tắc năm 2013

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Quốc Vũ (theo: thuathienhue.gov.vn)
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 10.062.951
Truy cập hiện tại 2.746