Tối 22/9, tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND tỉnh tổ chức lễ đón Bằng công nhận Ca Huế là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến dự có đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND và UBND tỉnh.
Trong lịch sử, Thuận Hóa - Phú Xuân – Huế đã từng là thủ phủ của Đàng Trong, là kinh đô của triều đại Tây Sơn và Nhà Nguyễn, ngày nay Thừa Thiên Huế còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa tiêu biểu, đó là hệ thống các loại hình nghệ thuật diễn sướng cung đình Việt Nam, các hình thái nghệ thuật diễn xướng bác học, tôn giáo, và dân gian xứ Huế. Trong đó, ca Huế là một loại hình nghệ thuật đặc sắc đang được cộng đồng gìn giữ, bảo tồn.
Ca Huế là một loại hình nghệ thuật âm nhạc bác học truyền thống đặc sắc gắn liền với đời sống và nhu cầu thẩm mỹ cao của giới phong lưu quý tộc, vừa hòa quyện, gắn liền với đời sống cộng đồng, góp phần bồi đắp và làm phong phú thêm các giá trị nghệ thuật truyền thống của vùng đất sông Hương, núi Ngự và lan rộng đến các vùng miền trong cả nước và trở thành kho tàng quý báu của dân tộc.
Với những giá trị đặc trưng, tiêu biểu của loại hình nghệ thuật ca Huế, ngày 08/6/2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL công nhận ca Huế là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm tự hào, đồng thời cũng là trách nhiệm đặt ra trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị của di sản.
Để phát huy giá trị di sản, trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung đẩy mạnh công tác nghiên cứu, làm rõ thêm các giá trị ca Huế, tập trung nâng cao chất lượng biểu diễn ca Huế; tổ chức truyền dạy, phố biến ca Huế, đưa ca Huế thấm sâu vào trong hoạt động cộng đồng; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo tồn và phát huy giá trị ca Huế… Từng bước xây dựng luận cứ để lập hồ sơ di sản ca Huế, đệ trình UNESCo công nhận là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể truyền khẩu đại diện của nhân loại.
Một số tiết mục biểu diễn ca Huế tại buổi lễ: