|
Vững vàng khí phách Thăng Long - Hà Nội Ngày cập nhật 11/10/2010 Hòa trong tiếng nhạc Tiến quân ca trầm hùng là 21 loạt đại bác vang dội, mở đầu cho lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội sáng qua, 10.10.
Đúng 8 giờ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đọc diễn văn khai mạc buổi lễ. Chủ tịch nước gửi tới đồng bào chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài lời chúc mừng trân trọng, và không quên bày tỏ lòng cảm ơn chân thành tới bạn bè quốc tế đã mang đến ngày đại lễ không khí ấm áp của bạn bè 4 phương. Chủ tịch nước khẳng định: “Trải qua 1.000 năm với bao biến cố thăng trầm, Thăng Long - Hà Nội vẫn tư thế vững vàng, khí phách hiên ngang, xứng đáng là trái tim của cả nước, để hôm nay cả dân tộc trùng phùng”.
|
Tham dự lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành có Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Trần Đức Lương; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải; Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Huỳnh Đảm; Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cùng đại diện lãnh đạo bộ, ban, ngành, TP Hà Nội, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành trong cả nước; các vị khách quốc tế, các đại sứ, đại diện, trưởng đại diện tổ chức quốc tế tại VN; các bậc lão thành cách mạng, mẹ VN anh hùng, anh hùng LLVT, anh hùng lao động, các tướng lĩnh...
|
|
Ông tiếp tục: “Chúng ta tôn vinh truyền thống văn hiến của thủ đô địa linh nhân kiệt, nơi lắng đọng hào khí Thăng Long, hồn thiêng sông núi, nơi kết tinh và tỏa sáng trí tuệ VN, tỏa sáng lương tri và phẩm giá con người”. Theo Chủ tịch nước: “Văn hiến thể hiện bản sắc của dân tộc như Nguyễn Trãi đã từng khảng khái: Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền Văn hiến đã lâu... Núi sông bờ cõi đã chia, phong tục Bắc - Nam cũng khác và tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có... Văn hiến là nền tảng hình thành tinh thần độc lập, tự chủ và chủ quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc, là khởi đầu cho mọi sức mạnh và sự thông minh, sáng tạo của dân tộc VN. Truyền thống ấy sẽ trường tồn muôn thuở”.
Tự hào về thủ đô nghìn năm văn hiến, song Chủ tịch nước cũng không quên nhắc nhở: Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là dịp để chúng ta tiếp tục khẳng định những phẩm chất cao quý và truyền thống tốt đẹp: Văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị của thủ đô, của đất nước con Hồng, cháu Lạc. “Chúng ta có trách nhiệm giữ gìn, truyền lại cho muôn đời con cháu mai sau và phát huy lên một tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh”, ông nhấn mạnh.
Đúng 8 giờ 15 phút, mười chiếc máy bay trực thăng của Không quân VN anh hùng mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc và logo biểu trưng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội bay trên bầu trời thủ đô Hà Nội, mở đầu cho màn diễu binh, diễu hành. Sau đoàn xe mang Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN và ảnh Hồ Chủ tịch là hình ảnh vô cùng đẹp mắt của khối 200 vận động viên đại diện cho các môn thể thao thể hiện tinh thần thượng võ và sức mạnh của dân tộc tiến qua lễ đài nâng cao lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc và Hồng kỳ tung bay trước gió.
Khối diễu binh của lực lượng quân đội VN với đại diện các lực lượng như đoàn quân nhạc, phòng không không quân, khối sĩ quan biên phòng, khối nữ sĩ quan thông tin... lần lượt tiến qua lễ đài, tạo nên bầu không khí trang nghiêm, oai hùng, tự hào, hiên ngang, vững chãi.
|
Đoàn diễu hành của thanh niên VN - ảnh: Lưu Quang Phổ
|
Dẫn đầu khối diễu hành của các tầng lớp nhân dân là xe rước rồng thời Lý với biểu tượng rồng mềm mại, uốn lượn 12 khúc tượng trưng 12 tháng trong năm, gắn liền sự kiện 1010 khi vua Lý Công Uẩn quyết định dời đô về Thăng Long; tiếp theo là khối rước biểu trưng của thủ đô Hà Nội thông qua hình tượng cách điệu của Khuê Văn Các - Quốc Tử Giám, trường ĐH đầu tiên của VN; xe rước bằng công nhận Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa của thế giới do UNESCO trao tặng...
Lời cảm ơn
Hoạt động Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, diễn ra tại Hà Nội và các địa phương trong cả nước, đã thành công tốt đẹp.
Ban Chỉ đạo quốc gia Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Ban tổ chức cấp Nhà nước kỷ niệm các ngày lễ lớn xin trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương, thành phố Hà Nội và các địa phương; đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; các tổ chức, các đoàn ngoại giao và bạn bè quốc tế; các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương, địa phương và nước ngoài đã đến dự, theo dõi và đã dành những tình cảm sâu sắc hưởng ứng, cổ vũ, động viên, giúp đỡ góp phần vào sự thành công các hoạt động Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Xin cảm ơn và hoan nghênh các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành và các đơn vị phục vụ đã dành tâm huyết, nỗ lực cao, góp phần tích cực vào sự thành công của Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt là lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội sáng ngày 10 tháng 10 năm 2010 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.
Ban Chỉ đạo quốc gia
Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội
|
Công bố 20 kỷ lục quốc gia của thủ đô Hà Nội
Tối qua 10.10, Trung tâm Sách kỷ lục VN chính thức công bố 20 kỷ lục quốc gia của thủ đô Hà Nội nhân Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
1) Nơi duy nhất chứng kiến sự ra đời của 3 bản tuyên ngôn độc lập: bài thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt vào nửa sau thế kỷ 11, cùng hai tác phẩm chính luận bất hủ của hai danh nhân văn hóa thế giới là: Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi đầu thế kỷ 15 và Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa thế kỷ 20.
2) Thành phố có nhiều hồ đầm nhất: có đến hơn 40 hồ đầm lớn nhỏ của Hà Nội được các nhà nghiên cứu ghi nhận vào cuối thế kỷ 20.
3) Thành phố có diện tích lớn nhất: với tổng diện tích 3.324,92 km2, gồm 10 quận, 1 thị xã, 18 huyện ngoại thành, Hà Nội hiện là thành phố rộng nhất nước và nằm trong số 17 thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới.
4) Thành phố có nhiều di tích danh thắng nhất: với hơn 4.000 di tích danh thắng (trong đó có hơn 1.000 di tích đã được xếp hạng quốc gia) cộng với một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú, hơn 1.200 làng nghề cùng nhiều lễ hội độc đáo và một nền văn hóa ẩm thực đa dạng, đặc sắc.
5) Thành phố có hệ thống bảo tàng với quy mô lớn nhất.
6) Thành phố có tên phố và ngõ bắt đầu bằng chữ “hàng” nhiều nhất: với hơn 50 tên phố, ngõ bắt đầu bằng chữ Hàng như Hàng Gạo, Hàng Cá, Hàng Đường, Hàng Khoai, Hàng Bột, Hàng Dầu, Hàng Bát Đàn, Hàng Bát Sứ, Hàng Đũa...
Những kỷ lục còn lại gồm: Công trình đài nghiên – tháp bút duy nhất. Trường quốc học cao cấp đầu tiên của VN: Quốc Tử Giám. Nơi có hệ thống văn bia tiến sĩ nhiều nhất: Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Bia tiến sĩ đầu tiên: dựng năm 1484 về tiến sĩ khoa Nhâm Tuất 1442. Tòa thành cổ nhất: thành Cổ Loa. Trường mỹ thuật đầu tiên: là trường Mỹ thuật Đông Dương (École supérieure des beaux arts de l’Indochine). Trường đại học y đầu tiên: thành lập năm 1902 do bác sĩ nổi tiếng Yersin làm hiệu trưởng đầu tiên. Khu vườn duy nhất có nhiều giống cây trái đặc trưng ba miền: vườn nhà Bác Hồ. Làng làm nghề ảnh sớm nhất: làng Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức). Phố có nhiều cổng làng nhất: phố Thụy Khuê. Cây cầu sắt nhiều tuổi nhất: cầu Long Biên (xây từ 1899 đến 1902 theo phương án của Gustave Eiffel – người thiết kế tháp Eiffel). Di tích có quy mô khai quật lớn nhất: Hoàng thành Thăng Long, được UNESCO xếp hạng là di sản văn hóa thứ 900 của nhân loại. Viện nghiên cứu khoa học đầu tiên: là Viện Viễn Đông Bác Cổ, thành lập năm 1901.
Giao Hưởng
|
Theo: Thanh niên Tin mới Các tin khác
|