Campuchia tổ chức quốc tang
Ngày cập nhật 26/11/2010
Thủ tướng Hun Sen không cầm được nước mắt - Ảnh: Nghĩa Phạm

Hôm qua, Campuchia đã hạ cờ xuống thấp trong ngày quốc tang để tưởng niệm những nạn nhân trong thảm kịch giẫm đạp đêm 22.11 trên cầu Đảo Kim Cương.

Từ sáng sớm, nhiều người dân đã đến khu vực bờ sông trước cây cầu định mệnh ở Phnom Penh. Họ đem theo hoa, nhang và đồ cúng để dự lễ quốc tang được tổ chức tại đây và cầu siêu cho người đã khuất. Khoảng 7 giờ 30 sáng, các đoàn quan chức chính phủ đến đặt vòng hoa và thắp hương tưởng niệm các nạn nhân. Thủ tướng Campuchia Hun Sen và phu nhân, bà Bun Rany cũng đến ngay sau đó. Ông Hun Sen không nén được xúc động khi thắp hương và đã khóc. Vợ ông cũng không cầm được nước mắt.

Lễ quốc tang được tổ chức đơn giản nhưng long trọng. Không khí yên ắng trong cơn gió mát của buổi sáng sớm. Dòng người cứ thế nối dài, trật tự và lặng lẽ đi vào đặt vòng hoa, thắp nhang và cầu nguyện cho các nạn nhân. Đến hôm qua, vụ giẫm đạp kinh hoàng đêm 22.11 vẫn là chủ đề bàn tán khắp Phnom Penh. Ở đâu người ta cũng nói chuyện với nhau về câu chuyện đau lòng này. Có lẽ chưa bao giờ đất nước Campuchia lại chịu một nỗi bất hạnh to lớn như vậy từ sau thời Khmer Đỏ. Trao đổi với một số người bản địa ở Phnom Penh, chúng tôi được biết từ khi thảm họa xảy ra, người ta ít ra đường vào ban đêm hơn. Các quán bar và các điểm vui chơi cũng vắng người hơn trước.

 


Dòng người kéo đến cầu Đảo Kim Cương để tưởng niệm và cầu siêu cho các nạn nhân - Ảnh: Việt Phương

 

Bà Sue On, 72 tuổi, mang bánh trái đến khu vực cầu để thắp hương cầu siêu cho các nạn nhân dù nhà bà không có ai bị nạn. Bà nói: “Không cần biết đó là ai, người Campuchia hay người Việt Nam. Tôi thấy họ tội nghiệp quá nên đến đây cầu cho linh hồn họ được siêu thoát. Đất nước đang đi lên mà bị chuyện như thế này thì buồn quá. Cầu cho Campuchia luôn được hạnh phúc”. Được biết, con gái bà Sue On cũng lấy chồng người Việt, hiện đang ở Hà Nội.

Vào buổi chiều, một buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân theo nghi thức Phật giáo đã diễn ra tại Bộ Ngoại giao Campuchia với sự tham dự của Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Hor Nam Hong cùng đại sứ các nước. Đại sứ Việt Nam Ngô Anh Dũng và phu nhân cũng đến dự.

 


Đại sứ Việt Nam Ngô Anh Dũng và phu nhân (giữa) đến dự lễ cầu nguyện tại trụ sở Bộ Ngoại giao Campuchia - Ảnh: Việt Phương

 

Tấm lòng từ Việt Nam

Trước nỗi mất mát quá lớn của đất nước Campuchia anh em, nhiều tổ chức, cá nhân Việt Nam đã sang thăm hỏi, chia buồn, đồng thời có những nghĩa cử thiết thực giúp đỡ gia đình các nạn nhân, trong đó có những gia đình là kiều bào đang sinh sống và làm ăn tại Campuchia.

TP.HCM đã cử đoàn công tác do bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế thừa ủy quyền của lãnh đạo TP đã đưa sang 50 tấn thuốc trị giá 50.000 USD và 100.000 USD tiền mặt giúp các nạn nhân trong vụ giẫm đạp. Sáng qua, đoàn đã đến thăm hỏi và trao tiền ủng hộ những gia đình Việt kiều có người thân tử nạn. Trong hoàn cảnh tang thương, sự có mặt và giúp đỡ của những tấm lòng từ Việt Nam đã làm ấm lòng bà con Việt kiều xa xứ.

 


Đại diện TP.HCM và Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đến thăm gia đình Việt kiều có người thân tử nạn tại Phnom Penh - Ảnh: Tiến Trình

 

Gia đình anh chị Nguyễn Văn Hy và Nguyễn Thị Ẩn vừa trải qua nỗi đau quá lớn khi mất hai đứa con là Nguyễn Thị Bình (20 tuổi) và Nguyễn Văn Sóc (13 tuổi), đã không cầm được nước mắt trước chuyến thăm bất ngờ của đồng bào từ Việt Nam. Tại chùa Mha Montreng (Phnom Penh), nơi quàn linh cữu của hai mẹ con chị Dương Thị Loan và Hout Vanthy, khi đoàn đến thăm, người ta đang chuẩn bị đưa thi thể đi hỏa táng. Chồng và đứa con còn lại của chị Loan cũng đang bị thương trong vụ giẫm đạp. Anh Huot Kim Li, chồng chị Loan làm nghề hớt tóc dạo, còn chị đi bán hàng rong kiếm sống và nuôi con ăn học. Đêm xảy ra tai nạn, cả nhà cùng đi lễ hội. Anh dẫn tay đứa con lớn còn chị dẫn đứa nhỏ Huot Vanthy. Sự cố xảy ra, gia đình anh Li bị cuốn theo dòng người, bị xô ngã. Anh chị cố lấy thân mình để che cho con. Sau sự cố, anh Li và đứa con lớn được đưa vào bệnh viện, còn chị và đứa con nhỏ không qua khỏi. Anh Li mồ côi cha mẹ từ nhỏ trong thời Khmer Đỏ. Anh lớn lên, lấy vợ và sống gắn bó với cộng đồng người Việt ở đây. Nay gia đình anh lại phải một lần nữa gánh chịu mất mát quá lớn.

Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia cũng đã cử đoàn đến thăm hỏi và hỗ trợ các gia đình kiều bào có người bị nạn, với mức 100 USD cho một trường hợp tử vong và 50 USD cho mỗi trường hợp bị thương. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Tham tán phụ trách cộng đồng của Sứ quán Việt Nam tại Campuchia cho biết, hôm qua, cán bộ và nhân viên sứ quán tổ chức quyên góp được 2.800 USD để giúp đỡ các nạn nhân. Ngoài ra, cũng từ nguồn tin đại sứ quán, nhiều tổ chức, cá nhân và các địa phương của Việt Nam cũng sang Campuchia để góp phần xoa dịu nỗi đau cho các nạn nhân.

 

Số người chết được công nhận 347 người

Hôm qua, AFP dẫn thông tin từ Bộ Xã hội Campuchia đưa ra số người chết chính thức cho đến lúc này là 347 người. Con số 456 người đưa ra trước đó là do nhầm lẫn khi nhiều nạn nhân bị tính 2 lần. Trong số những người thiệt mạng có 221 phụ nữ và theo số liệu từ các bệnh viện, có 395 người bị thương.

AFP dẫn lời Cảnh sát trưởng Phnom Penh, Touch Naruth ước tính ít nhất 7.000 người đã chen chúc trên cây cầu Đảo Kim Cương rộng 8m, dài 100m trong đêm 22.11. “Thậm chí chúng tôi có hàng chục ngàn cảnh sát đi nữa cũng không thể nào giúp họ vì họ kẹt cứng trên cầu”, ông nói.

Trong lễ tưởng niệm hôm qua, ông Om Yentieng, cố vấn cấp cao của Thủ tướng Hun Sen, cho hay cây cầu định mệnh sẽ sớm được mở lại cho người đi bộ. “Việc sử dụng cây cầu sẽ tiếp tục”, ông nói. Tuy nhiên, nhiều người dân không tán thành việc mở lại cầu quá sớm, theo AFP. 

Quốc vương Norodom Sihamoni không thể tham dự lễ quốc tang hôm qua nhưng cha ông là cựu hoàng Norodom Sihanouk đang trị bệnh ở Bắc Kinh, Trung Quốc đã gửi thư chia buồn với quốc dân.

Lê Loan

 

Theo: Thanh niên
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 10.076.233
Truy cập hiện tại 920