Vật làng Sình - sân chơi văn hóa truyền thống đầu xuân
Ngày cập nhật 14/02/2011

 Đến hẹn lại lên, cứ vào ngày mồng 10 tháng giêng âm lịch, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế lại giong trống mở cờ đón các đô vật về với hội vật làng Sình. Lễ hội thu hút hàng ngàn nhân dân và du khách trong và ngoài nước tham gia cổ vũ.

 

Sau phần nghi lễ được tổ chức khá tôn nghiêm tại đình làng Lại Ân, Hội vật năm nay tiếp tục được tổ chức ở một không gian mới vừa quy hoạch trong khu đất 0,5 ha tại trung tâm của làng Lại Ân, xã Phú Mậu (Phú Vang). Sôi nổi trong tiếng reo hò, cổ vũ, gần 90 đô vật tranh tài ở hai độ tuổi thanh niên và thiếu niên diễn ra trong suốt thời gian một ngày. Qua các vòng loại, có 16 đô vật ở hai độ tuổi thanh niên và thiếu niên vào vòng chung kết sau khi thắng liên tiếp sau ba vòng thi đấu khá gay cấn và quyết liệt.

Bô lão đánh trống khai hội

Tại Lễ hội, ông Nguyễn Văn Giáo – Chủ tịch xã Phú Mậu, Trưởng Ban tổ chức Hội vật làng Sình cho biết: Với truyền thống hơn 400 năm, vật làng Sình hằng năm nhằm giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương và dân tộc, khơi dậy nét văn hóa truyền thống đặc trưng về các Lễ hội của tỉnh nhà nói chung, nét độc đáo của làng Sình, xã Phú Mậu nói riêng. Tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” thì Hội vật còn để phát triển phong trào TDTT quần chúng rộng khắp trên địa bàn xã.

Những đòn đánh đẹp mắt được ghi lại tại lễ hội

Tham gia Hội vật năm nay, có thể nói các vận động viên ở cả hai độ tuổi thiếu niên và thanh niên đã có những miếng đánh, đòn đánh, thế đánh đẹp và kỹ thuật cao, cống hiến cho du khách và những người yêu thích môn vật những trận đấu đẹp mắt và ấn tượng; vì vậy, có thể khẳng định phần nào sự tập luyện, chuẩn bị chu đáo để tham gia giải. Đây một sân chơi văn hóa truyền thống lành mạnh đầu xuân, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, để mừng Đảng, mừng Xuân và kỷ niệm các ngày lễ lớn, trọng đại của đất nước với ý nghĩa đề cao tinh thần thượng võ, Hội vật còn là dịp giúp thanh thiếu niên rèn luyện thể lực và nhân cách sống đẹp, sống khỏe. Các đô vật giải nhất được nhận mâu cau, trầu, rượu của Hội đồng làng cùng cờ, huy chương và tiền thưởng. Ban tổ chức còn trao giải thưởng nhân cách và đạo đức cho các đô vật có tinh thần thi đấu đẹp.

Ngoài công tác tuyên truyền quảng bá để thu hút đông đảo vật động viên tham gia, ông Nguyễn Lương Dũng – Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Phú Vang chia sẻ: Ban tổ chức đã rất chú trọng công tác chuẩn bị sân, bãi để tránh những chấn thương có thể xảy ra; song song đó, để nâng cao chất lượng của giải vật năm nay, BTC quyết định: những vận động viên cấp quốc gia thì không thi đấu ở giải này, nhằm tạo điều kiện cho những vận động viên trên địa bàn toàn tỉnh có thể thao gia, qua đó, phát hiện những tài năng mới, phục vụ cho công tác tuyển chọn những vận động viên xuất sắc vào đội tuyển của tỉnh nhà. Theo đó, nét mới của Hội vật năm nay là ưu tiên cho các đô vật thiếu niên có thời gian nhiều để đăng ký thi đấu để bộ môn vật của tỉnh có nhiều cơ hội tuyển chọn những đô vật xuất sắc vào đội tuyển của tỉnh.

Chia sẻ từ cú thắng đúp trong 3 trận liên tiếp, vận động viên Nguyễn Mạnh Tấn – Thị trấn Sịa cho biết: Là con dân của một làng võ truyền thống, em cảm thấy rất vinh dự khi đại diện sang Phú Mậu để tham gia giải năm nay. Và để thi đấu tốt trong giải năm nay, em đã ra sức tập luyện kỹ thuật và độ dẻo dai từ nhiều tháng trước. Em đến với môn vật từ khi em 15 tuổi và đến nay đã được 2 năm.

Chuyện kể rằng, vào thời Trần - Hồ, thành Hoá Châu là lỵ sở của một vùng phên dậu phương Nam nước Đại Việt, được xây dựng trong khu vực có vị trí chiến lược đặc biệt, án ngữ thuỷ lộ huyết mạch mà vùng Thanh Phước - Sình chính là cửa ngõ. Để huấn luyện binh sĩ, vật võ là môn thể thao được ưa chuộng. Trai làng Sình tích cực tham gia và dần dần trở thành một phong trào được tổ chức hàng năm để rèn luyện sức khoẻ trong lao động và bảo vệ quê hương. Dưới thời Nguyễn, nhờ có vị trí đặc biệt quan trọng trên các tuyến thuỷ lộ huyết mạch mà ngã ba Sình được triều đình chú trọng đầu tư xây dựng thành nơi diễn tập thuỷ quân. Với phương châm lấy việc rèn luyện sức khoẻ làm đầu, Nhà nước phong kiến khuyến khích quân lính tổ chức vật võ, và về sau ấn định ngày mồng 10 tháng Giếng làm ngày hội thao, tổ chức ngay tại làng Sình. Vật võ đã trở thành mạch sống của làng Sình và còn có ý nghĩa để cầu an.  Và ngày nay, nó đã trở thành ngày hội vật truyền thống hằng năm, đúng với câu thơ lục bát để nhắc nhở con cháu quê hương mình rằng dù ở bất cứ ở đâu trên mọi miền đất nước và đang định cư làm ăn sinh sống ở nước ngoài rằng:

“Dù ai đi đó đi đây

Đến ngày hội vật nhớ quay về Sinh”

Theo: thuathienhue.gov.vn
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 10.074.900
Truy cập hiện tại 546