Kỷ niệm 121 năm ngày sinh của Bác
Ngày cập nhật 19/05/2011

Kỷ niệm 121 năm ngày sinh nhật Bác (19-5-1890/19-5-2011): Ba mùa xuân đáng nhớ trong cuộc đời cách mạng của Bác Hồ


Từ tuổi thiếu thời cho tới khi trở thành vị Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác Hồ đã nhiều năm bôn ba ở nước ngoài để tìm đường cứu nước và đã từng đón xuân ở nhiều nước như: Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc, Thái Lan… Trong đó, đã có ba mùa xuân thật đáng nhớ, đánh dấu những mốc quan trọng trên hành trình tìm đường cứu nước.
Mùa xuân của Đảng
Đầu năm 1930, Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở Thái Lan thì được tin Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội đang bị tan rã. Người lập tức từ Thái Lan về Trung Quốc để chuẩn bị việc hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến Thượng Hải, Người tìm gặp đồng chí Nguyễn Lương Bằng và một số đồng chí khác để tìm hiểu kỹ tình hình trong nước. Người cũng đã tìm cách liên lạc với các cơ quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Hồng Kông, gặp các đồng chí Nhiêu Vệ Hoa, Lý Phú Xuân và Thái Sướng… để tham khảo ý kiến.
Để giữ bí mật, khi bàn việc chuẩn bị hội nghị, Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí Việt Nam lúc giả đánh “mạt chược” ở khách sạn, khi vờ xem đá bóng ở sân vận động. Sau những buổi bàn luận kỹ càng, Người đã quyết định triệu tập Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng. Nhận được tin, các đoàn đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và của An Nam Cộng sản Đảng lần lượt đến Hồng Kông vào những ngày giáp Tết. Hội nghị bắt đầu ngày mùng 5 Tết Canh Ngọ (tức ngày 3-2-1930) khi không khí Tết ở Hồng Kông còn rộn ràng. Sau năm ngày thảo luận sôi nổi và khẩn trương, Hội nghị đã nhất trí tán thành hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành một đảng duy nhất lấy tên Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là một thắng lợi có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam. Trước đây các tổ chức này đã nhiều lần gặp nhau bàn việc hợp nhất, nhưng không thành vì có những ý kiến khác nhau và thiếu người có đầy đủ uy tín đứng ra chủ trì. Hội nghị cũng đã nhất trí thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo. Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản có ý nghĩa như một đại hội thành lập Đảng. Sự nhất trí cao và nhanh chóng của hội nghị là nhờ vào vai trò lãnh đạo, hướng dẫn của Nguyễn Ái Quốc. Nhờ uy tín và công lao to lớn của Người, Đảng ta đã ra đời, đảm nhận sứ mệnh cao cả và thiêng liêng lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi tới thắng lợi.
Theo lời của T.Lan (một trong những cái tên của Bác) kể lại trong cuốn Vừa đi đường vừa kể chuyện, để mừng Đảng ra đời và mừng xuân, người đã đãi những người dự họp một bữa cơm Tết Nguyên đán trong không khí đầm ấm đầy tình đồng chí, đồng bào.
Đây là mùa xuân rất có ý nghĩa không những đối với Người mà đối với cả sự nghiệp của Đảng, của dân tộc. Tin mừng về việc thành lập Đảng làm cho nhân dân ta vô cùng phấn khởi và từ đó đồng tâm nhất trí đưa cuộc cách mạng vượt mọi thác ghềnh, không ngừng tiến lên. Thực tế hơn 81 năm qua đã chứng tỏ một cách hùng hồn rằng có Đảng và chỉ có Đảng mới thực sự đem lại mùa xuân cho dân tộc.
Xuân Hương Cảng thoát khỏi tù ngục
Tháng 6-1931, Nguyễn Ái Quốc lúc đó lấy tên là Tống Văn Sơ, bị cảnh sát Anh bắt tại số nhà 186 phố Tam Lung (Cửu Long) và giam ở nhà tù của thực dân Anh ở Hồng Kông. Được tin Nguyễn Ái Quốc bị bắt, thực dân Pháp ở Việt Nam rất vui mừng. Chúng phái nhiều tên mật thám sang chầu chực ở Hồng Kông, tìm mọi cách vận động Chính phủ, tòa án và cảnh sát Anh trao Nguyễn Ái Quốc cho chúng. Chúng đưa tàu thủy chực sẵn ở Hồng Kông, nếu tòa án Anh ký lệnh “trục xuất” là chúng bắt ngay Nguyễn Ái Quốc và đưa về Việt Nam.
Nhưng thực dân Pháp đã thất bại, Nguyễn Ái Quốc đã được Lô-dơ-bai, một luật sư người Anh có thiện tâm, tìm mọi cách giúp đỡ. Qua Lô-dơ-bai, Người đã tiếp bà Xten-la Ben-xơn, một nhà hoạt động văn học và sân khấu, vợ của Phó thống đốc Hồng Kông. Cảm phục về thái độ và tầm cao trí tuệ của Nguyễn Ái Quốc, bà này đã yêu cầu chồng mình giúp đỡ Người.
Khoảng cuối tháng 1-1933 gần Tết Âm lịch, Hội đồng nhà vua xóa án tù và ra lệnh cho phép Nguyễn Ái Quốc tự do đi đâu thì đi, miễn là ra khỏi Hồng Kông.
Với sự giúp đỡ của Lô-dơ-bai và của vợ chồng Phó thống đốc Hồng Kông, Người đã rời Hồng Kông một cách an toàn và đúng ngày 30 tháng Chạp năm Nhâm Thân (tức ngày 25-1-1933) Người đến Hạ Môn (Trung Quốc) nơi mà Lãnh sự Anh và Lãnh sự Pháp không có quyền can thiệp.
 
(Còn tiếp)
Nhà văn ĐOÀN MINH TUẤN
 
(Sưu tầm tài liệu và biên soạn theo Chuyện xưa góp nhặt của Nguyễn Trọng Thụ – cán bộ tiền khởi nghĩa)
Theo T.Lan trong cuốn Vừa đi đường vừa kể chuyện, thì từ tháng 6 đến tháng 9 năm 1931, tòa án họp chín phiên. Quan tòa và công tố vẫn quyết định đuổi Bác về Đông Dương. Luật sư Lô-dơ-bai chống án lên Hội đồng nhà vua Anh và nhờ luật sư Nô-oen Pơ-rit (Nowell’ Pritt) ở Luân Đôn cãi hộ cho Nguyễn Ái Quốc.

 

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 10.073.063
Truy cập hiện tại 6.845