Hỗ trợ 13% lương tối thiểu chung đóng BHXH cho giáo viên mầm non
Ngày 18/08/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 45/2011/QĐ-TTg về quy định hỗ trợ một phần kinh phí đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác từ trước năm 1995 nhưng chưa đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí.
Các đối tượng nêu trên được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để đóng BHXH tự nguyện khi có đủ các điều kiện: Đã có thời gian công tác trong cơ sở giáo dục mầm non trước ngày 01/01/1995, liền sau đó được tuyển dụng hoặc ký hợp đồng lao động làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non; khi nghỉ việc có đủ tuổi đời theo quy định và có từ đủ 15 đến dưới 20 năm đóng BHXH; chưa nhận chế độ BHXH 1 lần và cam kết tham gia BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng.
Nhà nước hỗ trợ kinh phí bằng 13% tiền lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định tại thời điểm đối tượng được hưởng hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện.
Khuyến khích các địa phương, cơ sở giáo dục mầm non hỗ trợ thêm kinh phí đóng BHXH đối với các đối tượng được hưởng hỗ trợ theo quy định tại Quyết định này.
Thời gian được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đóng BHXH tự nguyện thông qua cơ quan BHXH là số tháng thực tế làm giáo viên mầm non trước ngày 01/01/1995 của người được hỗ trợ nhưng tối đa không quá 60 tháng.
Cơ quan BHXH xác nhận việc tham gia BHXH tự nguyện cho các đối tượng thuộc diện hưởng hỗ trợ theo quy định tại Quyết định này khi đảm bảo các 02 điều kiện là: Tham gia BHXH tự nguyện theo quy định của Luật BHXH và đóng phần kinh phí bảo hiểm còn lại sau khi đã được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí theo quy định.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/10/2011.
Nhà giáo được giữ nguyên phụ cấp ưu đãi khi luân chuyển công tác
Ngày 05/08/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 42/2011/QĐ-TTg về việc bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được điều động làm công tác quản lý giáo dục.
Theo Quyết định này, Thủ tướng đồng ý bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập có quyết định điều động biệt phái, luân chuyển có hiệu lực trong thời gian từ ngày 01/09/2010 đến 31/05/2015 về công tác tại các Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Sở GD&ĐT mà không giữ chức vụ lãnh đạo và không được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, nhằm hỗ trợ nhà giáo khắc phục khó khăn trong thời gian đầu thực hiện quyết định điều động.
Mức phụ cấp ưu đãi được bảo lưu là mức phụ cấp ưu đãi mà nhà giáo đang được hưởng ở cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trước khi được điều động về công tác tại Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT. Thời gian được hưởng bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi là thời gian thực tế nhà giáo làm việc tại Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT tối đa 36 tháng.
Về cách tính mức phụ cấp ưu đãi, Quyết định nêu rõ, mức phụ cấp ưu đãi được bảo lưu của 01 tháng bằng tổng hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) nhân với mức lương tối thiểu chung và nhân với mức phụ cấp ưu đãi được bảo lưu.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2011.
Kỳ thị người nhiễm HIV bị phạt đến 20 triệu đồng
Ngày 08/08/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về y tế dự phòng, môi trường y tế và phòng, chống HIV/AIDS.
Trong đó, các hành vi vi phạm quy định về chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV bị phạt từ 5 đến 20 triệu đồng như: Từ chối tuyển dụng vì lý do người dự tuyển lao động nhiễm HIV; cha, mẹ bỏ rơi con chưa thành niên nhiễm HIV; cản trở hoặc từ chối tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội, mai táng, hỏa táng vì lý do liên quan đến HIV/AIDS; kỷ luật, đuổi học sinh, sinh viên, học viên vì lý do người đó hoặc thành viên trong gia đình có nhiễm HIV.
Nghị định cũng quy định phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng nếu có hành vi đe dọa truyền HIV cho người khác; lợi dụng hoạt động phòng chống HIV/AIDS để trục lợi hoặc thực hiện các hành vi trái pháp luật. Các vi phạm quy định về truyền máu về vô khuẩn, sát khuẩn và các quy định khác về chuyên môn trong xử lý phòng lây nhiễm HIV bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng.Đối với hành vi đưa tin bịa đặt về người nhiễm HIV đối với người không nhiễm HIV; sử dụng hình ảnh, thông điệp truyền thông có tính chất kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và thành viên gia đình người nhiễm HIV cũng bị phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng.
Hành vi tiết lộ cho người khác biết việc 01 người nhiễm HIV khi chưa được sự đồng ý của người đó; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về thời điểm, thời lượng, vị trí đăng tải thông tin về phòng, chống HIV/AIDS theo quy định; hành vi lợi dụng hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS để kích động, gây phương hại đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống văn hóa dân tộc, đạo đức xã hội cũng bị phạt từ 10 - 15 triệu đồng...
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2011; bãi bỏ các Điều 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Nghị định số 45/2005/NĐ-CP ngày 06/04/2005 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Từ 01/10, lương tôi thiểu vùng chính thức lên 2.000.000 đồng/tháng
Chính phủ đã chính thức nâng lương tối thiểu vùng thêm từ 300.000 đồng đến 650.000 đồng so với quy định hiện nay, áp dụng thống nhất đối với cả khu vực doanh nghiệp trong nước và khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Ngày 22/08/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định 70/2011/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động, có hiệu lực từ ngày 05/10/2011; thay thế 02 Nghị định số 107/2010/NĐ-CP và số 108/2010/NĐ-CP ngày 29/10/2010.
Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 01/10/2011 đến hết ngày 31/12/2012 như sau: Mức lương tối thiểu vùng là 2 triệu đồng/tháng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I; mức 1,78 triệu đồng/tháng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II; mức 1,55 triệu đồng/tháng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III; mức 1,4 triệu đồng/tháng đối với doanh nghiệp hoạt động trên các địa bàn thuộc vùng IV.
Mức lương tối thiểu vùng này là mức lương thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp thỏa thuận tiền lương trả cho người lao động và được làm căn cứ để xây dựng các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, tính các mức lương ghi trong hợp đồng lao động và thực hiện các chế độ khác do doanh nghiệp xây dựng và ban hành theo thẩm quyền do pháp luật lao động quy định.
Nghị định cũng quy định mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng được quy định trong Nghị định.
Khuyến khích doanh nghiệp tổ chức ăn giữa ca cho người lao động; mức tiền ăn giữa ca do doanh nghiệp, Ban Chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban Chấp hành công đoàn lâm thời và người lao động thỏa thuận, để đảm bảo chất lượng bữa ăn giữa ca cho người lao động…
7 chương trình, dự án ưu tiên cấp bảo lãnh Chính phủ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Danh mục các chương trình, dự án ưu tiên được xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ kèm theo Quyết định số 44/2011/QĐ-TTg ngày 18/08/2011.
Theo Quyết định này, có 07 chương trình, dự án ưu tiên được xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ, trong đó có: Các chương trình, dự án đầu tư được Quốc hội hoặc Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư và là dự án trọng điểm, thuộc diện triển khai cấp bách trong mọi lĩnh vực; chương trình tín dụng có mục tiêu Nhà nước do ngân hàng chính sách của Nhà nước thực hiện trong lĩnh vực do Thủ tướng quyết định; chương trình, dự án được tài trợ bằng khoản vay thương mại gắn với nguồn vốn ODA dưới dạng tín dụng hỗn hợp.
Bên cạnh đó, ưu tiên được xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ đối với chương trình, dự án trong lĩnh vực năng lượng và khai thác khoáng sản, gồm: Đầu tư và phát triển lĩnh vực điện; đầu tư nhà máy lọc dầu và khí đốt; đầu tư khai thác alumin và nhôm do Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.
Các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực xây dựng, phát triển hạ tầng và kết cấu hạ tầng được hỗ trợ bao gồm: Đầu tư xây dựng và khai thác cảng biển nước sâu theo quy hoạch, đầu tư đội tàu bay, xây dựng đường cao tốc, xây dựng cầu giao thông quốc gia được Thủ tướng phê duyệt; mua sắm đầu máy toa xe trong dự án đầu tư hệ thống đường sắt quốc gia do Quốc hội phê duyệt đầu tư và dự án đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục đào tạo, dạy nghề có khả năng hoàn vốn…
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2011.
Tổ chức tín dụng được cầm cố giấy tờ có giá để vay vốn ngắn hạn
Ngày 18/08/2011, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư số 17/2011/TT-NHNN quy định về việc cho vay ngắn hạn bằng VNĐ của NHNN đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) dưới hình thức có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá nhằm cung ứng vốn ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho các TCTD.
TCTD được vay vốn khi không bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt; có giấy tờ có giá đủ tiêu chuẩn và thuộc danh mục các giấy tờ có giá được sử dụng cầm cố vay vốn; có mục đích vay vốn phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của NHNN; có hồ sơ đề nghị vay cầm cố theo đúng quy định; không có nợ quá hạn tại NHNN tại thời điểm đề nghị vay vốn và có cam kết về sử dụng tiền vay đúng mục đích, trả nợ gốc và lãi cho NHNN đúng thời gian quy định.
Các loại giấy tờ có giá được cầm cố phải đạt tiêu chuẩn: Được phép chuyển nhượng, thuộc sở hữu hợp pháp của TCTD đề nghị vay, có thời hạn còn lại tối thiểu bằng thời gian vay, không phải là giấy tờ có giá do TCTD đề nghị vay phát hành; danh mục, thứ tự ưu tiên các giấy tờ có giá được sử dụng cầm cố vay vốn và tỷ lệ giữa giá trị giấy tờ có giá và số tiền vay cầm cố tại NHNN do Thống đốc quy định trong từng thời kỳ.
Giá trị giấy tờ có giá được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản vay cầm cố là tổng giá trị phát hành của giấy tờ có giá được tính theo mệnh giá. Mức cho vay tối đa không vượt quá giá trị giấy tờ có giá làm bảo đảm được quy đổi theo quy định của NHNN.
Thời hạn cho vay cầm cố là dưới 12 tháng và không vượt quá thời hạn còn lại của giấy tờ có giá được cầm cố; thời hạn này bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ; trường hợp ngày trả nợ trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ thì thời hạn cho vay được kéo dài đến ngày làm việc tiếp theo. Căn cứ mục đích vay vốn của TCTD, NHNN quyết định thời hạn cho vay, kỳ hạn thu nợ trong từng trường hợp cụ thể.
Lãi suất cho vay cầm cố đối với các TCTD là lãi suất tái cấp vốn của NHNN áp dụng khi cho vay cầm cố đối với các TCTD tại thời điểm giải ngân khoản vay và duy trì trong suốt thời hạn cho vay; trường hợp dư nợ vay cầm cố bị chuyển sang nợ quá hạn thì TCTD phải chịu lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay ghi trên hợp đồng tín dụng…
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2011, thay thế Thông tư số 03/2009/TT-NHNN ngày 02/03/2009 và Thông tư số 11/2009/TT-NHNN ngày 27/05/2009.
Phạt tới 100 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Ngày 24/08/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Mức phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này được quy định tối đa lên đến 100 triệu đồng.
Trong đó, phạt tiền từ 10 đến 30 triệu đồng đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp không thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật, biện pháp quản lý công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bắt buộc áp dụng quy định tại Điều 24 Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29/03/2011.
Mức phạt là từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện đúng các quy định về định mức sử dụng năng lượng, quy chuẩn kỹ thuật trong thiết kế, thi công, sử dụng vật liệu xây dựng nhằm tiết kiệm năng lượng do Bộ Xây dựng ban hành.
Trong hoạt động vận tải, hành vi sản xuất thiết bị, phương tiện vận tải không tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật, mức tiêu thụ năng lượng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất thiết bị, phương tiện vận tải bị phạt từ 50 đến 70 triệu đồng. Mức phạt sẽ lên đến 100 triệu đồng nếu nhập khẩu thiết bị, phương tiện vận tải không tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật, định mức tiêu thụ năng lượng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với thiết bị, phương tiện vận tải.
Phạt tiền từ 30 đến 50 triệu đồng đối với hành vi cung cấp sai thông tin hiệu suất năng lượng trên nhãn năng lượng so với Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng của phương tiện, thiết bị được cơ quan có thẩm quyền cấp. Dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị không đúng với Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng hoặc chưa được cấp Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng bị phạt từ 50 đến 70 triệu đồng.
Cũng theo Nghị định này, hành vi không thực hiện đầy đủ nội dung của báo cáo kiểm toán theo biểu mẫu quy định bị phạt cảnh cáo; không thực hiện kiểm toán năng lượng theo quy định bị phạt từ 50 đến 70 triệu đồng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2011; Bộ trưởng Bộ Công Thương chịu trách nhiệm hướng dẫn chi tiết và tổ chức thực hiện Nghị định này.
11 hành vi vi phạm quyền trẻ em
Ngày 22/08/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Thông tư quy định cụ thể về 11 hành vi vi phạm quyền trẻ em như: Cha, mẹ bỏ rơi con, người giám hộ bỏ rơi trẻ em được mình giám hộ; dụ dỗ, lừa dối, ép buộc trẻ em mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy; lôi kéo trẻ em đánh bạc; dụ dỗ, lừa dối, dẫn dắt, chứa chấp, ép buộc trẻ em hoạt động mại dâm, xâm hại tình dục trẻ em; hành hạ, ngược đãi, làm nhục, chiếm đoạt, bắt cóc, mua bán, đánh tráo trẻ em; lạm dụng lao động trẻ em…
Về trách nhiệm đảm bảo các quyền cơ bản của trẻ em, Nghị định quy định: Cha, mẹ, người giám hộ có trách nhiệm đi khai sinh cho trẻ em đúng thời hạn quy định. Việc khai sinh cho trẻ em được thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp để đăng ký khai sinh cho trẻ em đúng quy định tại khu vực có điều kiện đi lại khó khăn, người dân còn bị ảnh hưởng bởi những phong tục, tập quán lạc hậu. Tòa án quyết định hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con là trẻ em nếu cha, mẹ có hành vi vi phạm quyền trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em theo tính chất và mức độ vi phạm.
Cũng theo Nghị định này, quỹ bảo trợ trẻ em được thành lập nhằm mục đích vận động sự đóng góp tự nguyện của các cơ quan, tổ chức và cá nhân ở trong nước và nước ngoài, viện trợ quốc tế và hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Quỹ được sử dụng để chi hỗ trợ trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em khuyết tật, tàn tật; là nạn nhân của chất độc hóa học; nhiễm HIV/AIDS; phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại; phải đi làm việc xa gia đình; trẻ em lang thang; bị xâm hại tình dục; nghiện ma túy; vi phạm pháp luật…
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2011 và thay thế Nghị định số 36/2005/NĐ-CP ngày 17/03/2005.
Trái phiếu quốc tế có thể được chuyển đổi thành cổ phiếu
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 19/2011/TT-NHNN ngày 24/08/2011 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc phát hành trái phiếu quốc tế của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh ra thị trường tài chính quốc tế.
Theo các quy định trong Thông tư này, doanh nghiệp phát hành trái phiếu quốc tế có trách nhiệm mở và sử dụng 01 tài khoản vốn vay và trả nợ nước ngoài tại 01 tổ chức tín dụng được phép để thực hiện khoản vay nước ngoài thông qua phát hành trái phiếu quốc tế. Doanh nghiệp chỉ được rút vốn từ phát hành trái phiếu quốc tế để sử dụng cho các mục đích đã được phê duyệt tại đề án phát hành sau khi được NHNN xác nhận đăng ký.
Khi thực hiện chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, doanh nghiệp có nghĩa vụ phải tuân thủ các quy định hiện hành về trái phiếu chuyển đổi; về tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài, các quy định về báo cáo, công bố thông tin và các quy định liên quan khác; lập bảng tính toán về số tiền phải trả cho các trái chủ sau khi chuyển đổi; cam kết về tính chính xác so với hồ sơ đăng ký khoản phát hành. Để phục vụ cho việc thanh toán trái phiếu quốc tế, doanh nghiệp được quyền mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép dùng vào việc thanh toán nợ gốc, lãi của trái phiếu và các loại phí liên quan đến khoản phát hành trên cơ sở xuất trình các chứng từ, văn bản chứng minh nhu cầu thanh toán theo quy định của tổ chức tín dụng được phép phù hợp với quy định hiện hành về quản lý ngoại hối.
Cũng theo Thông tư này, đề án phát hành trái phiếu quốc tế của ngân hàng thương mại là doanh nghiệp nhà nước phải được NHNN chấp thuận. Hồ sơ, thủ tục đề nghị NHNN chấp thuận đề án phát hành trái phiếu quốc tế được thực hiện theo hướng dẫn của NHNN về việc vay trung, dài hạn nước ngoài của ngân hàng thương mại là doanh nghiệp nhà nước.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2011; các khoản phát hành trái phiếu quốc tế của doanh nghiệp đã được NHNN xác nhận đăng ký trước khi Thông tư này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện theo các văn bản xác nhận đăng ký của NHNN.
Được vay vốn tín dụng đầu tư tối đa 70% tổng vốn đầu tư của dự án
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/08/2011 về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.
Theo quy định tại Nghị định này, để được vay tín dụng đầu tư, chủ đầu tư phải có dự án đầu tư thuộc Danh mục các dự án được vay vốn; thực hiện đầy đủ thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật; có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, có hiệu quả, đảm bảo trả được nợ. Đồng thời, chủ đầu tư phải thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định và có vốn chủ sở hữu tham gia dự án tối thiểu 20%, bảo đảm đủ nguồn vốn để thực hiện dự án, thực hiện chế độ hạch toán kế toán, báo cáo tài chính theo quy định.
Mức vốn cho vay đối với mỗi dự án tối đa bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động), phải đảm bảo mức vốn cho vay tối đa đối với mỗi chủ đầu tư không được vượt quá 15% vốn điều lệ thực có của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Thời gian cho vay được xác định theo khả năng thu hồi vốn của dự án với khả năng trả nợ của chủ đầu tư phù hợp với đặc điểm sản xuất, kinh doanh của dự án nhưng không quá 12 năm.
Điều kiện được vay vốn tín dụng xuất khẩu là: Nhà xuất khẩu có hợp đồng xuất khẩu và nhà nhập khẩu nước ngoài có hợp đồng nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục mặt hàng được vay vốn tín dụng xuất khẩu; có phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả; có năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự đầy đủ…
Mức vốn cho vay tối đa bằng 85% giá trị hợp đồng xuất khẩu, nhập khẩu đã ký hoặc giá trị L/C đối với cho vay trước khi giao hàng hoặc trị giá hối phiếu hợp lệ đối với cho vay sau khi giao hàng, đồng thời phải đảm bảo mức vốn cho vay tối đa đối với mỗi nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu nước ngoài không vượt quá 15% vốn điều lệ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Thời hạn cho vay xác định theo khả năng thu hồi vốn phù hợp với đặc điểm của từng hợp đồng xuất khẩu và khả năng trả nợ của nhà xuất khẩu hoặc nhà nhập khẩu nước ngoài nhưng thời hạn cho vay của từng khoản vay không quá 12 tháng; thời hạn cho vay đối với mặt hàng tàu biển xuất khẩu tối đa là 24 tháng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/10/2011; thay thế các Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 và số 106/2008/NĐ-CP ngày 19/09/2008.
Cá nhân được mua ngoại tệ với mức 100 USD/người/ngày
Ngày 29/08/2011, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 20/2011/TT-NHNN quy định việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng được phép.
Theo quy định trong Thông tư này, cá nhân là công dân Việt Nam được mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu của bản thân và trẻ em chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ, bao gồm tiền ăn, tiền tiêu vặt, tiền đi lại ở nước ngoài liên quan đến mục đích học tập, chữa bệnh ở nước ngoài; đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài.
Cá nhân là người nước ngoài có nguồn thu hợp pháp bằng đồng Việt Nam được mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép phù hợp với các quy định hiện hành về quản lý ngoại hối; cá nhân bán ngoại tệ tiền mặt tại TCTD được phép và Đại lý đổi ngoại tệ của TCTD được phép theo quy định hiện hành về quản lý ngoại hối. Hạn mức mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép để đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ quy định tại Thông tư này với mức 100 USD/người/ngày hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương trong khoảng thời gian lưu trú ở nước ngoài là 10 ngày. Hạn mức ngoại tệ trên cũng được áp dụng đối với trẻ em chung hộ chiếu với cha mẹ.
Cũng theo Thông tư này, việc mua ngoại tệ tiền mặt của cá nhân được thực hiện tại các điểm được phép bán ngoại tệ tiền mặt thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng được phép phù hợp với quy định của pháp luật.
Việc bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân được thực hiện tại các địa điểm được phép mua ngoại tệ tiền mặt thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng được phép phù hợp với quy định của pháp luật và các Đại lý đổi ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2011.
Từ 15/10, cả ô tô con và xe bán tải đều chịu lệ phí trước bạ từ 10 - 20%
Ngày 31/08/2011, Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư số 124/2011/TT-BTC hướng dẫn về lệ phí trước bạ đối với nhà, đất; súng săn, súng thể thao; tàu thủy, kể cả sà lan, ca nô, tàu kéo, tàu đẩy; thuyền, kể cả du thuyền; tàu bay; xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy; ôtô…
Thông tư quy định cụ thể về các trường hợp thuộc diện không phải nộp lệ phí trước bạ như: Nhà, đất là trụ sở của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước ngoài, cơ quan Đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc và nhà ở của người đứng đầu các cơ quan nêu trên; đất được Nhà nước giao cho các tổ chức, cá nhân sử dụng vào các mục đích công cộng, thăm dò, khai thác khoáng sản, nghiên cứu khoa học, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê, không phân biệt đất trong hay ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất…
Đất được Nhà nước giao hoặc công nhận sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và làm muối; nhà, đất thừa kế, hoặc là quà tặng giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; anh, chị, em ruột… với nhau, nay được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu cũng thuộc trường hợp không phải nộp lệ phí trước bạ.
Căn cứ tính lệ phí trước bạ là giá tính lệ phí trước bạ và tỷ lệ (%) lệ phí trước bạ; mức thu lệ phí trước bạ đối với các tài sản tối đa là 500 triệu đồng/1 tài sản/lần trước bạ, trừ ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi, tàu bay, du thuyền. Giá tính lệ phí trước bạ là giá do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành để làm căn cứ tính lệ phí trước bạ.
Tỷ lệ (%) lệ phí trước bạ nhà, đất là 0,5%; súng săn, súng thể thao là 2%; tàu thuỷ, sà lan, ca nô, tàu kéo, tàu đẩy, thuyền, du thuyền, tàu bay là 1%; xe máy mức thu là 2% (Riêng xe máy của tổ chức, cá nhân ở các thành phố trực thuộc Trung ương; thành phố thuộc tỉnh; thị xã nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức là 5%, lần thứ 02 trở đi được áp dụng mức thu là 1%); ôtô, rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc được kéo bởi ôtô là 2% (Riêng ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi, bao gồm cả trường hợp ôtô bán tải vừa chở người, vừa chở hàng thì nộp lệ phí trước bạ theo tỷ lệ từ 10% đến 20%).
Cũng theo Thông tư này, 06 trường hợp sau đây được miễn lệ phí trước bạ: Nhà ở, đất ở của hộ nghèo; nhà ở, đất ở của người dân tộc thiểu số ở các xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn; phương tiện thuỷ nội địa không có động cơ, trọng tải toàn phần đến 15 tấn; phương tiện thuỷ nội địa có động cơ tổng công suất máy chính đến 15 mã lực; phương tiện thuỷ nội địa có sức chở người đến 12 người; vỏ và tổng thành máy tương ứng lắp thay thế vào các loại phương tiện này…
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2011 và thay thế Thông tư số 68/2010/TT-BTC ngày 26/10/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn về lệ phí trước bạ.