|
|
Không cần làm thượng đế Ngày cập nhật 05/08/2010 | Ảnh minh họa |
Chẳng có nước nào mà khách hàng được tâng bốc tận mây xanh như ở VN. Nào là Ân nhân – là Vua và cả Thượng đế. Mấy nước phát triển cỡ Mỹ cũng chỉ dám nói “Khách hàng luôn luôn đúng!”. Và họ nói sao làm vậy. Còn ở VN – cứ tâng bốc cho sướng miệng – vô tình tạo cho khách hàng ảo tưởng nên có lúc đòi hỏi quá đáng. Còn hành xử thực tế thì ngược lại. Cứ tha hồ “đem con bỏ chợ” – “chặt chém” (giá cả) và nếu cần thượng cẳng chân hạ cẳng tay, thậm chí dùng cả dùi cui – roi điện và nhiều dụng cụ hỗ trợ khác để hành hung khách hàng.
Cách đây mấy năm đã có trường hợp nhân viên quán cơm đánh chết một khách hàng ở Ninh Thuận. Còn bây giờ chuyện xảy ra ngay tại Sài Gòn, trung tâm văn hóa - du lịch – thương mại… của cả nước.
Khách hàng không cần làm Thượng đế - khách hàng chỉ muốn được tôn trọng. Trong một xã hội có pháp luật, không ai được phép đối xử với người khác như vậy, cho dù họ là tội phạm. Nếu có xích mích hay mâu thuẫn thì đã có pháp luật hòa giải và phân xử. Kiểu hành xử lối xã hội đen của bảo vệ và cả nhân viên quán cơm Minh Đức với ông Lê Văn Ngai (60 tuổi – Việt kiều ở Hà Lan) là không thể chấp nhận.
Cách đây gần 3 năm các nhân viên quán cơm này từng đánh hai vợ chồng Tham tán Đại sứ quán VN tại Campuchia phải vào cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Nếu 3 năm trước xử lý nghiêm minh, chắc hôm nay không có nạn nhân Lê Văn Ngai phải vào Bệnh viện Sài Gòn sau đó qua FV cấp cứu và phải nhờ tới Tổng lãnh sự Hà Lan tại TP.HCM can thiệp.
Trong thời đại internet – chỉ vài giây sau là thông tin và hình ảnh ông Lê Văn Ngai bị hành hung đã lan khắp thế giới. Còn đâu hình ảnh “VN điểm đến thân thiện”? Còn đâu ấn tượng người Việt thân tình, hiếu khách? Khách nào dám béán mảng đến những nhà hàng đó.
Trách mấy người bảo vệ côn đồ 1 nhưng phải trách người sử dụng họ và cấp roi điện cho họ 3. Nhân viên quán cơm cũng thế. Một ông chủ bình thường sẽ không có những nhân viên vô cảm. Vụ việc này phải được xử lý nghiêm khắc để nêu gương bằng không thì hậu quả khôn lường. Bên cạnh đó các công ty du lịch, hội lữ hành, hiệp hội du lịch thành phố cũng cần lên tiếng mạnh mẽ để bênh vực du khách và tẩy chay những quán cơm xem khách hàng là tội phạm thời trung cổ.
Một quán cơm có tiền sử như vậy không thể tiếp tục kinh doanh bởi sẽ làm xấu hình ảnh doanh nhân. Đạo đức kinh doanh trước hết là đạo làm Người. “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”. “Việc gì mình không muốn thì mình đừng làm cho người khác”. Mong sao lần này, pháp luật sẽ xử tới nơi tới chốn để góp phần ngăn chặn sự khủng hoảng về đạo đức xã hội, trong đó có đạo đức kinh doanh, đang có khuynh hướng ngày càng lây lan không kiểm soát nổi.
Tác giả: Nguyễn Công Dân Tin mới
|
| Thống kê truy cập Truy cập tổng 10.078.534 Truy cập hiện tại 1.634
|
|