|
|
Hôm nay, hàng loạt quyết định quan trọng có hiệu lực Ngày cập nhật 01/05/2012 Sau một thời gian chờ đợt, hàng loạt quyết định quan trọng có tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân như tăng lương tối thiểu, tăng phụ cấp cán bộ, quy định về quản lý vàng… đã chính thức có hiệu lực kể từ hôm nay (1/5). Chính thức tăng lương tối thiểu lên 1.050.000 đồng/tháng
Một quyết định có tầm ảnh hưởng và được nhiều người quan tâm nhất kể từ đầu tháng 5 này, phải nhắc tới đó là việc tăng lương tối thiểu chung.
Theo Nghị định 31/2012/NĐ-CP, mức lương tối thiểu chung thực hiện từ 1/5/2012 là 1.050.000 đồng/tháng, tăng 220.000 đồng/tháng so với mức lương 830.000 đồng/tháng hiện đang áp dụng.
Mức lương tối thiểu chung nêu trên áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang và người lao động làm việc ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức gồm: cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội; đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; đơn vị sự nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội; công ty THHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Cũng theo Nghị định này, mức lương tối thiểu chung quy định tại Nghị định này được dùng làm cơ sở để tính các mức lương hệ thống thang lương, bảng lương, mức phụ cấp lương và thực hiện một số chế độ khác của pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng lực lượng vũ trang và người lao động làm việc ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức quy định trong Nghị định này.
Chế độ phụ cấp công vụ 2012 tăng lên 25%
Cùng với việc tăng lương tối thiểu, vừa qua Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 34/2012/NĐ-CP về chế độ phụ cấp công vụ đối với một số đối tượng cán bộ, công chức.
Theo đó, kể từ 1/5 mức phụ cấp này sẽ bằng 25% (thay cho mức 10% hiện hành) mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hoặc phụ cấp quân hàm.
Các đối tượng được áp dụng chế độ phụ cấp công vụ nói trên là cán bộ, công chức, người hưởng lương hoặc phụ cấp quân hàm từ ngân sách nhà nước làm việc trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, ở xã, phường, thị trấn và lực lượng vũ trang.
Quy định các đơn vị được kiểm toán
Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định 17/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kiểm toán độc lập, trong đó quy định cụ thể về các đơn vị được kiểm toán.
Nghị định quy định rõ, doanh nghiệp, tổ chức mà pháp luật quy định báo cáo tài chính hàng năm phải được doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm toán, bao gồm: Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng, bao gồm cả chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam...
Bên cạnh đó, doanh nghiệp, tổ chức phải được doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm toán, bao gồm: doanh nghiệp nhà nước, trừ doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật phải được kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm; doanh nghiệp, tổ chức mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nắm giữ từ 20% quyền biểu quyết trở lên tại thời điểm cuối năm tài chính phải được kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm;...
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2012.
Phạt nặng việc tự ý chuyển giao thông tin của người tiêu dùng
Theo Nghị định số 19/2012-NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, một số hành vi hiện đang diễn ra khá phổ biến trong xã hội mà chưa có hình thức xử phạt, thì từ 1/5 này sẽ được pháp luật bảo vệ người tiêu dùng bảo vệ bằng mức xử phạt nặng hơn.
Cụ thể, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức phạt tối đa là 70 triệu đồng.
Mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng áp dụng đối với các hành vi: sử dụng thông tin của người tiêu dùng không phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng và không được người tiêu dùng đồng ý; chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Không sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán
Sau hàng chục lần dự thảo, Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng đã chính thức được Chính phủ ký ban hành.
Theo Nghị định này, hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện: là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; Phải có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; Phải có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 năm trở lên; Phải có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế); Phải có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Ngoài ra, Nghị định cũng đưa ra 7 hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng. Điển hình như: Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp; Mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân vượt mức quy định không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp và sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán….
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/5/2012. Theo: media Tin mới Các tin khác
|
| Thống kê truy cập Truy cập tổng 10.067.859 Truy cập hiện tại 4.826
|
|