Sự kiện
07/4: Khai mạc Tuần lễ Văn hóa - Thể thao Thanh thiếu nhi tỉnh TT-Huế, lần thứ XX     *     07/4: Ngày hội các CLB, Đội, Nhóm tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VI     *     07/4: Ngày hội Thanh niên với Văn hóa Giao thông     *     10/4: Ngày hội Chiến sỹ nhỏ Điện Biên làm theo lời Bác dạy năm 2024     *     20 - 21/4: Chương trình truyền thông tư vấn hướng nghiệp và định hướng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

 

Tìm kiếm tin tức

Bao giờ có Đại học Du lịch Huế
Ngày cập nhật 26/10/2015

Huế có một Khoa Du lịch thuộc Đại học Huế đào tạo bài bản các chuyên ngành đại học và sau đại học về du lịch. Huế cũng có Trường cao đẳng nghề Du lịch Huế là 1 trong 6 trường cao đẳng nghề mạnh, được lựa chọn xây dựng mô hình quản lý tiên tiến, đầu tư đồng bộ theo hướng tiếp cận chuẩn khu vực ASEAN và quốc tế. Nếu kết hợp hai đơn vị này với nhau để hình thành một Đại học Du lịch Huế đào tạo theo mô hình chuẩn quốc tế từ bậc nghề thấp cho đến bậc cao thì vô cùng lợi thế. Đây cũng là chủ trương của tỉnh từ cách đây mấy năm. Chủ trương đã có, nhưng Đại học Du lịch Huế thì chưa biết khi nào mới thành hình...

Nếu chậm sẽ lỡ cơ hội

PGS.TS.Lê Văn Anh, Phó Giám đốc Đại học Huế nhìn nhận: “Là một trung tâm du lịch của cả nước, Huế nên có một trường đại học du lịch. Hiện, Huế có Khoa Du lịch trực thuộc Đại học Huế thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trường cao đẳng nghề Du lịch Huế thuộc Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch. Trường nào cũng có cái mạnh và chưa mạnh, nhất là về đội ngũ. Nếu 2 cơ sở đó nhập lại để thành một đại học du lịch thì rất hay vì có thể bổ sung cái mạnh cho nhau, đặc biệt là đội ngũ, chương trình đào tạo, thực hành,... Đại học Du lịch Huế hình thành sẽ trở thành một trường mạnh của miền Trung - Tây Nguyên, đủ sức đào tạo không chỉ cho khu vực mà cả nước”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cũng cho rằng: “Nếu có thêm đại học du lịch sẽ hợp với vị thế, ưu thế và lợi thế của Huế”. Theo ông Hoa, là một trung tâm du lịch rất đặc sắc ở Việt Nam, Huế có quá nhiều lợi thế. Những lợi thế đó “không chỉ là những di tích, thắng cảnh mà cả cái “nền” về di tích, con người, ẩm thực, nghệ thuật,... Nghĩa là tất cả các thành tố về du lịch, Huế đều rất có lợi thế. Chẳng hạn như ai học về bếp ở Huế, tôi tin họ sẽ là đầu bếp xuất sắc bởi vì nghệ thuật nấu ăn của Huế là thượng thừa ở Việt Nam. Hay về nghệ thuật truyền thống, học ở nơi khác làm sao họ hiểu nhưng ở đây thì họ sẽ tiếp nhận được. Thực tập về du lịch ở Huế không thua gì TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội. Hàng ngày, hàng ngàn khách du lịch đến đây... Chỉ cần khai thác các lợi thế này thì Trường đại học Du lịch Huế đủ tầm vươn ra cả nước”, ông Hoa nói.

Huế rất thuận lợi để thành lập một trường đại học hoặc học viện du lịch. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có động thái cụ thể nào để biến chủ trương này thành hiện thực. Một chuyên gia tâm huyết với du lịch Huế sốt ruột: “Nghe đâu là năm 2017, 2018 sẽ triển khai thành lập đại học Du lịch Huế thì chậm quá, vì cơ hội và cạnh tranh càng ngày càng khó. Chủ trương đã có nhưng thực hiện đến đâu, ai làm đề án, kế hoạch cụ thể ra sao? Phải có một ban hoặc uỷ ban, hoặc một nhóm người làm trực tiếp việc đó chứ cứ nói chung chung thì chẳng biết khi nào?!”.

Vấn đề đặt ra ở đây là để có một đại học Du lịch cho Huế có nhất thiết phải kết hợp hai đơn vị: Khoa Du lịch của Đại học Huế và Trường cao đẳng nghề Du lịch Huế lại? Có 3 phương án đặt ra: thứ nhất là Trường cao đẳng nghề Du lịch Huế sẽ phát triển lên thành học viện; thứ hai là Khoa Du lịch - Đại học Huế phát triển lên thành học viện hoặc đại học. “Hai phương án này mỗi cái đều có ưu thế và bất lợi riêng, nhưng nếu hai đơn vị này ghép lại với nhau sẽ tạo thành một thế mạnh có thể không ai có, đó là về đội ngũ, cơ sở vật chất, trình độ đào tạo từ đào tạo nghiệp vụ cho đến đào tạo nghề, trung cấp, cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp, đại học, sau đại học và thậm chí cả đào tạo chuyên gia - tức là phương án ba”, một chuyên gia về du lịch đưa ra quan điểm.

Hướng đi nào?

Việc kết hợp hai đơn vị Khoa Du lịch của Đại học Huế và Trường cao đẳng nghề Du lịch Huế để hình thành trường đại học du lịch cho Huế rõ ràng rất lợi thế, nhưng mỗi đơn vị thuộc một bộ quản lý khác nhau có phải là một trở ngại lớn? Câu trả lời chưa hẳn như vậy.

“Vấn đề tuỳ thuộc vào Trường cao đẳng nghề Du lịch Huế, còn Đại học Huế thì sẵn sàng. Đại học Du lịch Huế khi thành lập thuộc về bộ nào cũng được, nhưng quan trọng là Huế có một đại học du lịch, đem lại cái lợi cho tỉnh”, Phó Giám đốc Đại học Huế - Lê Văn Anh nói. Một vị lãnh đạo Đại học Huế từng phát biểu rằng, nếu tỉnh muốn lấy Khoa Du lịch của Đại học Huế về cũng được, mà để thành lập một trường đại học du lịch riêng của tỉnh cũng được, hoặc nếu đặt trường đại học du lịch đó vào Đại học Huế thì Đại học Huế cũng sẵn sàng. Như vậy, vấn đề cơ chế thuộc bộ nào chỉ là câu chuyện điều hành! 

Ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Du lịch Huế, lại có những băn khoăn: “Chủ trương kết hợp là của tỉnh, nhưng có hai vấn đề cần cân nhắc: thứ nhất, Trường cao đẳng nghề Du lịch Huế thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quản lý và đầu tư tiền bạc, con người,... Do vậy, nếu gộp hay không thì Bộ phải đồng ý. Thứ hai là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đầu tư vào trường khá nhiều vì định hướng dạy nghề ở đây và bộ sẽ không bao giờ bỏ dạy nghề ở đây cả. Còn Khoa Du lịch thuộc Đại học Huế và thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý. Thứ ba là chương trình đào tạo khác nhau, đối tượng và triết lý làm việc khác nhau. Tỉnh chỉ định hướng quy hoạch thôi chứ không định hướng được tổ chức và muốn kết hợp hai đơn vị thành một trường đại học du lịch cho Huế thì tỉnh, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải ngồi lại với nhau mới được”.

Ông Phương cho biết thêm, hướng đi riêng của trường này là sẽ phát triển lên thành cơ sở dạy nghề trình độ đại học. “Trường được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phê duyệt đề án phát triển trường giai đoạn 2014 đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó Bộ định hướng trường sẽ đào tạo lên bậc cao hơn nữa tức là sẽ có đào tạo bậc đại học ở trường. Mô hình đại học hay học viện thì phải theo luật giáo dục Việt Nam. Ý định của bộ là nâng cấp đào tạo của trường lên đại học, tức có thể có cả sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và đại học mà mô hình đó thường gắn với học viện. Từ năm 2018-2020, trường sẽ tập trung phát triển xây dựng một số nghề đào tạo đại học và sẽ thực hiện chuyển đổi mô hình khi luật cho phép”, ông Phương nói.

“Phù hợp nhất là trở thành đại học của tỉnh”

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, không nhất thiết là đại học du lịch, ở Huế có thể nghĩ đến mô hình học viện về du lịch. “Học viện khác đại học ở chỗ là một hình thái đại học mà trong lòng nó vừa có đào tạo về lý thuyết vừa có những đơn vị thực hành, ông Hoa nói. - Tôi đã đến ở trong trường dạy nghề du lịch của Pháp và thấy rằng, chỗ ở của mình (cũng là chỗ thực tập của họ) - tốt hơn khách sạn bên ngoài vì nó phải là mẫu mực, trong khi ở ta, khách sạn thực hành của Trường cao đẳng nghề Du lịch Huế không mang tính mẫu mực mà yếu hơn những khách sạn bên ngoài. Hình thức đào tạo du lịch là như vậy. Anh phải tự tạo cho mình một uy tín. Huế rất nên có một trường đại học du lịch nhưng nếu làm, phải làm theo hướng đó chứ không phải làm sao đủ tiêu chuẩn về giảng viên, cơ sở vật chất để lên đại học. Những tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay chưa chuẩn, chỉ chú ý đến những cái gần như phần “xác” mà không chú ý đến cái tinh tuý của một trường đại học. Tất nhiên phần “xác” rất quan trọng nhưng vấn đề là hệ thống đào tạo của nó có toàn diện không, có chuyên sâu không, rồi vấn đề tổ chức đào tạo kỹ năng ngang mức nào”.

Tại Việt Nam có các dạng đại học trực thuộc bộ chuyên ngành, ví dụ Học viện Âm nhạc Huế trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; dạng đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo như Đại học Huế và dạng đại học của địa phương. Là người làm trong lĩnh vực du lịch lâu năm và là một trong những người tham gia xây dựng Trường cao đẳng nghề Du lịch Huế trước đây, ông Hoa cho rằng: “Hướng thành lập đại học du lịch tại Huế phù hợp nhất hiện nay là trở thành dạng đại học của tỉnh. Phải mạnh dạn nếu Thừa Thiên Huế muốn từng bước khôi phục vị thế của mình trên một số lĩnh vực gọi là lợi thế so sánh. Ví dụ như trước đây thành lập Học viện Âm nhạc Huế mà tỉnh không giao cơ sở 1 Lê Lợi thì Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng chịu và Đại học Huế cũng chịu không thể thành lập được vì thành lập học viện phải có cơ sở vật chất. Nếu để Đại học Huế đưa Khoa Du lịch lên đại học thì họ không đủ cơ sở vật chất; còn Trường cao đẳng nghề Du lịch Huế trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch mà thực chất trước đây là do tỉnh ta xây dựng. Do đó, vấn đề là tỉnh có đủ sức làm hay không, có quyết tâm hay không và phải có lộ trình. Bây giờ bảo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch làm, họ không làm đâu. Nhưng nếu tỉnh quyết tâm làm cho được Đại học Du lịch Huế “ra môn ra khoai” rồi giao lại cho Bộ nào đó thì chắc chắn Bộ nào cũng nhận hết, đừng ngại mình không đủ tiềm lực tài chính để duy trì lâu dài”.

Nhìn nhận về chiến lược đào tạo bài bản về du lịch cho Huế, nhiều chuyên gia làm trong ngành du lịch và giáo dục cho rằng, phải nghĩ tới một cơ sở đào tạo rất toàn diện hay có thể nói là đa lĩnh vực về du lịch thì sẽ thu hút được người học. Hiện các trường dạy nghề kể cả trung cấp và đại học ở Việt Nam đang rất yếu trong đào tạo kỹ năng chuyên biệt để có những người thợ, chuyên viên thành thạo trên một số lĩnh vực nghề nghiệp. Vì vậy, nếu tiến tới thành lập một trường đại học nhất là đại học du lịch ở Huế cần phải khắc phục cho được nhược điểm của những trường đào tạo về du lịch hiện nay, khi đó sẽ có sự hấp dẫn và cạnh tranh được.

Quốc Vũ (theo: Báo Thừa Thiên Huế)
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 8.538.434
Truy cập hiện tại 704